Friday, November 29, 2024

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM



Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 22.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Cả nước ghi nhận 11.525 ca Covid-19 mới, 11.919 ca khỏi bệnh

Bản tin của Bộ Y tế tối 22.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 21.9 đến 17 giờ ngày 22.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.527 ca nhiễm mới, 11.919 ca được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 236 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 17.781 ca.
 

Thông tin về 11.527 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 22.9 như sau:
– 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 11.525 ca ghi nhận trong nước (giảm 162 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.870 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (5.435), Bình Dương (4.179), Đồng Nai (930), Long An (191), An Giang (186), Kiên Giang (137), Tiền Giang (89), Cần Thơ (48), Tây Ninh (48), Bình Định (43), Bình Phước (26), Khánh Hòa (21), Đắk Nông (20), Hà Nam (20), Quảng Bình (19), Đồng Tháp (18), Ninh Thuận (15), Phú Yên (14), Đà Nẵng (10), Bình Thuận (9), Thừa Thiên – Huế (9), Quảng Trị (9), Bà Rịa – Vũng Tàu (8 ), Bạc Liêu (8 ), Hà Nội (7), Quảng Ngãi (6), Trà Vinh (4), Lâm Đồng (3), Bến Tre (3), Kon Tum (2), Hậu Giang (2), Thanh Hóa (2), Cà Mau (2), Sơn La (1), Nghệ An (1).
– Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 1.086), Long An (giảm 63), Tiền Giang (giảm 16).
– Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (570), Đồng Nai (340), An Giang (65).
– Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.465 ca/ngày.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 718.963 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.306 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 714.497 ca, trong đó có 482.083 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 17/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (353.655), Bình Dương (187.493), Đồng Nai (42.362), Long An (31.041), Tiền Giang (13.464).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 487.262.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.991 ca, trong đó:
– Thở ô xy qua mặt nạ: 3.185
– Thở ô xy dòng cao HFNC: 837
– Thở máy không xâm lấn: 164
– Thở máy xâm lấn: 773
– ECMO: 32
 

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 236 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (181), Bình Dương (37), Tiền Giang (3), Bình Thuận (3), Long An (3), Cần Thơ (2), Đồng Nai (2), Đắk Nông (1), An Giang (1), Đà Nẵng (1), Nghệ An (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1).
– Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 227 ca.
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.781 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
– Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 175.593 xét nghiệm cho 431.636 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 17.211.798 mẫu cho 49.735.296 lượt người.
– Trong ngày 21.9 có 616.590 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 35.675.840 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.

Nỗi lo từ đêm Trung thu Hà Nội

Trao đổi với Thanh Niên về hình ảnh đông đúc, chen lấn hàng nghìn người dân, cả người lớn và trẻ em, trên các tuyến phố chính của Hà Nội trong đêm Trung thu hôm qua 21.9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong bày tỏ lo ngại.
Theo ông Phong, Hà Nội vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và của người dân.
Ông Phong cho rằng, việc tối Trung thu người dân đổ ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Rất đáng trách là rất nhiều phụ huynh đã đưa cả trẻ em đi cùng. Vì việc này thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân thủ đô bị thách thức rất lớn”, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận và mong rằng mọi người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế.
“Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được và công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan”, ông Phong nhấn mạnh.
 
 Trước đó, đêm 21.9, sau khi TP.Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng dịch, bỏ giấy đi đường và cho mở nhiều dịch vụ theo Chỉ thị 15/CT-TTg, hàng nghìn người dân thành phố, có cả trẻ em, đã đổ ra đường, về các tuyến phố trung tâm để chơi tết Trung thu, khiến nhiều đoạn đường ùn tắc, là nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Dù Chỉ thị 15 yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc cần thiết, không được phép tụ tập trên 20 người nơi công cộng, song rất nhiều người dân vẫn đi chơi, đường phố chen cứng xe máy, ô tô đêm Trung thu.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc tụ tập đông người, trong khi trẻ em chưa tiêm đủ vắc xin có thể tạo nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao. 
Tại cuộc họp báo thông tin về điều chỉnh giãn cách chiều 20.9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đã nhấn mạnh: “Một nguy cơ mà chúng tôi đánh giá sẽ rất khó khăn là tinh thần, tư tưởng chủ quan của một số cơ quan, người dân, như lò xo bị nén suốt mấy tháng nay, khi mở ra rất dễ quá đà trong khi nguy cơ vẫn rất cao. Kết quả chống dịch có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn”.
Hiện Hà Nội đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng thành phố vẫn chưa thể về trạng thái “bình thường mới” vì mũi tiêm thứ 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi đó, Bộ Y tế quy định, muốn trở về “bình thường mới”, phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Theo ông Phong, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay. 

