Điểm chuẩn đại học 2021 dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay của các trường đại học đều tăng cao.
Tăng ở tất cả các ngành
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, điểm chuẩn xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng ở tất cả các ngành, kể cả những ngành thấp nhất.
Tư vấn trực tuyến: “Điểm chuẩn đại học tăng – Cơ hội nào dành cho thí sinh”
Vào 14 giờ hôm nay 16.9, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Điểm chuẩn đại học tăng – Cơ hội nào dành cho thí sinh”. Chương trình đồng thời diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết điểm chuẩn năm nay tăng ở hầu hết các ngành so với năm ngoái. Trong đó, có những ngành tăng mạnh từ 3 – 4 điểm. Buổi tư vấn hôm nay đưa ra những phân tích về tình hình điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Đồng thời, dự báo cơ hội cho thí sinh tham gia xét tuyển đợt 2 ở những trường, ngành còn chỉ tiêu.
Chương trình diễn ra trong 2 khung giờ:
Đợt 1, từ 14 -15 giờ gồm đại diện các trường: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM; thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người học và tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến.
Đợt 2, từ 15 giờ 30 – 16 giờ 30 gồm đại diện các trường: tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
|
Trong đó, điểm chuẩn tăng mạnh ở các ngành khối kinh doanh quản lý với 2 ngành điểm cao nhất ở mức 26 gồm: luật kinh tế, marketing. Nhiều ngành điểm tăng từ 1,5 – 2,5 so với năm ngoái như: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô… Đặc biệt, ngành ngôn ngữ Anh điểm chuẩn tăng tới 4 điểm so với năm 2020 từ 20,5 lên 24,5 điểm. “Với điểm chuẩn như trên, nếu số lượng thí sinh (TS) nhập học ổn, trường sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 2”, tiến sĩ Nhân cho hay.
Điểm chuẩn Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM nhìn chung cũng cao hơn năm ngoái, đặc biệt là các ngành điểm chuẩn còn thấp như: mạng máy tính và truyền thông, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản. Trong đó, ngành hệ thống thông tin chương trình tiên tiến tăng mạnh nhất tới 3,1 điểm, các ngành chất lượng cao cũng tăng từ 1 – 2 điểm. Nhiều ngành điểm chuẩn từ 27 trở lên gồm: khoa học máy tính, khoa học máy tính chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật phần mềm chất lượng cao, công nghệ thông tin…
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các ngành có xu hướng tăng điểm chuẩn nhiều như: nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học. Đáng chú ý, theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – truyền thông, xu hướng tăng điểm chuẩn đáng mừng đối với ngành khoa học cơ bản. Đặc biệt, nhóm ngành toán học, toán tin và toán ứng dụng tăng vọt. Năm 2016 điểm chuẩn nhóm ngành này từ 16,1 điểm, năm 2020 tăng lên 20 điểm và năm nay tăng hơn 4 điểm lên mức trên 24 điểm.
Trường ĐH Mở TP.HCM cũng là trường có điểm chuẩn tăng nhiều trong năm nay. So với tốc độ tăng điểm chuẩn của trường các năm gần đây, mức tăng năm nay có thể xem khá “lạ”. Nhiều ngành điểm chuẩn tăng 2 – 3 điểm và rất nhiều ngành trên mức 26 điểm.
Tương tự, so với năm 2020, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng tăng từ 1 – 4,5 điểm. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, những ngành có điểm cao năm ngoái thì năm nay chỉ tăng khoảng 1,5 điểm như: công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế… Riêng ngành quản trị khách sạn tăng tới 4,5 điểm so với năm ngoái (từ 18 lên 22,5 điểm).
Ít chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT
Lý giải xu hướng tăng mạnh điểm chuẩn năm nay, đại diện các trường ĐH đưa ra những phân tích căn cứ trên phổ điểm thi và thực tế tuyển sinh các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân đưa ra 2 lý do quan trọng nhất là phổ điểm thi tốt nghiệp tăng và chỉ tiêu còn lại các trường dành cho phương thức này giảm so với năm 2020. Hơn nữa, theo ông Nhân, TS cũng biết cân nhắc lựa chọn các phương thức xét tuyển phù hợp với mình ở các đợt xét riêng trước đó.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng một trong những lý do quan trọng là trường ĐH dành chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít. Thay vào đó, trường ĐH này dành nhiều chỉ tiêu các phương thức khác, đặc biệt là phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ngoài ra, nhiều TS có chứng chỉ ngoại ngữ được quy đổi điểm cao, khiến tổng điểm xét tuyển các tổ hợp có chứa môn ngoại ngữ tăng theo.
Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, có những phân tích cụ thể hơn cho các ngành xét tuyển theo tổ hợp chứa môn ngoại ngữ. Trong đó, tại trường này, tất cả tổ hợp môn xét tuyển vào các ngành chất lượng cao đều chứa môn ngoại ngữ. Các ngành chương trình đại trà cũng có ít nhất 1 tổ hợp chứa môn học này. Giáo sư Hà nhấn mạnh: “Như phổ điểm thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT công bố, phổ điểm môn ngoại ngữ có xu hướng tăng. Do vậy, điểm chuẩn các ngành có xét điểm môn học này tăng theo”.
“Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng góp phần tăng mạnh điểm chuẩn các ngành có xét điểm ngoại ngữ. Đó là năm nay số TS giỏi ngoại ngữ có mong muốn đi du học nhưng hiện vẫn đang xét tuyển ĐH trong nước. Với xu hướng mở cửa chưa đồng loạt của các nước với du học sinh, hiện còn khá nhiều TS diện này trúng tuyển vào các trường ĐH trong nước”, giáo sư Hà phân tích.
Còn theo tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, điểm chuẩn đại học 2021 các ngành của trường khá ổn định so với năm ngoái, dao động từ 22 – 27,5 điểm. Trong đó, các ngành “nóng” của trường điểm chuẩn ở mức ổn định với mức tăng 0,1 – 0,2 điểm. Chỉ có một số ngành điểm chuẩn tăng 2 – 3 điểm, rơi vào các ngành mới tuyển sinh đã được TS biết đến nhiều hơn.