Cần hợp tác công – tư
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho biết không chỉ riêng sân Mỹ Đình mà tất cả sân bóng đá khắp Việt Nam đều bị chi phối theo Nghị định 151/2017 về quản lý và sử dụng tài sản công. Thực tế chỉ ra ngoài số tiền lớn để xây dựng, các sân vận động hằng năm đòi hỏi số tiền bảo dưỡng, duy tu… không nhỏ, trong khi ngành thể thao vẫn loay hoay, chưa tìm ra hướng hiệu quả để khai thác do nguồn thu hạn chế. Điều này dẫn đến một thực tế đa phần sân bóng không được chăm sóc hiệu quả, dẫn đến xuống cấp.
Mỹ Đình là bài học lớn
Bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: “Sân Mỹ Đình 2 năm nay không có sự kiện gì nên không có tiền để sửa chữa, nâng cấp hoặc duy tu. Cả nước đang khó khăn chống dịch Covid-19 nên xin thêm ngân sách cũng khó. Vừa rồi, sân Mỹ Đình có động thái cam kết nâng cấp cho 2 trận đấu vào tháng 11 tới là tốt rồi. Đang giữa đại dịch, miền Bắc khí hậu khắc nghiệt, mặt cỏ lâu không được làm lại… chúng ta có thể rút kinh nghiệm. Tiền sửa sân sắp tới là của nhà nước chứ không phải Mỹ Đình. Câu chuyện buồn Mỹ Đình là bài học lớn nhắc nhở chúng ta phải nghiêm khắc rút ra bài học về kiểm soát, giám sát chặt chẽ nguồn tiền xã hội hóa của các sân bóng để xảy ra tình trạng như “sân hề” thế này”.
Quốc Việt
|
Ông Xương chỉ ra, giao sân cho tư nhân có thể là một hướng đi: “Thời gian qua, các sân Pleiku, Bình Dương, Quy Nhơn, Bà Rịa-Vũng Tàu hay gần đây là Lạch Tray, Vinh, Thanh Hóa khi được giao cho tư nhân khai thác và quản lý đã bước đầu cho thấy bộ mặt mới. Nếu Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT có kiến nghị lên Chính phủ để phối hợp với tư nhân bảo quản sân với cơ chế thích hợp thì không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà vẫn bảo đảm bộ mặt thể thao tươm tất, hiện đại. Tất nhiên cơ chế hợp tác công – tư rất quan trọng vì sân bóng không đơn thuần phục vụ cho bóng đá mà còn nhiều môn thể thao khác.
Sở VH-TT các địa phương và các CLB cần phối hợp để quản lý cho hiệu quả, giúp nhà nước bớt chi ngân sách nhưng huy động nguồn lực xã hội cho phép hoạt động kinh doanh, có nguồn thu duy tu bảo dưỡng. Sân Mỹ Đình vừa rồi về căn nguyên do dính lùm xùm tiền bạc đến đời giám đốc trước. Quản lý nguồn thu có vấn đề dẫn đến Mỹ Đình không có nguồn quỹ dự trữ để duy tu sân. Để sắp tới hoạt động hiệu quả, phát huy thì trước tiên phải giải quyết tồn đọng cũ cho xong. Bộ VH-TT-DL cần phối hợp các ban ngành khác giải quyết cho dứt điểm điều này, tiến tới tìm cơ chế để có thêm nguồn thu xã hội hóa và giám sát hiệu quả nguồn tiền này để cải thiện, nâng cấp sân Mỹ Đình”.
Khai thác mở nhưng phải quản lý chặt
Ông Đoàn Minh Xương cho biết xu hướng xây dựng công trình thể thao hiện đại không còn đơn thuần chỉ để tập luyện thể thao như xưa, mà đã phát triển theo hình thức liên hợp đa chức năng kết hợp tổ chức sự kiện lớn nhằm tạo nguồn thu. Ông Xương hiến kế: “Muốn sân đẹp và tươm tất, mặt sân luôn mượt mà thì bản chất vấn đề ở đây là kinh tế. Nên mở rộng cơ chế hoạt động cho sân Mỹ Đình, quy hoạch khu liên hợp thể thao như thế nào để bảo đảm không chỉ bóng đá, thể thao mà còn đủ khả năng tổ chức các loại hình hoạt động khác phục vụ ngược lại cho việc duy tu, nâng cấp sân bãi. Như sân Mỹ Đình ngoài nguồn tiền ngân sách và tự hạch toán thu chi, chúng ta hoàn toàn có thể mời gọi các doanh nghiệp có thể đóng góp và tăng cường các nguồn thu từ hoạt động khác.
Cần phải quản lý chặt và tuyệt đối tránh những sai lầm trước đây khi ban quản lý nhiệm kỳ trước của sân Mỹ Đình mở rộng một cách vô tội vạ, cho những đơn vị kinh doanh không phải phục vụ thể thao mà khai thác bừa bãi để trục lợi, nhưng không được cơ quan quản lý trực tiếp ngó ngàng, buông lỏng nên mới dẫn đến chuyện sân bãi xuống cấp, tiền thì không có vì doanh thu bị biến dạng không được tái đầu tư”.
Nhà báo Huỳnh Sang cho rằng: “Có hai giải pháp để thay đổi chất lượng sân bãi. Thứ nhất, nhà nước vẫn quản lý nhưng xã hội hóa hợp lý. Người quản lý sân phải là người giỏi kinh doanh, đề ra các giải pháp kiếm tiền. Anh có thể hợp tác với đơn vị tư nhân, cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cho thuê các hoạt động văn hóa thể thao, du lịch… cả tỉ cách kiếm tiền để có nguồn thu nhằm tái đầu tư tu bổ lại cơ sở hạ tầng và chăm sóc mặt sân. Giải pháp thứ hai là nếu các địa phương không đủ kinh phí tu bổ sân thì giao hẳn cho doanh nghiệp khai thác, quản lý và dĩ nhiên cơ sở hạ tầng, đất đai vẫn của nhà nước.
Ví dụ như sân Pleiku từ khi giao cho HAGL quản lý, sân được sửa sang nâng cấp liên tục nên rất đẹp, mặt cỏ lúc nào cũng đạt chất lượng. Sân Quy Nhơn bao năm không tổ chức các trận đấu đỉnh cao dẫn đến xuống cấp, nhưng từ khi giao cho tập đoàn tư nhân đầu tư, sử dụng thì hình ảnh lung linh ngay. Dĩ nhiên để thuận lợi cho việc khai thác nguồn lợi từ sân bóng, các địa phương cũng cần có chính sách, cơ chế thoáng để doanh nghiệp có thể khai thác kinh tế phù hợp và không vi phạm pháp luật”.