Đồng Nai, Bình Dương mở dần
Ngày 14.9, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai đã họp, bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, kế hoạch mở cửa kinh tế dự kiến vào 0 giờ ngày 20.9. Cụ thể, địa phương nào có tỷ lệ hơn 70% người trên 18 tuổi tiêm vắc xin 1 mũi và trên 20% số dân tiêm 2 mũi thì vùng xanh và vùng vàng trở về bình thường mới, vùng cam giãn cách theo Chỉ thị 19, còn vùng đỏ giãn cách theo Chỉ thị 15. Nếu tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt từ 60 – 70% và 20% tiêm đủ 2 mũi thì vùng xanh áp dụng Chỉ thị 19, vùng cam và vàng áp dụng Chỉ thị 15, vùng đỏ vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Còn tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 dưới 60% và 20% tiêm đủ 2 mũi thì vùng xanh áp dụng Chỉ thị 15, vùng đỏ, cam, vàng áp dụng Chỉ thị 16.
Cũng theo kế hoạch trên, vùng nào trở về bình thường mới thì không hạn chế số người tập trung ngoài trời, trong nhà và khoảng cách giao tiếp; các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục thể thao, giải trí được phép mở lại, nhưng phải đảm bảo 5K. Hàng hóa được vận chuyển liên tỉnh, nội tỉnh; sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu; xây dựng được hoạt động trở lại bình thường; cho phép dạy học trực tiếp trở lại. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng được phép hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng dịch vụ không thiết yếu như karaoke, bar, massage… chỉ tiếp nhận tối đa 50% công suất.
Góp ý vào dự thảo kế hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý các địa phương phải khuyến cáo chỉ người dân đã được tiêm vắc xin mới được ra đường. Dự kiến, kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội và mở cửa kinh tế chính thức được ban hành vào ngày 15.9.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành văn bản về khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới, dự kiến thực hiện sau ngày 15.9. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục thực hiện đăng ký hoạt động theo mô hình “3 xanh” (nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh). Nhà máy xanh được xác định đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh theo quy định, thường xuyên tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người lao động. Nhà trọ xanh là thực hiện đầy đủ, đảm bảo các quy định phòng chống dịch, khi phát hiện F0 thì đưa đi cách ly điều trị kịp thời. Còn công nhân xanh là người được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đủ 14 ngày trở lên, được xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ…
Riêng đối với các hộ kinh doanh buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân, tùy theo tình hình thực tế sẽ cho phép hoạt động trở lại như được bán mang đi, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, có đăng ký với cơ quan chức năng địa phương. Tính đến ngày 14.9, Bình Dương có 6/9 huyện thị, thành phố công bố là vùng xanh gồm: TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, H.Bàu Bàng, H.Phú Giáo, H.Dầu Tiếng và H.Bắc Tân Uyên.
Các tỉnh miền Tây còn siết chặt
Long An là tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao nhất ĐBSCL và dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát. Theo BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Long An, từ ngày 27.5 – 14.9, tỉnh ghi nhận 28.894 ca nhiễm Covid-19, hiện có 5.771 người bệnh đang điều trị.
Ngày 14.9, ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết từ ngày 14 – 20.9, một số địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, gồm: toàn bộ TP.Tân An; một số thị trấn và xã thuộc các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa. TX.Kiến Tường và các huyện còn lại áp dụng Chỉ thị 15 đến khi có thông báo mới.
Tại Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ 14.9 đến hết ngày 20.9 đối với 6 huyện, TP gồm: Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, Châu Thành và Rạch Giá. Đối với 9 huyện, TP còn lại áp dụng Chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 14.9 đến khi có thông báo mới.
Tại Bạc Liêu, áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ từ ngày 13 đến hết ngày 19.9. Cụ thể, áp dụng Chỉ thị 16 đối với toàn H.Hòa Bình và 6 phường của TP.Bạc Liêu gồm phường 1, 2, 3, 5, 7, 8. Áp dụng Chỉ thị 15 đối với các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) cùng các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải và TX.Giá Rai.
TP.Cần Thơ vẫn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 18.9.
Liên vùng xanh ở Đà Nẵng có nhiều hoạt động được nới lỏng
Tối 14.9, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định về việc nới lỏng thêm các hoạt động trên cơ sở phân chia 3 vùng đỏ, vàng, xanh; áp dụng từ 8 giờ ngày 16.9. Theo đó, vùng vàng tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, người dân chỉ được ra khỏi nhà để tham gia các hoạt động được quy định; mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người đi mua lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu (tần suất 5 ngày/lần) kèm giấy đi mua hàng QR code.
Tại vùng vàng, nhiều hoạt động được mở lại, như: kinh doanh vật liệu xây dựng; dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; cửa hàng máy vi tính; cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi… Các hoạt động như sửa chữa xe gắn máy, ô tô, bưu chính, báo chí và phát hành báo chí… được bố trí tối đa số người làm việc. Số lượng người làm việc tại các nhà máy, cơ quan, công sở nhà nước, công trình xây dựng… cũng được quy định cụ thể.
Đáng chú ý, đến hôm qua (14.9), Đà Nẵng đã có 1/2 số xã, phường toàn TP (28/56 xã, phường) là vùng xanh và có quy định riêng cho vùng xanh, liên vùng xanh (nhiều vùng xanh cấp phường, quận liền kề nhau). Cụ thể, mỗi hộ gia đình được 1 người đi siêu thị hoặc đi chợ, tần suất 3 ngày/lần (có giấy mua hàng QR code). Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini), chợ truyền thống được bán hàng trực tiếp cho người dân trong phạm vi vùng xanh và liên vùng xanh. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán mang về; nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng…
Hoàng Sơn
|