Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.9 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:
Tỷ lệ tử vong giảm từ 2,5% xuống còn 2,4%
Bản tin Bộ Y tế tối 27.9 cho biết tính từ 17 giờ ngày 26.9 đến 17 giờ ngày 27.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.362 ca nhiễm mới, 10.528 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 174 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số tử vong lên 18.758 ca.
Thông tin về 9.362 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 27.9 như sau:
– 20 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
– 9.342 ca ghi nhận trong nước (giảm 669 ca so với ngày trước đó) tại 36 tỉnh, thành phố (có 4.453 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (4.134), Bình Dương (3.793), Đồng Nai (616), Long An (190), An Giang (131), Tây Ninh (80), Kiên Giang (73), Tiền Giang (58), Cần Thơ (56), Hà Nam (54), Bình Thuận (32), Khánh Hòa (26), Bình Định (21), Quảng Bình (15), Đồng Tháp (14), Phú Yên (11), Ninh Thuận (9), Kon Tum (5), Cà Mau (4), Bắc Giang (4), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Nghệ An (3), Quảng Ngãi (3), Quảng Trị (3), Vĩnh Long (3), Quảng Nam (3), Đắk Nông (3), Trà Vinh (2), Gia Lai (2), Bến Tre (2), Quảng Ninh (2), Bình Phước (1), Đà Nẵng (1), Thanh Hóa (1), Vĩnh Phúc (1), Hà Nội (1).
– Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 987 ca), Đồng Nai (giảm 130 ca), Bình Phước (giảm 26 ca).
– Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (tăng 461), An Giang (tăng 50), Tây Ninh (tăng 43).
– Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.035 ca/ngày.
– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 766.051 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca nhiễm).
– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527 ca, trong đó có 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (375.794), Bình Dương (203.989), Đồng Nai (46.283), Long An (31.979), Tiền Giang (13.845).
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 538.454
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.135 ca, trong đó:
– Thở ô xy qua mặt nạ: 2.638
– Thở ô xy dòng cao HFNC: 661
– Thở máy không xâm lấn: 104
– Thở máy xâm lấn: 703
– ECMO: 29
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 174 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (122), Bình Dương (32), Tây Ninh (4), An Giang (4), Đồng Nai (4), Cần Thơ (3), Đồng Tháp (2), Tiền Giang (1), Bình Thuận (1), Đà Nẵng (1).
– Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 208 ca.
– Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc (tính đến ngày 26.9, tỷ lệ này vẫn là 2,5%) và cao hơn so với tỷ lệ 2,1% trên thế giới.
– Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 168.786 xét nghiệm cho 344.543 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.021 đến nay đã thực hiện 18.137.096 mẫu cho 51.904.476 lượt người.
– Trong ngày 26.9 có 865.610 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.
TP.HCM đề nghị cấp mã số cho 150.000 F0 từ test nhanh
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM có 372.202 người dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 483 người nhập cảnh.
Theo quy định hiện tại của Bộ Y tế, những người có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR thì mới được cấp mã số quản lý quốc gia và công bố hàng ngày. Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 xảy ra và trong khoảng tháng 7.2021 đến giữa cuối tháng 8.2021, rất nhiều người tự test nhanh dương tính với Covid-19 nhưng không được quản lý, bệnh nhân tự điều trị ở nhà. Đây là con số không nhỏ và ngành y tế đang thống kê.
Từ ngày 20.8 đến nay, TP.HCM có khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính Covid-19. Số người này được phường, xã, Trạm Y tế lưu động… quản lý và được phát túi thuốc điều trị tại nhà.
Để có cơ sở chính thức báo cáo các trường hợp test nhanh dương tính với Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét và chấp thuận cho TP.HCM công bố chính thức 150.000 ca test nhanh dương tính Covid-19 như là ca khẳng định. Đồng thời cấp mã số cho tất cả ca bệnh test nhanh dương tính với Covid-19 tại TP.HCM để được chính thức quản lý bằng mã số quốc gia.
Như vậy, nếu Bộ Y tế đồng ý, TP.HCM có tất cả 522.202 người dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR và test nhanh. Đó là chưa kể số người dương tính chưa được quản lý mà sắp tới đây sẽ được các phường xã, tổ chức hỗ trợ điều trị tại nhà xác nhận.
Tính hết ngày 26.9, TP.HCM có 372.202 người dương tính với Covid-19 qua xét nghiệm RT-PCR và 14.413 ca tử vong do Bộ Y tế công bố. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại TP.HCM là 3,87%. Nếu cộng luôn 150.000 người dương tính Covid-19 qua test nhanh thì tỷ lệ tử vong trên số ca dương tính (tổng là 522.202 người) tại TP.HCM chỉ còn là 2,76%.
