Ngày 23.9, Sở GD-ĐT Ninh Thuận cho biết Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1839/QĐ-UBND phê duyệt sách giáo khoa tiếng Raglai 1 (SANAUT RADLAI 1) dành cho học sinh và sách hướng dẫn dạy tiếng Raglai dành cho giáo viên để triển khai dạy thực nghiệm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Tổ chức dạy thực nghiệm tiếng Raglai lớp 1 trong năm học 2021 – 2022 ở tất cả trường tiểu học vùng dân tộc Raglai
|
Theo đó, sách giáo khoa tiếng Raglai 1 được biên soạn theo 6 chủ điểm: Trường em; Mỗi ngày của em; Gia đình em; Em tham gia giao thông; Người bản làng em và Thế giới xung quanh em – tương ứng với 6 chủ điểm gồm có 70 bài học được cấu trúc theo từng chủ điểm, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng dân tộc thiểu số.
Để triển khai dạy thực nghiệm, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thủ tục in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Raglai 1 dành cho học sinh và sách hướng dẫn dạy tiếng Raglai dành cho giáo viên theo quy định; đồng thời, chỉ đạo tổ chức dạy thực nghiệm tiếng Raglai lớp 1 trong năm học 2021 – 2022 ở tất cả các trường tiểu học vùng dân tộc Raglai theo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26.12.2018 của Bộ GD-ĐT nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên đã được bồi dưỡng tiếng Raglai.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 72.200 người Raglai, sinh sống chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Đồng bào Raglai có kho tàng di sản văn hóa phong phú, nhưng do nền văn hóa dân gian chủ yếu truyền miệng nên hiện nay còn rất ít người biết đọc, viết chữ của dân tộc mình.
Bộ chữ viết tiếng Raglai theo dạng tự La-tinh bao gồm 26 chữ cái, có 20 phụ âm, 6 nguyên âm. Trong đó, 20 chữ cái đọc như tiếng Việt, 6 chữ cái gồm C, D, J, W, Y, Z có quy ước đọc khác với tiếng Việt để phù hợp với âm vị học trong tiếng nói của người Raglai.
Ngoài ra, bộ chữ cũng quy định các chữ cái và dấu thanh không sử dụng trong tiếng Raglai để tiện phân biệt âm điệu giọng đọc lên, xuống trong tiếng Raglai, tạo thuận lợi cho người học.