Từ ngày 8.9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang về. Theo ghi nhận của Thanh Niên, số hàng quán đủ điều kiện mở cửa và bắt đầu buôn bán trở lại những ngày qua chủ yếu là các quán bún bò, bò kho, trà sữa…
Mỗi ngày bán 300 phần bún bò
Sáng 13.9, quán bún bò Đông Ba Gia Hội trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mở bán trở lại. Tầm 10 giờ, lác đác vài lượt shipper đến nhận bún để giao, nhân viên cũng bắt đầu dọn dẹp vì chẳng còn gì để bán.
Chị Mỹ Nhung (24 tuổi, nhân viên quán) vừa lau dọn vừa cho biết từ 7 giờ, 3 nhân viên tại đây đã thức để chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng, 8 giờ bắt đầu bán. Tuy nhiên vì khách đặt hàng quá đông nên chỉ trong 2 tiếng, quán đã bán hết sạch.
Hơn 10 giờ sáng, quán bún bò đã bán hết sạch, chị Mỹ Nhung (24 tuổi, nhân viên quán) bắt đầu lau dọn
|
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Trương Thị Hạnh (36 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, chủ thương hiệu bún bò Đông Ba Gia Hội với hơn 17 chi nhánh ở TP.HCM) tâm sự từ ngày hay tin hàng quán được mở cửa bán mang đi, chị “mừng không nói nên lời”. Lập tức, chị tìm hiểu về những điều kiện để được mở cửa và bắt đầu bán lại vào ngày 11.9 ở cả 10 chi nhánh.
Chị cho biết để có thể kinh doanh lúc này, các nhân viên quán đều phải “3 tại chỗ”, đã tiêm vắc xin cũng như test Covid-19 theo đúng quy định của TP. Đồng thời, chị cũng dặn nhân viên chỉ bán cho shipper thông qua những đơn hàng được đặt trên app, không bán cho người dân trực tiếp đến mua.
Hơn 3 ngày qua, trung bình một chi nhánh của chị bán gần 300 phần bún bò mang đi mỗi ngày, giá mỗi tô từ 40.000 – 50.000 đồng. Theo chị, mức giá này là không tăng so với trước dịch dù giá nguyên liệu, vận chuyển… tăng lên gấp rưỡi.
Shipper lấy hàng ở ngoài để đảm bảo phòng dịch
|
“Bán như vậy chị có lời không?”, PV hỏi. Chủ quán cho biết dù mình không tăng giá nhưng bán như vậy “lời thì không lời nhiều nhưng cũng không lỗ, cái quan trọng là mình được kinh doanh trởi lại để trả tiền mặt bằng, nhân viên cũng có việc để làm. Dịch vừa rồi, nhiều nhân viên tôi về quê nhưng cũng có người kẹt lại đây, thương các em lắm”.
Lý giải về việc không tăng giá, chủ quán này cũng cho biết thêm thời điểm này, vì phí ship đã quá cao nên cũng không muốn tăng vì thông cảm cho khách hàng. Chị Hạnh mong rằng thời gian tới mình có thể có đủ nguyên liệu để bán nhiều hơn cho khách.
“Khách đặt nhiều quá, mình làm không kịp nên đôi khi người ta đợi lâu họ hủy đơn. Nói thiệt là nhân viên ít quá, hàng quán cũng mở lại ít nên đôi khi mình không thể giải quyết hết chứ không phải quán “chảnh”, mong khách thông cảm cho quán những lúc như vậy”, chị bày tỏ.
Tương tự, quán bún bò ở trên đường Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) đã đủ điều kiện, vừa mở bán lại vào ngày 11.9 nhưng vì thiếu nguyên liệu nên số lượng bán hạn chế. Nhân viên tại quán cho biết trước dịch, quán bán từ 6 giờ sáng đến 22 giờ nhưng nay mở bán lại nên chưa chuẩn bị kịp nguyên liệu, số lượng người đặt mua liên tục nên chỉ bán đến 8 giờ sáng đã hết hàng, tắt app không nhận thêm đơn.
Tuy chỉ bán thông qua app nhưng người dân vẫn đến quán bún bò để hỏi thăm liên tục, nhân viên quán phải kéo cửa sắt đóng cửa sớm hơn bình thường.
“Mong nhiều quán mở hơn”
Vừa mở bán lại vào ngày 13.9, quán Hamburger trên đường Nguyễn Văn Công (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã liên tục tiếp shipper đến lấy hàng. Chị Vani (31 tuổi, nhân viên quán) cho biết khi quán vừa mở cửa trở lại, số lượng khách đến đặt mua đa phần chủ yếu là thực khách nước ngoài. Hamburger tại quán có giá 35.000 đồng, 60.000 đồng hoặc 80.000 đồng tùy loại. Những đơn hàng nào có giá trị trên 50.000 đồng quán sẽ áp dụng khuyến mãi cho khách hàng để bù phần nào vào phí ship quá cao.
Để đảm bảo quy định phòng dịch, chị Vani sẽ làm sẵn đơn hàng khách đặt, sau đó đặt ở ghế trước cửa quán kèm theo chai xịt khuẩn, shipper đến lấy hàng sẽ để lại tiền ở ghế.
Chị Vani soạn hàng cho khách, chị chia sẻ khách chủ yếu là người nước ngoài
|
Trong khi đó, một cửa hàng trà sữa lớn trên đường Phổ Quang (Q.Phú Nhuận) đã mở bán 3 ngày nay. Cầm trên tay 4 ly trà sữa bước ra từ cửa hàng này, shipper Phan Thanh Sơn (37 tuổi) cho biết quán lượng khách đặt mua ở quán tương đối đông. Đang trò chuyện với PV, thình lình có một người dân gần đó đến nhận hàng từ anh Sơn, người này nói nhà mình “sát bên” quán trà sữa, tuy nhiên quán chỉ bán cho shipper qua app nên mình đặt rồi ra nhận. Nói xong người này nhanh chóng rời đi.
Shipper Phan Thanh Sơn (37 tuổi) nhận trà sữa từ một quán lớn trên đường Phổ Quang (Q.Phú Nhuận) đem giao
|
Anh Sơn tiếp lời: “Mấy ngày qua, số quán mở bán lại ít cực kỳ, đếm trên đầu ngón tay thôi. Theo tôi biết ở khu vực này chỉ có quán này, với 2 quán khác bán qua app, nhưng hai quán kia bán đồ ăn nên cũng hết sớm lắm”.
Do số lượng hàng quán mở lại không nhiều nên theo các shipper, các quán đủ điều kiện mở bán lại có nhiều đơn hàng, làm không xuể
|
Kế bên, anh Võ Văn Hải (36 tuổi) cũng nói những ngày trước đó anh chủ yếu giao lương thực, thực phẩm từ những cửa hàng tiện lợi, 2 – 3 ngày nay mới bắt đầu giao hàng ở những quán bún bò, trà sữa. Trung bình mỗi ngày anh chạy tới chiều chừng 10 đơn, thu nhập khoảng 500.000 – 600.000 đồng thì có 3 – 4 đơn là trà sữa, 3 – 4 đơn là bún bò, bò kho.
“Quán ít nên bây giờ mà quán nào đủ điều kiện mở là người ta đặt nhiều lắm. Như quán trà nữa này nè, nhiều khi đơn hàng nhiều quá người ta phải ngừng nhận đơn để giải quyết, xong mới mở app lại nhận tiếp. Mong thời gian tới sẽ có nhiều quán mở hơn để phục vụ nhu cầu bà con”, anh Hải cho biết.