Bản tin Bộ Y tế tối 19.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 18.9 đến 17 giờ ngày 19.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới, 9.137 ca khỏi bệnh.
– Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 233 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 lên 17.090 ca.
Thông tin về 10.040 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 19.9 như sau:
– 15 ca cách ly ngay nhập cảnh.
– 10.025 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 5.894 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.496), Bình Dương (2.332), Đồng Nai (953), An Giang (287), Long An (249), Kiên Giang (151), Tiền Giang (102), Bà Rịa – Vũng Tàu (84), Tây Ninh (53), Cần Thơ (52), Khánh Hòa (37), Bình Định (30), Quảng Ngãi (24), Hà Nội (20), Cà Mau (18), Quảng Bình (15), Bình Phước (15), Ninh Thuận (15), Phú Yên (13), Quảng Nam (13), Hậu Giang (11), Đắk Nông (11), Trà Vinh (8 ), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (6), Quảng Trị (5), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (2), Vĩnh Long (2), Thanh Hóa (2), Hà Tĩnh (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1).
– Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 665 ca. TP.HCM tăng 1.259 ca, Bình Dương giảm 545 ca, Đồng Nai tăng 14 ca, An Giang tăng 144 ca, Long An tăng 13 ca.
– Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.517 ca/ngày.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 687.063 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.983 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 682.617 ca, trong đó có 454.731 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (336.528), Bình Dương (178.295), Đồng Nai (39.973), Long An (30.328), Tiền Giang (13.059).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 457.505
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.396 ca, trong đó:
– Thở ô xy qua mặt nạ: 3.443
– Thở ô xy dòng cao HFNC: 931
– Thở máy không xâm lấn: 202
– Thở máy xâm lấn: 788
– ECMO: 32
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 233 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (182), Bình Dương (31), Long An (9), An Giang (3), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1).
– Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 246 ca.
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.090 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
– Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 230.804 xét nghiệm cho 443.937 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 16.641.750 mẫu cho 48.496.762 lượt người.
– Trong ngày 18.9 có 455.317 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 34.095.243 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.577.472 liều, tiêm mũi 2 là 6.517.771 liều.
Hội đồng đạo đức đánh giá ra sao về vắc xin NanoCovax?
Trưa 19.9, Bộ Y tế chính thức thông tin kết luận của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng Đạo đức) về kết quả thử nghiệm lâm sàng (TNLS) vắc xin dự tuyển Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen, TP.HCM nghiên cứu, phát triển.
Trước đó, chiềungày 18.9, Hội đồng Đạo đức đã họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâmsàng (TNLS) giai đoạn 3 ứng viên vắc xin Nanocovax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 2.9.
Trên cơ sở hồ sơ nộp ngày 15.9, cập nhật ngày 17.9, sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các thành viên, Hội đồng Đạo đức kết luận như sau:
Về tính an toàn: vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 1 của 11430 người tình nguyện; kết quả theo dõi 7 ngày sau tiêm mũi 2 của 5785 người tình nguyện).
Về tính sinh miễn dịch: vắc xin Nanocovax có tính sinh miễn dịch dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại (kết quả xét nghiệm nồng độ kháng thể Anti-S IgG trên 924 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả xét nghiệm hoạt tính trung hòa vi rút trên 761 mẫu ngày 42 sau tiêm mũi 1; kết quả trung bình nhân hiệu giá kháng thể trung hòa PRNT ngày 42 sau tiêm mũi 1 trên 107 mẫu chủng Vũ Hán; 41 mẫu chủng Delta; 39 mẫu chủng Alpha).
Về hiệu quả bảo vệ: theo đánh giá của Hội đồng Đạo đức, đến thời điểm hiện tại, nghiên cứu vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vắc xin Nanocovax dựa trên số trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt. Hiệu quả bảo vệ là kết quả quan trọng nhất về chất lượng vắc xin.
Ước tính hiệu quả bảo vệ của ứng viên vắc xin Nanocovax dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin nghiên cứu đảm bảo tính khoa học để chuyển hồ sơ tới Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.
Về đề xuất xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành cấp bách có điều kiện vắc xin Nanocovax, Hội đồng Đạo đức thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu TNLS tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.
Đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo theo kết luận của cuộc họp và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu TNLS vắc xin Nanocovax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3 năm 2022. Cập nhật kịp thời kết quả nghiên cứu cho các hội đồng chuyên môn và cơ quan quản lý.
