Chiều 20.9, trả lời báo chí, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, bộ này đã trao đổi với một số trường đại học lớn về việc xem xét quyền lợi cho các thí sinh điểm cao nhưng không đỗ bất kỳ nguyện vọng nào.
Các trường này cho biết sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT 2021 cao và thuộc đối tượng đạt 27 điểm thực/3 môn, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 thí sinh, trong đó 3 thí sinh được trên 28 điểm.
Trong 165 thí sinh, có 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 thí sinh xét tuyển vào các trường công an, quân đội. Trong 165 thí sinh, 61 em có điểm xét tuyển, đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ, đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào.
97/114 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Trong số 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng.
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, từ tối 15.9, nhiều thí sinh đã “sốc nặng” sau khi hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn.
Thay vì “tăng nhẹ”, “tăng chút chút”, “tăng đối đa 1,5 đến 2 điểm”… như các chuyên gia và cả đại diện Bộ GD-ĐT dự báo suốt một tháng trước, điểm chuẩn hàng loạt mã ngành tăng từ 5 điểm trở lên.
Cụ thể, theo Bộ GD-ĐT, cả nước có 3.259 mã ngành thì 30 ngành có điểm chuẩn tăng từ 9 – 11 điểm, 265 ngành có điểm chuẩn tăng 5 điểm trở lên.