Sáng 17.9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến các chuyên gia về chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế thành phố.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM) nhìn nhận với những kết quả của ngành y tế thời gian qua, TP.HCM cần chuyển tư duy ứng phó với dịch Covid-19 từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chậm thắng chắc”.
TP.HCM cần đi sớm hơn các địa phương khác. Trước mắt, TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cho phép hoạt động các ngành sản xuất, kinh doanh thiết yếu với yêu cầu đảm bảo chặt chẽ điều kiện chống dịch.
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19 bởi vì “không thể quét sạch F0”. Bên cạnh đó, cần phải xác định cuộc chiến này là lâu dài và không quá phí sức cho một trận đánh mà không đảm bảo chắc chắn tháng sau, năm sau vẫn còn F0 trong cộng đồng.
“Nếu đánh trận cuối cùng thì dùng hết sức, còn không thì phải tính toán sao cho hiệu quả”, PGS-TS Dũng nói và cho biết chúng ta sẽ “tiêu diệt” Covid-19 trong vài năm tới cùng với các việc khác.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bên phải) cùng Chủ tịch Phan Văn Mãi lắng nghe các ý kiến của chuyên gia về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế
|
Khi TP.HCM không thể xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách toàn bộ F0, cần tập trung xét nghiệm người có nguy cơ cao để phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị cho những người có triệu chứng.
PGS Dũng đồng tình với việc quan điểm mở cửa kinh tế từng bước thận trọng, bên cạnh quan tâm đến sức khỏe, thể chất thì cũng cần quan tâm đến yếu tố tinh thần, đảm bảo sinh kế. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng nhưng với TP.HCM khi đạt được một số tiêu chí quan trọng thì có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở TP.HCM đạt khoảng 95% mũi 1 và 35% mũi 2, đây là một trong những điều kiện quan trọng để mở cửa. PGS Dũng nhìn nhận khi thánh phố tái khởi động nền kinh tế thì sẽ đảm bảo nguồn lực sẵn sàng giúp đỡ các địa phương lân cận khi dịch bệnh lây lan.
Hội nghị Thành ủy TP.HCM mở rộng chiều 14.9 đã thống nhất 3 giai đoạn phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố gồm: giai đoạn 1 từ ngày 1 – 31.10, giai đoạn 2 từ ngày 1.11 – 15.1.2022 và giai đoạn 3 từ 15.1.2022 trở đi.