Kiên Giang: Quyết tâm chuyển vùng đỏ sang vùng xanh trước ngày 20.9
Ngay sau khi tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, phê bình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến ngày 13.9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp khẩn đề ra những việc cần làm ngay để chấn chỉnh những chậm trễ, hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua.
Tỉnh Kiên Giang ứng dụng flycam để quản lý chặt người dân trong khu cách ly
|
Ban Chỉ đạo đưa ra 11 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm; trong đó tiếp tục chấn chỉnh và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc cộng đồng để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly triệt để F1 nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm Covid-19, thành lập trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Thủ tướng để người dân được tiếp cận y tế sớm nhất từ cơ sở… Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang quyết tâm bằng mọi cách đến ngày 20.9 chuyển vùng nguy cơ cao thành vùng bình thường mới.
“Trước hết là điều chỉnh công tác sàng lọc trong cộng đồng. Theo đó, tỉnh huy động, tập trung nhân, vật lực để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Cụ thể, thực hiện xét nghiệm tăng cường ở các vùng cơ nguy cơ cao và rất cao với tốc độ thần tốc để nhanh chóng phát hiện và bóc tách kịp thời các trường hợp F0 ra khỏi địa bàn. Kiên Giang cũng quyết liệt thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội; triển khai các tổ an sinh xã hội đến từng địa bàn có người dân bị phong tỏa để hỗ trợ, chăm lo đời sống cho nhân dân; đặc biệt là thành lập trạm y tế lưu động theo chỉ đạo của Thủ tướng để người dân được tiếp cận y tế sớm nhất từ cơ sở”, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói.
Tỉnh Kiên Giang tăng cường quản lý nghiêm các khu phong tỏa phòng dịch Covid-19
|
Những ngày gần đây, Kiên Giang tập trung quản lý chặt chẽ việc di chuyển trên các tuyến giao thông. Đồng thời, quản lý nghiêm túc các địa bàn nóng như khu cách ly, phong tỏa tại TP.Rạch Giá, TP.Hà Tiên và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành. Tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, lắp đặt hệ thống camera tại các khu cách ly y tế tập trung; ứng dụng flycam để quản lý chặt người dân trong khu cách ly để tình trạng tránh tụ tập, lây nhiễm chéo theo phương châm ‘sạch đến đâu, khoanh vùng bảo vệ chặt đến đó’.
Chiều 14.9, UBND TP.Rạch Giá đã thành lập đội flycam trên tinh thần kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng góp sức để tăng cường giám sát các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP.Rạch Giá.
Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ Tiền Giang và Kiên Giang chống dịch
Để hỗ trợ 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang phòng chống dịch Covid-19, ngày 13.9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh chuẩn bị về nhân lực, phương tiện cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ cho Tiền Giang và Kiên Giang khi có yêu cầu trong việc xét nghiệm thần tốc, phát hiện F0 nhằm phân loại, chăm sóc, điều trị hợp lý; truy vết, quản lý F1 hiệu quả; tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid 19.
Thủ tướng cũng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang chuẩn bị phương án sắp xếp, bố trí các lực lượng được hỗ trợ để tăng cường ngay các biện pháp phòng chống Covid-19 trên địa bàn.
|
Đồng Tháp: Thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương đã nỗ lực thu hẹp dần vùng đỏ và tăng lên được 1.049 vùng xanh. Có 3/12 huyện, thành phố gồm Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng qua 14 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng. Hiện tỉnh chỉ còn 23/143 xã, phường nguy cơ cao và rất cao và 92 khu vực phong tỏa.
Đồng Tháp đề ra mục tiêu quản lý, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về dịch bệnh Covid-19. Phấn đấu giảm giảm số lượng bệnh nhân đang điều trị dưới 1.000 ca và tỷ lệ tử vong/ca mắc dưới 2%.
Xét nghiệm tầm soát Covid-19, bóc tách F0 trong cộng đồng tại TP.Sa Đéc, Đồng Tháp
|
Tỉnh cũng đề ra mục tiêu từng bước thích ứng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình huống dịch vẫn còn diễn biến. Qua đó, đến ngày 13.9, đã có 152 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Tỉnh đã thẩm định, phê duyệt 136 doanh nghiệp với hơn 17.200 lao động.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thông tin với quy định “thẻ xanh” Covid-19 cho người dân di chuyển làm việc, ra nơi công cộng nếu tiêu đủ 2 mũi vắc xin như TP.HCM đề xuất, tỉnh sẽ họp bàn các phương án để Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định sau ngày 15.9 để người dân có thể di chuyển đi làm, sinh hoạt trong trường hợp tỉnh áp dụng Chỉ thị 15. Mặt khác, việc nới lỏng quy định vùng xanh để dân bớt gò bó cũng được Đồng Tháp nghiên cứu để nới lỏng dần theo dạng bậc thang có kiểm soát để người dân ra đồng thăm lúa, giải quyết công ăn việc làm thiết yếu.
