Doanh thu gói combo nông sản đạt 1 – 1,3 tỉ đồng/ngày
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, hiện tỉnh có 3 nhóm nông sản nguy cơ khó tiêu thụ. Đó là rau củ quả trái cây địa phương dư khoảng 1.000 tấn, trong đó khoảng 50 tấn bưởi, 200 tấn cam, quýt và 800 tấn củ đậu. Các sản phẩm chăn nuôi, gồm gà lông trắng dư 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con. Riêng thủy sản dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.
Ông Sinh đề nghị các tỉnh và TP.HCM tạo điều kiện để Đồng Nai sớm đưa những sản phẩm dư thừa trên vào chuỗi tiêu thụ.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có thông tin, hiện toàn tỉnh có 19.000 ha rau đang vào vụ tiêu thụ, do ảnh hưởng dịch bệnh, nên giá bán các loại rau và trái cây giảm mạnh. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tại thị trường phía nam giảm còn 1/3, giá cũng giảm 20 – 30%. Đến nay, một số nơi đã được kết nối tiêu thụ được 50 tấn rau củ, hiện vẫn còn 25.000 tấn rau củ quả chuẩn bị thu hoạch. Ngoài ra, tỉnh có 700 tấn rau ngót, 7.500 ha trái cây bơ, sầu riêng, nhãn… chủ yếu tiêu thụ tại thị trường phía nam và Đà Nẵng nay giảm mạnh; hơn 11.000 tấn khoai lang (1.000 ha)… hơn 30.000 con đến kỳ xuất bán không được vì các mối, nhà hàng tiêu thụ đóng cửa.
Ông Trần Minh Hải cho hay, việc triển khai gói combo nông sản với sự kết nối từ Tổ công tác 970 và các địa phương có kết quả rất khả quan. Nhiều địa phương đã tổ chức bán hàng ngàn combo nông sản trong thời gian rất ngắn. Điển hình là tỉnh Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… Hiện trung bình mỗi ngày, doanh thu đặt hàng từ gói combo là 1 – 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới giao được 20 – 30% gói combo cho các đơn vị do khó khăn về đi lại.
Với tỉnh Gia Lai, ông Hải nêu ý kiến: Hiện tại trên trang của Tổ công tác 970, đã có 1.430 đầu mối kết nối nông sản với hơn 2.000 sản phẩm được giới thiệu kết nối. Đó là các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp sơ chế, chế biến, cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ có năng lực thu gom, vận chuyển… Thế nhưng, đến nay chỉ có 3/1.430 đơn vị tại Gia Lai tham gia kết nối để tiêu thụ nông sản. Theo phản ánh có một số hợp tác xã đi mua gom hàng từ các địa phương nhưng đi qua làng, xã khác lại vướng. “Như vậy, hàng hóa đã được thông suốt trên quốc lộ, tỉnh lộ nhưng xuống làng lộ, xóm lộ, thôn lộ lại vướng. Đề nghị các địa phương lưu ý điều này để việc tiêu thụ hàng nông sản ngay tại địa phương không gặp khó khăn”, ông Hải nói.
Giúp nhà nông chuyển thẳng đến siêu thị
Ngoài ra, cũng theo ông Hải, một số tỉnh nói về việc nông sản ùn ứ, dư thừa, song không ít trường hợp khi Tổ công tác 970 đưa đơn hàng về, địa phương lại không có khả năng cung cấp. Chẳng hạn, một số nơi cứ lấy diện tích nhân với năng suất ra sản lượng, nhưng thực tế lại khác. Thậm chí, ngay cả khâu đóng gói, sơ chế, nhiều nơi cũng làm không được.
Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân từng vào tận ruộng mua rau các loại của nhà nông về đóng gói combo bán giá vốn cho người dân trong đợt dịch này
|
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group nhận xét, đến nay có thể cơ bản qua thời kỳ khó khăn nhất trong tiêu thụ nông sản, các tỉnh nay đa số đi lại thu hoạch dễ dàng hơn. Ngay bản thân doanh nghiệp cũng thấy “dễ thở” hơn, không còn tình trạng nửa đêm phải liên lạc nhờ Tổ công tác can thiệp giúp để các tỉnh thông chốt cho xe mua nông sản giải cứu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự kết nối giữa các hợp tác xã thu mua, nhà nông với chuỗi phân phối bị đứt gãy do thiếu sự liên kết giữa các hợp tác xã thu mua, không liên kết thông tin được các mặt hàng, hàng nào cần, thiếu, đủ thế nào… Thế nên mới nảy sinh tình trạng người dân không có dùng, nhà nông lại không bán được hàng.
“Chúng tôi với tư cách đại diện doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, có hạ tầng và lực lượng công nhân, đại diện cắm tại các địa phương sản xuất nông sản, có thể giúp kết nối các đơn vị có nhu cầu, với hạ tầng có sẵn, giúp đóng gói đạt chuẩn hàng hóa của nông dân trước khi giao cho các hệ thống phân phối. Điều này giúp bà con nông dân được tiêu thụ nhanh sản phẩm, dễ dàng hơn với chi phí rất rẻ. Bởi nay đòi hỏi nhà nông sơ chế, đóng gói siêu thị mới mua thì rất khó và chi phí đội lên nhiều. Trong khả năng và điều kiện sẵn có làm hàng xuất khẩu, chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa kết nối giữa nhà nông và siêu thị tiêu thụ sản phẩm trong mùa dịch này”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Trí Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Mắm ruốc Trí Hải ở Bà Rịa cũng chia sẻ, tuy là doanh nghiệp chuyên lĩnh vực nước nắm, nhưng trong đại dịch, công ty cũng “xắn tay” giải cứu nhiều mặt hàng trái cây như nhãn xuồng, rau củ quả ngay tại địa phương, cung ứng cho hơn 40.000 dân và 12.000 hộ dân tại Bà Rịa. Đặc biệt, doanh nghiệp đã thực hiện được gói combo, đóng gói cho 75.000 combo hàng hóa để chuyển đến Tân Uyên (Bình Dương) qua kết nối của Tổ công tác 970.