Hà Nội cho phép mở lại trung tâm thương mại, tập thể dục ngoài trời
Theo đó, từ 28.9, UBND TP.Hà Nội cho phép thực hiện một số hoạt động, mở lại một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Thành phố yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR và các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.
Cụ thể, người dân được phép tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không tập trung quá 10 người. Trung tâm tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hoá mỹ phẩm được phép hoạt động trở lại.
UBND TP.Hà Nội cũng giao Sở Y tế phối hợp với các đơn vị tiếp tục tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2 – 3 ngày/lần tại các điểm phong toả, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát lây lan dịch bệnh. Tiếp tục rà soát các trường hợp chưa được tiêm vắc xin mũi 1 để hoàn thành tiêm vét mũi 1, hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2.
UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, cơ sở liên quan nghiêm túc không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch.
VNVC đã bàn giao cho Bộ Y tế gần 15 triệu liều vắc xin AstraZeneca
Trưa 27.9, Hệ thống tiêm chủng VNVC (VNVC) đã tiếp tục bàn giao hơn 1,3 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho Bộ Y tế. Như vậy, chỉ trong tháng 9, VNVC đã bàn giao hơn 5 triệu liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho Bộ Y tế, kịp thời tăng cường cho TP.HCM và các địa phương chống dịch.
Tổng cộng, đến nay VNVC đã bàn giao cho Bộ Y tế 15 triệu liều vắc xin Covid-19.
Các lô vắc xin này thuộc hợp đồng của VNVC đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca từ cuối năm 2020.
Theo VNVC, để mang được số vắc xin này về, từ tháng 11.2020, VNVC đã đặt cọc số tiền 30 triệu đô la Mỹ (tương đương gần 700 tỉ đồng) để đặt mua 30 triệu liều vắc xin Covid-19 với AstraZeneca, ngay khi vắc xin còn trong quá trình thử nghiệm.
Tháng 2.2021, trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, những liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca đầu tiên (117.600 liều) về Việt Nam và đã được VNVC trao cho Bộ Y tế kịp thời triển khai tiêm cho tuyến đầu chống dịch. Theo VNVC, toàn bộ 30 triệu liều vắc xin của hợp đồng này cũng được VNVC chấp thuận bàn giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế để bổ sung quỹ vắc xin triển khai tiêm chủng miễn phí cho người dân.
Cụ bà kẹt lại Sài Gòn đi tiêm vắc xin mong sớm về quê
Gần 5 tháng trước, bà Nguyễn Thị Thành từ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên TP.HCM thăm con. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát nên bà không thể về quê được. Trong thời gian ở lại gia đình con trai tại phường 15 (Q.Tân Bình), bà đã được tiêm hai mũi vắc xin Covid-19.
Sáng 27.6.2021, nhiều người dân trên 50 tuổi cũng đã tới điểm tiêm chủng ở phường 15 để tiêm mũi hai vắc xin Covid-19 sau khi đủ thời gian quy định.
Điểm tiêm nay được bố trí thành nhiều khu vực khác nhau. Mỗi khu vực sẽ có ghế ngồi để người dân chờ tới lượt khám và tiêm vắc xin. Đa phần mọi người đều ý thức nên không có tình trạng chen lấn, hỗn loạn.
Bên cạnh đó, các tình nguyện viên tại điểm tiêm này cũng tích cực hỗ trợ cho những người già trong việc khai thông tin và di chuyển qua các khu vực khác nhau. Những người tuổi cao, già yếu sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Hiện TP.HCM đang tiêm phủ mũi 1 cho người chưa tiêm mũi 1 và đẩy mạnh tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19. Tính đến ngày 26.9, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 9,4 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó số mũi 1 là 6,8 triệu liều và số mũi 2 là 2,6 triệu liều. Trong đó, đã có 1,1 triệu mũi tiêm cho đối tượng là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền.
Xác minh thông tin cán bộ chốt kiểm soát đòi người dân chuyển 3 triệu đồng
Ngày 27.9.2021, lãnh đạo UBND Q.6 đang xác minh làm rõ vụ mạng xã hội lan truyền thông tin cán bộ chốt kiểm soát Covid-19 ở TP.HCM yêu cầu người đi đường chuyển 3 triệu đồng vào tài khoản nếu không sẽ bị giam xe. Thông tin này đang gây xôn xao dư luận.
Phóng viên Thanh Niên cũng đã tìm gặp người đàn ông tố cán bộ chốt kiểm soát Covid-19 và liên hệ với lãnh đạo quận 6 để tìm hiểu sự việc.
Người này cho hay sự việc xảy ra khoảng 3 giờ sáng ngày 26.9 khi anh đi qua đường An Dương Vương (Q.6) để mua thuốc. Anh đã trình bày lý do với công an tại chốt kiểm soát nhưng cán bộ này nói lỗi vi phạm của anh phải lập biên bản, giam xe và đóng phạt 9 triệu đồng.