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở 4 tỉnh, thành phố

Bộ Y tế vừa có đánh giá nguy cơ dịch tại 4 địa phương trong số 5 tỉnh, thành phố có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước đến nay gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Bộ Y tế phân loại các quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc các tỉnh thành này theo các nhóm là vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ tương ứng với các mức độ nguy cơ về dịch Covid-19. 
Cụ thể, tại TP.HCM:
+ Bình thường mới (vùng xanh): có 3 đơn vị: H.Củ Chi, H.Cần Giờ và Q.7.
+ Nguy cơ (vùng vàng): có 3 đơn vị: TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh và Q.Phú Nhuận.
+ Nguy cơ cao (vùng cam): có 14 đơn vị gồm các quận: 1, 3, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Phú và các huyện: Nhà Bè, Hóc Môn.
+ Nguy cơ rất cao (vùng đỏ): có 2 đơn vị là Q.4, Q.12
Bộ Y tế cho biết, toàn TP.HCM có 24.330 tổ dân phố với 1.782.203 hộ dân, trong đó có 14.034 tổ dân phố (58%) đạt bình thường mới, có 6.098 tổ dân phố (25%) đạt mức nguy cơ, có 1.962 tổ dân phố (8%) đạt mức nguy cơ cao, vẫn còn 3.091 tổ dân phố (13%) ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ).
TP.HCM hiện đã tiêm được 8,83 triệu liều vắc xin Covid-19 trên tổng số 9,49 triệu liều vaccine đã phân bổ.
Tại các “vùng đỏ”, “vùng cam” ở TP.HCM, lực lượng y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong 14 ngày gần đây và các F0 đã xuất viện, khỏi bệnh. Việc lấy mẫu cần lặp lại sau mỗi 2 ngày, làm liên tục 3 lần trong 7 ngày.
Tỉnh Bình Dương:
– Bình thường mới (vùng xanh): có 7 đơn vị là Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Yên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một.
– Nguy cơ rất cao (vùng đỏ): có 1 đơn vị là TP.Dĩ An
– Nguy cơ cao (vùng cam): có 1 đơn vị là TP.Thuận An
Theo Bộ Y tế, toàn tỉnh Bình Dương có 52 xã/phường bình thường mới và 06 xã/ phường có nguy cơ, 21 xã/phường có nguy cơ cao, 12 xã/phường có nguy cơ rất cao. 
Tỉnh Đồng Nai:
+ Bình thường mới (vùng xanh): có 5 đơn vị là các huyện Định Quán, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Long Khánh, Xuân Lộc.
+ Nguy cơ (vùng vàng): có 1 đơn vị là H.Thống Nhất.
+ Nguy cơ cao (vùng cam): có 4 đơn vị (các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu)
+ Nguy cơ rất cao (vùng đỏ): có 1 đơn vị là TP. Biên Hòa.
– Đánh giá theo xã/phường, tỉnh Đồng Nai có 104 xã/phường bình thường mới, 22 xã/phường có nguy cơ, 23 xã/phường có nguy cơ cao và có 21 xã/phường có nguy cơ rất cao.
Tỉnh Long An:
– Bình thường mới (vùng xanh): có 10 đơn vị là Cần Đước, Châu Thành, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ,  Thạnh Hóa,  Thủ Thừa, Vĩnh Hưng. 
– Nguy cơ (vùng vàng): có 3 đơn vị là H.Cần Giuộc, huyện Đức Hòa, TP.Tân An. 
– Nguy cơ cao (vùng cam): có 2 đơn vị là huyện Bến Lức và thị xã Kiến Tường.
– Nguy cơ rất cao (vùng đỏ): Không có 

Shipper TP.HCM loay hoay tìm điểm xét nghiệm dịch vụ

Sáng 22.9, nhiều điểm xét nghiệm Covid-19 miễn phí đã không còn nhận xét nghiệm cho shipper nên họ phải đi tìm điểm xét nghiệm dịch vụ. Nhiều người cho hay, họ không nhận được thông báo về việc từ ngày 22.9 không được xét nghiệm Covid-19 tại các trạm y tế nữa nên đang loay hoay không biết làm sao để kiếm chỗ xét nghiệm mới. 

