Theo cô Phạm Nguyên Vân Hà, giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM), cái khó và quan trọng nhất là giáo viên phải chuẩn bị cho phụ huynh, học sinh của mình tâm thế tiếp nhận hình thức học mới theo hướng tích cực. “Nếu phụ huynh có được tâm thế thích ứng, tích cực thì họ sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ con, còn ngược lại giáo viên sẽ rất khó khăn ngay từ khi bắt đầu”, cô Hà nói.
Do vậy, ngay sau khi có lịch kết nối với học sinh bậc tiểu học, cô Vân Hà đã tự mình viết thư ngỏ gửi đến tất cả phụ huynh, sau đó dành liên tục 3 buổi chỉ để kết nối nói chuyện với phụ huynh, học sinh, chia sẻ những định hướng dạy học của mình và mong mỏi phụ huynh hỗ trợ con em trong năm học đặc biệt này.
Đặc biệt, vì học sinh bậc tiểu học nên cô Vân Hà cho biết đã tỉ mỉ chuẩn bị rất nhiều “chiêu” để thu hút các em. Ví dụ, với phông nền trong buổi dạy học cô sẽ dùng hình ảnh “Chuyến tàu khám phá” với lưu ý các “hành khách” trong quá trình học nhớ tắt micro, nghiêm túc, lưu ý an toàn khi sử dụng điện…
Quan trọng nhất khi dạy trực tuyến là phải tạo được tâm lý thoải mái cho học sinh. Mỗi tiết dạy cô sẽ để cho học sinh trong tình trạng luôn được tương tác với giáo viên và các bạn, ngoài việc bật micro trao đổi thì cô Hà còn tạo ra các ký hiệu, biểu tượng cảm xúc… để giáo viên nắm được thông tin và khuyến khích học sinh sử dụng. Trong mỗi tiết dạy tương tác trực tiếp, nếu học sinh nào chưa hoàn thành bài học có thể tự học tiếp vào buổi chiều…
“Tụi nhỏ là trẻ con mà. Với riêng tôi thì không đặt mục tiêu là trẻ phải học giỏi mà điều tiên quyết là phải duy trì được hứng thú cho học sinh. Vì dạy học trực tuyến, nếu không duy trì được hứng thú, các em không vào lớp, không tương tác với giáo viên là xem như mình thất bại. Do vậy mỗi ngày tôi sẽ thay đổi phông nền giống như thay đổi không gian, và những giờ giải lao có thể để học sinh chọn khung hình, hoạt động để cô trò chơi với nhau…
Trong khi đó, vừa là người làm quản lý vừa trực tiếp đứng lớp, cô Tống Thị Mai Hương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), cho rằng “thần thái, tâm thế” của giáo viên cũng đóng vai trò rất quan trọng khi dạy trực tuyến. “Tôi vẫn nhắc nhở giáo viên rằng dạy trực tuyến thầy cô không chỉ dạy học sinh của mình và còn rất nhiều thành viên trong gia đình các em “dự giờ” nên phải luôn dạy học với tinh thần và thái độ nghiêm túc, bài vở chuẩn bị tỉ mỉ, phong thái sư phạm…”.
Theo cô Hương nếu giáo viên tự tin, nhiệt tình thì cái khó nào cũng tháo gỡ được. Giáo viên của trường cũng được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau để dạy học.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay có 674.173 học sinh bậc tiểu học, tăng hơn 17.500 em so với năm học trước. Trong đó có 636.000 em đã tham gia học trực tuyến, gần 5.000 em học tạm ở quê và có tới 3.272 em chưa ra học (chiếm tỷ lệ gần 5%). Hiện còn khoảng 147.788 em chưa có sách giáo khoa, chiếm tỷ lệ 21,92%.