Phân bổ 8 triệu liều vắc xin Sinopharm cho 25 tỉnh thành
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) vừa có quyết định phân bổ 8 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành. Theo Bộ Y tế, 8 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm nêu trên do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ.
Theo quyết định ngày 16.9 của NIHE, trong số 8 triệu liều vắc xin này, TP.Hà Nội được phân bổ nhiều nhất với 1,359 triệu liều. Tiếp đến là tỉnh Quảng Ninh có 700.800 liều.
TP.HCM, Hải Phòng và 2 tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn mỗi tỉnh, thành nhận 500.000 liều.
Ngoài ra, các tỉnh khác được phân bổ từ 96.000 liều đến 300.000 liều.
Cụ thể: Bắc Giang 200.000 liều; Bắc Ninh 400.000 liều; Vĩnh Phúc 100.000 liều; Hải Dương 94.400 liều; Hưng Yên 147.200 liều;.Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định mỗi tỉnh được phân bổ 200.000 liều. Tỉnh Khánh Hòa được 300.000 liều.
Tại phía nam, Bà Rịa – Vũng Tàu 100.000 liều; Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp mỗi tỉnh 200.000 liều; Tiền Giang 96.200 liều; Kiên Giang: 300.000 liều.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được phân bổ 200.000 liều.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư yêu cầu Văn phòng Chương trình Tiêm chủng quốc gia phối hợp để chuyển vắc xin cho các khu vực. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành tổ chức tiêm ngay số vắc xin Covid-19 được phân bổ bao gồm cả mũi 1 và mũi 2.
Bộ Y tế cho biết, liên tục có vắc xin Covid-19 về trong tháng 9 và các tháng cuối năm. Vắc xin sẽ được kiểm định và phân bổ ngay cho các địa phương.
Đến ngày 17.9, Việt Nam đã tiếp nhận có 50,2 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu và tài trợ.
135 F0 ở TP.HCM lưu thông ngoài đường không biết mình mắc Covid-19
Chiều 19.9, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM để cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn trong 24 giờ qua, thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM) thông tin rõ hơn về việc thu hồi, hủy 50 giấy đi đường của F0 lưu thông qua các chốt kiểm soát nội ô TP.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an TP.HCM cấp giấy đi đường cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức để cấp cho các cá nhân thuộc cơ quan, đơn vị… Qua xác minh, 50 trường hợp cấp giấy đi đường này không có trường hợp nào vi phạm về việc cấp giấy.
“50 trường hợp F0 lưu thông trên đường đều thuộc diện cấp giấy đi đường, sau đó bị nhiễm Covid-19, chứ không phải đang bị Covid-19 mà được cấp giấy lưu thông ngoài đường”, ông Lê Mạnh Hà thông tin rõ.
Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP cho biết thêm, tất cả các trường hợp F0 lưu thông, đang lưu thông, đã lưu thông trên đường, Công an TP.HCM đều yêu cầu rà soát, kiểm tra, để xác định có hay không việc cố tình vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. “Tuy nhiên 100% các trường hợp này khi lưu thông đều không biết mình là F0”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo thượng tá Hà, do có một độ trễ từ lúc đi lấy mẫu xét nghiệm đến khi có kết quả dương tính, rồi các danh sách F0 cập nhật vào dữ liệu quốc gia dân cư, có khi phải 5 ngày mới cập nhật. Vì vậy, khi lưu thông trên đường, các trường hợp F0 này không biết mình đang là F0.
“Đến nay Công an TP.HCM chưa phát hiện F0 cố ý lưu thông ngoài đường, vi phạm quy định phòng chống dịch”, ông Hà nêu.
Theo ông Hà, sau khi phát hiện các F0 liên quan lưu thông qua các chốt, thì Công an TP báo cơ sở y tế để yêu cầu đi cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà theo quy định.
Hôm qua (18.9), ông Lê Mạnh Hà cho biết đến ngày 16.9, Công an TP.HCM phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo là F0 lưu thông qua các chốt kiểm soát trong nội ô TP.
Qua phát hiện cảnh báo, công an xác minh có 33 F0 đã khỏi bệnh, 26 trường hợp đang cách ly tập trung và 76 F0 cách ly tại nhà.