Anh Lâm Vĩnh Phú, tài xế Grab bối rối nói với phóng viên Thanh Niên: “Từ sáng đến giờ anh em chạy lòng vòng kiếm chỗ test dịch vụ. Hôm nay mất phí, cũng được đi, nhưng cơ quan làm gấp rút quá, đêm họ mới thông báo, sáng ra anh em nháo nhào, không có thời gian chuẩn bị”.
 

Trước đó, ngày 21.9, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn cho biết, từ ngày 24 – 30.9, thành phố sẽ thôi xét nghiệm miễn phí tập trung cho tài xế tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo nhiều shipper, mới sáng 22.9 nhưng nhiều điểm xét nghiệm miễn phí đã không còn nhận test nhanh cho lực lượng tài xế công nghệ.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Đã gần 11 giờ trưa nhưng các tài xế vẫn loay hoay tìm điểm xét nghiệm dịch vụ, chưa thể chạy được cuốc xe đầu tiên trong ngày

Lê Nam

 
Anh Nguyễn Văn Hậu, tài xế hãng Shopee Food cho biết, đã gần 11 trưa nhưng anh vẫn chưa thể hoàn thành cuốc xe đầu tiên trong ngày. “Tôi đi sáng sớm, từ 5 giờ mấy sáng lên trên trạm y tế  Q.4 mới thông báo là không test nữa. Chạy trên đường nhiều trạm thông cảm cho qua, nhiều trạm bắt quay đầu. Đơn hàng lấy từ Q.7 chạy tới gần TP.Thủ Đức, gần tới nơi thì chốt không cho qua, bắt quay xe lại”, anh Hậu nói và cho biết thêm, đã phải quay xe tìm điểm xét nghiệm dịch vụ.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Tài xế chờ xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện Q.1 (cơ sở 2, đường Trần Hưng Đạo)

Lê Nam

 
“Từ sáng đến giờ anh em chạy lòng vòng kiếm chỗ test dịch vụ, có người test mẫu đơn từ 250 – 400.000 đồng, nếu mình may mắn kiếm được mẫu gộp, anh em chia sẻ với nhau rẻ hơn, tầm khoảng 150.000 đồng. Anh em cũng chia sẻ nhau, chỗ nào test mẫu gộp cũng đỡ được chút đỉnh nhưng cũng mất thời gian nửa ngày, không hoạt động được gì”, anh Phú – tài xế Grab cho hay. 

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Tài xế xe công nghệ tự trả phí để xét nghiệm Covid-19

Lê Nam

 
Từ 10 giờ sáng 22.9, rất đông shipper tập trung để làm xét nghiệm dịch vụ tại bệnh viện Q.1 (cơ sở 2, đường Trần Hưng Đạo). Ngày đầu tiên không còn được xét nghiệm miễn phí, các shipper buộc phải bỏ tiền túi để làm các xét nghiệm Covid-19.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Càng về trưa, lượng tài xế công nghệ đổ về bệnh viện Q.1 (cơ sở 2) càng đông

Lê Nam

 
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Bệnh viện Q.1 cho biết, thấu hiểu những khó khăn của shipper nên bệnh viện cùng tìm giải pháp để giảm chi phí test nhanh cho lực lượng này.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Bệnh viện Q.1 nhận hỗ trợ test mẫu gộp để giảm chi phí cho shipper

Lê Nam

 
“Shipper đến làm test nhanh Covid-19 có đông hơn ngày thường. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đưa ra giá, chính sách là mẫu gộp cũng giảm giá cho shipper. Có thể gộp 3, gộp 2 cho giá giảm đi để shipper có điều kiện thực hiện xét nghiệm. Giá thì đúng theo quy định là 238.000 đồng/test nhanh, mẫu gộp chi phí rẻ hơn, gộp 2 thì chia đôi, gộp 3 thì shipper trả 1/3 chi phí”, bác sĩ Nguyễn Thành Tâm cho hay. 