“Nếu nới lỏng vùng xanh nhanh và sớm quá thì dịch cũng dễ xâm nhập, bùng phát trở lại. Sau ngày 15.9, nếu tình hình mắc Covid-19 của tỉnh dưới 50 ca/ngày thì có thể xem xét nới lỏng bớt quy định giãn cách xã hội. Đối vấn đề vắc xin, theo kế hoạch đến cuối năm, tỉnh sẽ phủ vắc xin cho 75% dân số. Tỉnh đang tranh thủ, nỗ lực tìm các nguồn vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào sự hỗ trợ, phân bổ của Chính phủ và Bộ Y tế”, ông Bửu nói.
Bạc Liêu: Áp dụng giãn cách theo mức độ nguy cơ
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn diễn biến phức tạp. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ, áp dụng từ ngày 13 đến hết ngày 19.9. Theo đó, áp dụng Chỉ thị 16 đối với toàn bộ H.Hòa Bình và 6 phường của TP.Bạc Liêu gồm các phường 1, 2, 3, 5, 7, 8. Áp dụng Chỉ thị 15 đối với các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông và P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) cùng toàn bộ các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải và TX.Giá Rai.
Lấy mẫu test nhanh Covid-19 cho tài xế chở hàng hóa vào tỉnh Bạc Liêu
|
Để tạo điều kiện hoạt động vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các điều kiện về phòng, chống dịch tại các điểm lên/xuống hàng hóa tập trung, các điểm lên/xuống hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải, đơn vị sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, bố trí các điểm xét nghiệm Covid-19 lưu động cho người điều khiển và người đi cùng trên phương tiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người điều khiển phương tiện và lực lượng tham gia vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau: Vắc xin về quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêm
Từ ngày 7.9, Cà Mau chuyển trạng thái phòng chống dịch từ áp dụng Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15. Theo đó, toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 15 (có tăng cường một số quy định) từ 0 giờ ngày 7.9 đến khi có thông báo mới. Mọi người dân không được di chuyển ra khỏi tỉnh (trừ trường hợp được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép); tất cả người và các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh phải được kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch. Tất cả xã, phường, thị trấn phải cấp giấy đi chợ cho người dân 2 ngày/lần/hộ…
Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin tỉnh đã có kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân đến hết năm 2021. Tuy nhiên, lượng vắc xin về quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu. Gần đây có về một số đợt nhưng số lượng không đáng kể. Hiện nay, tỉnh còn thiếu vắc xin tiêm mũi 2 cho khoảng 30.000 người đã tiêm mũi 1 của loại vắc xin Moderna.
Cần Thơ hoàn chỉnh các phương án mở cửa sản xuất trước ngày 16.9
Vấn đề của TP.Cần Thơ hiện nay là các ca F0 mới phát hiện ngoài cộng đồng vẫn còn nhiều, cho thấy dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là khi thành phố này là cửa ngõ của miền Tây. Chính vì vậy, UBND TP.Cần Thơ đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tới ngày 18.9.
Hiện tại, bên cạnh đẩy mạnh xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng trên diện rộng, TP.Cần Thơ cũng đang gấp rút chuẩn bị các phương án khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội, tái sản xuất…Các phương án mở cửa sản xuất dự kiến sẽ được Cần Thơ hoàn chỉnh và ban hành trước ngày 16.9 để triển khai thực hiện.
Theo đó, TP.Cần Thơ xác định từng bước sống chung với dịch bệnh trong mọi hoạt động kinh tế – xã hội. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 cho toàn dân và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Việc mở cửa được thực hiện theo lộ trình, tăng dần theo tỷ lệ 30%, 50%, 70%… và được quản lý chặt chẽ theo các quy định hiện hành. Cụ thể, các ngành, lĩnh vực có thể xem xét cho mở lại hoạt động như sản xuất, kinh doanh, thương mại – dịch vụ; các doanh nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản; hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động thu mua, tiêu thụ hàng hóa nông sản; hoạt động thi công xây dựng các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn.
Giai đoạn từ ngày 18.9 đến cuối năm 2021 (trong điều kiện tỷ lệ người lao động được tiêm vắc xin phòng Covid-19 còn thấp), việc mở lại sản xuất tổ chức theo 3 bước; trong đó bước 1 cho mở 30% mức sản xuất so với bình thường hoặc theo số lượng công nhân tại doanh nghiệp; bước 2 triển khai mở 30 – 50% mức sản xuất so với bình thường; bước 3: trên 50% mức sản xuất so với bình thường hoặc theo số lượng công nhân tại doanh nghiệp…