Trong 102 F0 đang cách ly nói trên, 50 trường hợp được cấp giấy đi đường. Công an TP đã thu hồi 10 giấy, 40 giấy bị hủy. Các trường hợp còn lại không thuộc diện được cấp giấy đi đường nằm trong các nhóm lý do: Người đi cách ly, người đi tiêm ngừa, nhân viên y tế, đi khám bệnh từ bệnh viện về nhà…
TP.HCM dự kiến nới cho 90.000 shipper hoạt động liên quận
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết UBND TP.HCM đã đồng ý cho phép tất cả tài xế theo danh sách các đơn vị đăng ký với Sở Công thương ngày 16.9 được phép hoạt động. Tài xế chỉ cần đáp ứng yêu cầu đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 trước 2.9 để đảm bảo yếu tố phòng dịch.
Sở Công thương dự kiến nới “quota”, cho phép 90.000 shipper đã đăng ký được phép hoạt động liên quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Trước đó, các hãng xe công nghệ tính toán nhu cầu đặt hàng của người dân tại TP.HCM trong sáng 16.9 (ngày TP.HCM chính thức cho shipper hoạt động liên quận) tăng khoảng 200 – 300% so với thời điểm trước. Trong khi đó, số tài xế có tên trong danh sách được hoạt động của Sở Công thương khá hạn chế so với số lượng mà các hãng đã đăng ký. Cầu tăng vọt, cung hạn chế khiến giá cước giao hàng vẫn tăng ngất ngưởng và người dân tìm “đỏ mắt” cũng không đặt được shipper.
Vì thế, việc các sở, ban ngành xem xét tăng số lượng shipper được tham gia hoạt động được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, giúp đảm bảo sự liền mạch của chuỗi cung ứng trên địa bàn TP và đẩy giá cước giao nhận hàng hóa hạ nhiệt.
Trên một số diễn đàn các tài xế công nghệ tại TP.HCM, các tài xế vui mừng thông báo từ sáng 18.9 đã có rất nhiều shipper được bổ sung tên trên danh sách được phép hoạt động của Sở Công thương. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là số lượng tài xế đi xét nghiệm quá đông, các cơ sở Y tế xét nghiệm quá tải, không đáp ứng kịp.
“Đợi chờ mãi mới có tên trong danh sách của Sở, hí hửng lôi xe ra chạy. 3 giờ 30phút, ra điểm xét nghiệm gần nhà thì họ kêu hết phiếu. Vài trăm tài xế xếp hàng nhưng chỉ được phát có 50 phiếu. Đi lòng vòng tới 4 vẫn chưa được xét nghiệm. Có nơi xếp hàng gần 500 tài xế mà chỉ cho 60 người được xét nghiệm. Vậy là vẫn chưa thể chạy được” – anh Thanh Nguyên, 1 tài xế công nghệ chia sẻ.
Đông Hà mạnh tay phạt người vi phạm giãn cách xã hội
Sau thời gian đầu tuyên truyền, nhắc nhở, Công an TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đã bắt đầu xử lý mạnh tay đối với những người ra đường không lý do trong thời gian toàn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để phòng dịch Covid-19, đặc biệt là ban đêm.
Trước đó, kể từ 12 giờ, ngày 16.9.2021, thành phố Đông Hà bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội đến khi có thông báo mới theo Chỉ thị 16của Thủ tướng chính phủ. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu…hoặc đi làm công vụ.
Để đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Công an thành phố Đông Hà đã thành lập 6 tổ tuần tra lưu động cấp thành phố, 9 tổ tuần tra lưu động cấp phường và các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ra vào địa phận Đông Hà đảm bảo hoạt động 24/24 trên địa bàn, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm.
Nhìn chung, đa số người dân đã nắm bắt thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh và có ý thức phòng ngừa tốt, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa chấp hành tốt, tìm cách ra đường, tụ tập với những lý do không chính đáng.
Theo thông tin Công an TP.Đông Hà sau thời gian đầu tuyên truyền nhắc nhở, hiện nay đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị tuần tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là vào ban đêm. Cụ thể, trong các đêm 17, 18, Công an TP.Đông Hà đã triển khai quân rộng khắp, thực hiện việc tuần tra, kiểm soát và tiếp cận những người khả nghi để xử lý.
Qua 3 ngày ra quân kiểm tra, Công an TP.Đông Hà đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm, trong đó có 7 trường hợp vi phạm với mức xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Công an còn phát hiện 1 trường hợp không đeo khẩu trang và 1 trường hợp trộm cắp tài sản.