“Sau một hồi thương lượng thì còn 3 triệu. Mình nói mình còn có 1 triệu thì cán bộ đó không chịu 1 triệu. Mình nói trong túi mình cũng không đủ 3 triệu thì mới cho số tài khoản mình chuyển vô số tài khoản của người khác. Cán bộ cũng coi điện thoại của mình nữa. Sau khi mình chuyển giao dịch thành công 3 triệu thì cán bộ đó cho mình đi qua chốt” Người đàn ông tố cán bộ kiểm soát chia sẻ với PV Thanh Niên.
Theo người đàn ông liên quan đến vụ việc này thì hơn 15 giờ ngày 26.9, anh lái ô tô trên đường An Dương Vương (đoạn qua P.10, Q.6) để mua thuốc thì một cán bộ công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát Covid-19 gần cầu Mỹ Thuận yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Lúc này, anh đưa ra tờ giấy hẹn cấp lại giấy phép lái xe đã bị mất và không xuất trình được giấy đi đường nên cán bộ công an thông báo sẽ lập biên bản, đưa xe về trụ sở để làm việc.
Thông tin này sau khi đưa lên mạng xã hội đã khiến dư luận xôn xao. Theo người đàn ông liên quan đến vụ việc thì cán bộ công an đã không lập biên bản hay cấp phiếu thu về số tiền 3 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND Q.6, cho biết bà đã nắm được sự việc và Công an Q.6 đang làm rõ. Theo Chủ tịch UBND Q.6, công an quận đang kiểm tra lại thông tin vì một số hình ảnh không được rõ, vị trí này giáp ranh giữa 3 quận (6, 8 và Bình Tân) nên cần phải xác định chốt kiểm soát thuộc đơn vị nào.
Trong khi đó, bà Lê Thị Hờ Rin, Bí thư Quận ủy Q.6, cho biết quan điểm của quận là không bao che nếu có trường hợp vi phạm sẽ xử lý, người đăng tin sai sự thật cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Báo Thanh Niên thăm, tặng quà của bạn đọc cho trẻ mồ côi vì Covid-19
Những ngày qua, đại diện Báo Thanh Niên đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các bé không may khi cha mẹ mất vì dịch Covid-19. Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên ngày càng nhận được nhiều thông tin về các trẻ mồ côi cha, mẹ.
Chị Lê Thị Thanh Hằng, ở Q.Bình Tân, TP.HCM có ba người con bị khiếm thị. Do hoàn cảnh khó khăn nên chị cùng chồng thuê một nhà trên đường Đình Nghi Xuân, quận Bình Tân ở tạm và mưu sinh bằng nghề làm đèn quang.
Thương bố mẹ vất vả, hai người con lớn của chị Hằng quyết tâm tìm đến con chữ, vượt qua nghịch cảnh tự mày mò học chữ nổi. Sau 1 năm học chữ nổi, các em đều hòa nhập và học cùng với các bạn ở lớp học bình thường. Riêng người con út 8 tuổi không thể đi học do bị tâm thần.
Cuộc sống gia đình dù khó khăn, bữa đói bữa no nhưng vẫn đầm ấm, hạnh phúc cho đến tháng 7.2021, tai họa ập đến gia đình khi chồng chị Hằng không may mắc Covid-19 và không qua khỏi, để lại chị cùng ba người con.
Gánh nặng mưu sinh trước đây được chồng san sẻ, giờ chị Hằng phải một mình bươn chải nuôi ba người con không lành lặn khiến chị như rơi vào biển lửa.
Đang lo lắng không biết làm sao để một mình nuôi ba người con khiếm thị, ngày 26.9, chi Hằng như với được phao cứu sinh khi nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm thông qua chương trình bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên.
Chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh Niên được phát động từ ngày 16.9. Với mục tiêu giúp đỡ các em vượt qua nỗi đau quá lớn, lấp bớt phần nào khoảng trống tình cảm và nỗi âu lo đời thường, giúp các em có được tình cảm ấm áp và sự chăm sóc tận tình của cộng đồng. Đến nay chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước để chung tay chăm lo cho trẻ mồ côi bố, mẹ vì dịch bệnh Covid-19.
Quý khán giả, độc giả và nhà hảo tâm có mong muốn giúp đỡ cho các em nhỏ không may mất cha mẹ hay người bảo trợ vì dịch Covid-19 có thể ủng hộ thông qua chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời” do Báo Thanh Niên phát động bằng một trong hai cách sau đây:
Cách thứ nhất: Gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vnhoặc liên hệ số điện thoại: 0933.044.866(gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc).
Cách thứ hai:Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau:
Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản:1471.000.000.0115- Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV – chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
|
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.