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Sáng 22.9, nhiều điểm xét nghiệm miễn phí đã không còn nhận test nhanh cho lực lượng tài xế công nghệ như những ngày trước

Lê Nam

 
Trước đó, theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, giai đoạn trước ngày 16.9, có 20.000 shipper được đăng ký hoạt động, Sở Công thương sắp xếp các shipper xét nghiệm tại các trạm y tế lưu động, nơi shipper sinh sống với khung giờ từ 5 – 6 giờ sáng. Tuy nhiên, sau khi TP.HCM cho phép các shipper hoạt động liên quận, đã có khoảng 82.000 shipper đăng ký hoạt động trở lại. Việc gia tăng đột biến khiến các trạm y tế quá tải, dẫn đến tình trạng hàng trăm shipper xếp hàng dài chờ xét nghiệm từ sáng sớm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chạy 3 nơi không được xét nghiệm miễn phí, shipper TP.HCM tắt app về nhà

Giấy xét nghiệm Covid-19 hết hạn nên sáng 22.9.2021, ông Thành Thiện – một shipper công nghệ, định tới điểm xét nghiệm miễn phí tại Q.Gò Vấp nhưng nơi này đã không còn hoạt động. Ông cũng chạy tới 3 địa điểm có hỗ trợ xét nghiệm miễn phí khác nhưng nay cũng đã dừng hoạt động.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Thiện đã phải nghỉ gần một tháng và mới quay lại chạy xe được 4 ngày nay. Tuy nhiên, hôm nay không có giấy xét nghiệm còn hiệu lực và cũng không tìm được nơi test nhanh nên ông quay về nhà đợi thông báo mới từ phía công ty.
Không chỉ riêng ông Thành Thiện, nhiều shipper khác tại TP.HCM sáng 22.9 cũng đã rất bối rối khi bất ngờ nhận thông báo từ các trạm y tế là không được test nhanh Covid-19 miễn phí nữa. Nhiều người tìm đến các điểm test nhanh dịch vụ để có giấy xét nghiệm đi làm.
 

Anh Huỳnh Anh Phú – shipper của ứng dụng đặt đồ ăn Now, băn khoăn không biết có nên test nhanh Covid-19 dịch vụ khi được báo giá tới 45.000 đồng/lượt.
“Mình muốn xin test mẫu gộp cùng các anh em khác cho đỡ tiền nhưng bệnh viện không chịu. Nếu chạy thì có đồng ra đồng vô, có tiền đi chợ, còn không chạy được thì chịu chứ không biết sao” anh Phú chia sẻ.
Nhiều tài xế khác được thông báo từ công ty phải tự túc việc xét nghiệm, công ty chỉ hướng dẫn các địa điểm có tổ chức lấy mẫu. Nhưng sau khi tới nơi và biết giá xét nghiệm, nhiều shipper đã tắt app quay về nhà. 

TP.HCM tiếp nhận 4 triệu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 từ các doanh nghiệp

Chiều 22.9.2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã tổ chức lễ tiếp nhận trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do các doanh nghiệp ủng hộ.
Theo đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội gọi tắt là SHB và Tập đoàn T&T đã ủng hộ 2 triệu bộ xét nghiệm nhanh Covid-19; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam gọi tắt là Techcombank ủng hộ 2 triệu bộ xét nghiệm phát hiện Covid-19.
Lô hàng có trị giá 500 tỉ đồng nhằm góp phần thực hiện trách nhiệm chung tay cùng với cộng đồng phòng chống dịch, bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
 

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, ghi nhận và trân trọng đối với sự đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị tài trợ.
Theo bà Châu, trong thời gian qua, TP.HCM đã tiếp nhận sự ủng hộ, đóng góp nhiệt tình từ các cấp, các ngành, các tỉnh, thành trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Đây là nguồn động viên rất lớn cho hệ thống chính trị TP.HCM, cho các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch và các bệnh nhân đang được điều trị.
Bà Tô Thị Bích Châu cũng khẳng định, sự đóng góp của các đơn vị sẽ nhanh chóng chuyển giao đến các lực lượng tuyến đầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, truy vết, mở rộng vùng xanh, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. 