Tất cả điều bị lập biên bản và đề nghị UBND TP.Đông Hà ra quyết định xử phạt theo quy định với số tiền gần 30 triệu đồng.
Trần tình của cô giáo Quảng Bình được tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin
Liên quan đến vụ một giáo viên được tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 ở tỉnh Quảng Bình, chiều nay 19.9, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với cô giáo này để tìm hiểu thêm thông tin sự việc.
Như Thanh Niên đã thông tin, cô giáo được tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 là L.T.L (32 tuổi, giáo viên Trường tiểu học và THCS số 1 Trường Thủy, H.Lệ Thủy).
Cô giáo L. kể lại: “Sáng 18.9, theo lịch tiêm vắc xin Covid-19 của huyện, tôi đến điểm tiêm tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy vào lúc 7 giờ 30. Trường tôi được tiêm đầu tiên. Do có việc gia đình và do hồi hộp, sơ suất khi đi tiêm nên khi nộp giấy tiêm xong bàn đầu tiên và nhận lại giấy, theo phản xạ tôi qua ngồi bàn thứ 2 và nhân viên bàn thứ 2 đã tiêm mũi 2”.
“Khi bản thân phát hiện mình được tiêm 2 mũi, tôi đã báo ngay cho đơn vị tiêm chủng lúc đó và được đưa về phòng ngồi chờ sau tiêm. Các anh chị ở chỗ tiêm đã quan tâm hỏi han, tư vấn sức khỏe cho tôi. Hiện tại qua theo dõi sau tiêm, sức khỏe tôi ổn định”, cô giáo L. nói.
Cô giáo L. chia sẻ thêm: “Tôi biết quy trình tiêm vắc xin phòng Covid-19, số mũi tiêm nhưng lúc đó do tâm lý hồi hộp nên sai sót. Sau khi phát hiện mình tiêm 2 mũi thì tôi rất lo lắng. Đầu tiên là sức khỏe của mình. Tôi phải tham khảo nhiều nguồn tư vấn”.
Về chi tiết “có ý định tiêm 4 mũi” như một số thông tin đang chia sẻ trên dư luận, cô giáo L. khẳng định: “Tôi không nói ý định tiêm 4 mũi như vậy. Vì tiêm xong 2 mũi tôi đã hoảng hồn rồi và ra báo ngay với y tế. Lúc đó tôi hoảng rồi, đầu óc đâu mà nói như vậy? Và khi tôi nộp giấy ở bàn tiêm thứ hai thì 2 tờ ghim lại vẫn để thẳng vậy chứ không gấp tờ nào cả”.
Cũng theo cô giáo L., từ khi xảy ra sự việc tiêm cùng lúc 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, chị và gia đình rất lo lắng về sức khỏe, đồng thời chịu không ít áp lực từ dư luận khiến tâm lý bất an, cuộc sống xáo trộn.
Chàng trai làm ảnh thờ miễn phí cho người mất vì Covid-19 ở TP.HCM
Anh Nguyễn Ân (33 tuổi, Gò Vấp) hiện đang làm công việc thiết kế và sản xuất áo thun thời trang và đồng phục cho các công ty.
Trong thời gian cả thành phố đang phải giãn cách xã hội, anh Ân theo dõi tin tức hàng ngày. Thấy số người nhiễm bệnh và số ca tử vong tăng cao mỗi ngày trong khi các cơ sở in ấn cũng đang phải tạm đóng cửa theo tình hình chung của thành phố, trong đầu anh nảy ra một câu hỏi, liệu những người mất vì Covid-19, họ có được làm những tấm ảnh thờ?
“Tôi đã đăng tin làm ảnh thờ miễn phí lên trên trang cá nhân của mình. Tôi không ngờ lượt chia sẻ và gửi tin nhắn về cho tôi làm rất nhiều”, anh Ân chia sẻ với phóng viên Thanh Niên.
Anh Nguyễn Ân (33 tuổi, Q. Gò Vấp), người làm ảnh thờ miễn phí cho người mất vì Covid-19
|
Trên các diễn đàn, hội nhóm cư dân, nhiều người bày tỏ sự xúc động với việc làm của anh Ân. Rất nhiều người cũng để lại bình luận “mong anh ít việc”, “mong anh thất nghiệp”… vì không ai muốn chứng kiến thêm bất kì sự ra đi nào trong đại dịch này nữa.
