Có năng khiếu với môn ngữ văn, thích nghiên cứu và đọc nhiều tác phẩm văn học, khi được nhà trường phổ biến về cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2021 do tỉnh Quảng Trị tổ chức dành cho học sinh, Trần Đức Nhật Toàn lập tức lên kế hoạch và ý tưởng tham gia.
Trong 3 đề thi được Ban giám khảo đưa ra, Nhật Toàn chọn cho mình đề tài viết tiếp câu chuyện cho một tác phẩm đã đọc. Toàn chọn viết tiếp câu chuyện trong tác phẩm “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu kể về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại trận địa Khe Sanh, nơi Nhật Toàn sinh ra và lớn lên.
Nhật Toàn là một học sinh vùng cao khá năng động
|
Kết thúc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu là thời điểm nhân vật chính tên Khuê cùng đồng đội giải phóng Khe Sanh. Nhật Toàn liền theo đuổi ý tưởng nhập vai nhân vật Khuê, nay đã là một cựu chiến binh và có cơ hội quay lại chiến trường xưa, đi qua những di tích lịch sử cầu Hiền Lương, sông Bến Hải và đến chứng kiến sự đổi mới của Khe Sanh.
“Em chọn cách viết này là thấy nhân vật Khuê chính là nhân vật xuyên suốt cả tác phẩm. Em muốn đưa nhân vật Khuê về lại chiến trường cũ chứng kiến sự thay đổi cũng là cầu nối để quảng bá những địa điểm du lịch mới nổi trên quê hương của mình”, Nhật Toàn chia sẻ.
Bài dự thi công phu đoạt giải nhất của Nhật Toàn.
|
Cuộc thi được phát động từ đầu tháng 6. Với sự giúp đỡ của các thầy cô, Nhật Toàn mất hơn 1 tháng để hoàn thành tác phẩm “Đại sứ văn hóa đọc” của mình gửi về tỉnh và đoạt giải nhất trong hạng mục dành cho học sinh cấp trung học phổ thông. Tác phẩm của Toàn gây ấn tượng với Ban giám khảo, bởi sự kết hợp giữa quá khứ khốc liệt, hiện tại hòa bình và tương lai phát triển song song với quảng bá du lịch trên đất Khe Sanh.
Theo cô giáo Lương Thị Kim Khánh (giáo viên hướng dẫn), với ý tưởng khá ấn tượng khi vừa viết tiếp một câu chuyện lịch sử vừa thể hiện được tình cảm với vùng quê mình gắn bó, ngoài đạt giải nhất, tác phẩm của Toàn cũng đã được gửi đi thi cấp quốc gia. “Đó là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực không ngừng của Nhật Toàn”, cô giáo Kim Khánh nói.
Nhật Toàn và bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa
|
Nói đến niềm đam mê sách của mình, Nhật Toàn cho biết mình yêu sách sau khi đọc cuốn “Trên đường băng” vào lúc còn là học sinh THCS. Kể từ đó, em liên tục tìm thêm những cuốn sách tương tự hay các tác phẩm văn học kinh điển để đọc. “Người đọc sách chưa chắc đã thành công, nhưng người thành công đều đọc sách”, đó là câu châm ngôn Nhật Toàn trích dẫn vào tác phẩm dự thi của mình như là thông điệp muốn lan tỏa đến bạn trẻ cùng trang lứa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa, đánh giá giải thưởng “Đại sứ văn hóa đọc” dành cho Nhật Toàn cũng chính là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với giáo viên và học sinh. “Qua đây, các em càng thấy rõ lợi ích của việc đọc sách và kiến thức, kỹ năng các em học được qua sách. Chúng tôi mong muốn Ban tổ chức tiếp tục duy trì cuộc thi để các em phát huy năng khiếu, phát triển năng lực, góp phần xây dựng xã hội học tập như Bác Hồ từng mong muốn”, bà Thanh Nga nói.