Bà con Q.5 phấn khởi đi chợ dã chiến: ‘Có thịt cá tươi là vui rồi’

Chợ dã chiến thí điểm đầu tiên tại TP.HCM chính thức hoạt động từ sáng 22.9 trên địa bàn P.3 (Q.5) – nơi đang là vùng xanh Covid-19.
Hiện nay quận 5 có trên 80% tổ dân phố xanh và cận xanh, 40% người dân được tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19 nên khu vực này được TP.HCM lựa chọn để mở chợ dã chiến thí điểm, phục vụ bà con nhân dân. 
 

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Chợ dã chiến thoáng đãng, bố trí đảm bảo giãn cách; hàng hóa đa dạng, phong phú

Lê Nam

 
12 gian hàng là các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực thiết yếu. Không chỉ có rau củ quả, các loại hàng khô, chợ dã chiến còn có gian hàng hải sản tươi ngon, với hàng chục loại tôm cá khác nhau được bán với giá phi lợi nhuận. 
Trước đó một ngày, P.3 đã đến từng nhà để phát phiếu đi chợ cho người dân. Người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, khai báo y tế đầy đủ và cầm theo phiếu đi chợ sẽ được vào trong mua sắm.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Rau củ quả tươi ngon, giá bình ổn phục vụ người dân

Lê Nam

 
Không chỉ háo hức khi được đi chợ lại sau 3 tháng ở nhà, nhiều người còn bất ngờ vì toàn hàng tươi ngon mà giá cả rất hợp lý. 
Chợ dã chiến thí điểm diễn ra trong 2 ngày: 22 và 23.9, thời gian từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Quận tự chuẩn bị các gian hàng, hàng hóa và bố trí cả người đứng bán để đảm bảo an toàn. 

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 22.9: Bộ Y tế phân vùng nguy cơ tại TP.HCM

Chợ dã chiến lưu động thí điểm tại phường 3, quận 5 triển khai trong 2 ngày trước khi được triển khai ở nhiều khu vực khác

Lê Nam

 
Dự kiến, sau ngày 23.9, phiên chợ dã chiến này sẽ được tiếp tục triển khai ở P.4 và P.10 (thuộc Q.5) để phục vụ bà con mua sắm nhu yếu phẩm.

Xúc động giây phút nhận lại kỷ vật của người thân mất vì Covid-19

Chiều 21.9.2021, nhiều người dân ở TP.HCM đã đến Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 số 16 làm thủ tục để nhận lại di vật của người thân mất vì Covid-19 để lại.
Những kỷ vật của người mất vì Covid-19 để lại là chiếc điện thoại, giấy tờ tùy thân, quần áo, vật dụng cá nhân… được các nhân viên y tế tại đây cẩn thận gom nhặt, sắp xếp, ghi chú thông tin để tránh thất lạc. Tất cả đều là những kỷ niệm vô cùng quý giá với những người thân ở lại.
Theo bác sĩ Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 16, những ngày này, dịch bệnh Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM khi số lượng bệnh nặng và tử vong đang ở mức cao dù ngành y tế đã cố gắng hết sức để cứu chữa cho các bệnh nhân.
Thấu hiểu nỗi đau của những gia đình có người thân mất vì Covid-19, các bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 16 đã lưu giữ lại những kỷ vật của bệnh nhân đã mất, trao trả cho người thân. Hơn một tháng qua, các bác sĩ đã gom nhặt, cất giữ hơn 300 túi đồ của những bệnh nhân Covid-19 xấu số tại Bệnh viện dã chiến số 16.
Theo bác sĩ Trần Thái Sơn, hằng ngày bệnh viện chủ động gọi cho toàn bộ gia đình người bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây để thông báo tình trạng người bệnh. Những bệnh nhân không may mất thì bệnh viện sẽ liên hệ người nhà đến trao trả lại kỷ vật người đã mất.
Tuy nhiên, do TP.HCM đang trong thời gian giãn cách nên nhiều người nhà không thể đến được thì bệnh viện sẽ tiếp tục bảo quản đến khi người nhà có thể tới nhận, với hy vọng vơi đi nỗi đau của những gia đình có người thân không may có người mất vì Covid-19.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 20.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

 

 

 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img