Trong số hơn 150 trường hợp được anh Ân hỗ trợ làm ảnh thờ miễn phí, 8X chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh thương cảm, xúc động. Tuy nhiên, có một trường hợp để lại nhiều cảm xúc cho anh hơn cả là một thai phụ sinh năm 1991 mắc Covid-19.
“Tôi nhớ nhất và cảm động nhất là câu chuyện của Xuân. Người nhà gửi cho tôi 1 tấm hình, tôi thấy một tấm hình 3×4 của Xuân kẹp lên bìa carton ghi thông tin ngày sinh, ngày mất của Xuân. Xuân chỉ sinh năm 1991, tuổi đời còn rất trẻ. Tôi nhìn mà cảm thấy xót xa vô cùng”, anh Ân kể.
Câu chuyện tưởng chừng sẽ dừng tại đó, khi anh Ân đã hoàn thành xong bức di ảnh cho thai phụ xấu số.
“Tôi vô tình coi phim tài liệu Ranh giới của VTV ở bệnh viện Hùng Vương, tôi không ngờ người đó lại là Xuân. Sự ra đi của hai mẹ con càng khiến tôi cảm thấy đau lòng hơn rất nhiều khi Xuân mất đi ở tuổi đời quá trẻ, để lại chồng và hai con. Hy vọng chồng con của Xuân đều khỏe mạnh và con của Xuân luôn ngoan ngoãn để Xuân có thể mỉm cười ở thiên đường” anh Ân chia sẻ.
Công việc của anh Ân cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh giãn cách chung của thành phố
|
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và ngành nghề, công việc của anh Ân cũng không ngoại lệ khi chỗ làm của anh tạm đóng cửa theo tình hĩnh giãn cách chung.
Trong thời gian ở nhà chống dịch, anh mong muốn việc làm của mình sẽ xoa dịu đi phần nào nỗi đau của các gia đình có người thân không may qua đời vì Covid-19.
Trung thu đặc biệt giữa đại dịch cho trẻ mồ côi ở TP.HCM
Chỉ với bánh Trung thu, lồng đèn và hộp sữa tươi, gần 30 em nhỏ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Trung tâm Mai Hoà (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã có một buổi vui Tết Trung thu đầy ấm cúng vào sáng 18.9.2021.
Trung tâm Mai Hòa được thành lập 2001, ban đầu chưa có các cháu thiếu nhi. Sau đó, các cặp vợ chồng vào đây đem theo các cháu nhỏ. Khi bố mẹ mất thì các em thành trẻ mồ côi.
Hiện tại, trung tâm có khoảng 30 em nhỏ đang sinh sống. Trong đó, có 4 em đã học xong Cao đẳng, hiện đang tìm việc làm. Còn lại là các em trong độ tuổi học sinh tiểu học, THCS,…
Sơ Đỗ Thị Lan, Giám đốc trung tâm Mai Hòa chia sẻ: “Các cháu nôn nao từ hôm qua rồi cơ, tại vì biết hôm nay có các anh chị đến tặng bánh trung thu, đồ chơi, lồng đèn, sáng sớm đã nôn nao rồi. Trong ngày dịch Covid-19, không ai dám mơ tưởng có một trung thu cho các cháu. Các sơ cũng vậy”.
Các em nhỏ háo hức, mong ngóng được đón Tết Trung thu
|
Sáng 18.9 và 19.9.2021, Trung tâm Công tác Xã hội Công đoàn thành phố – Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức trao tặng 400 phần quà là đồ chơi trẻ em, sữa tươi, mì gói và bánh Trung thu năm 2021 cho 400 trẻ em mồ côi và trẻ em khó khăn tại nhiều mái ấm, trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em trên địa bàn thành phố.
Anh Nguyễn Mai Huy (phó giám đốc trung tâm CTXH Công đoàn TP.HCM) lần thứ 2 trở lại Trung tâm Mai Hòa (H. Củ Chi) vẫn không khỏi xúc động khi nhiều em nhỏ vẫn nhớ mặt, gọi tên. Tình cảm các cô chú, anh chị mạnh thường quân gửi gắm qua từng miếng bánh, chiếc lồng đèn được anh trao tới cho các em nhỏ.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 19.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.