Ngày 28.9, sau 2 tháng rưỡi thực hiện công năng bệnh viện “tách đôi” – vừa điều trị Covid-19 và bệnh không do Covid-19 – Bệnh viện Q.7 đã chính thức trở lại khám chữa bệnh thông thường không do Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Bệnh viện Q.7 được xem là “bệnh viện xanh” đầu tiên trên địa bàn TP.HCM.
3 tháng mới đi khám bệnh
6 giờ 30 ngày 28.9, ông Vũ Tiến Trác (78 tuổi, ngụ P.Bình Thuận, Q.7) đến Bệnh viện Q.7 để khám bệnh. Khoảng hơn 8 giờ 30, ông cầm thuốc ra về với nụ cười sảng khoái. Ông bảo chưa bao giờ khám bệnh nhanh như thế này, cứ nghĩ trong bụng là tới trưa mới xong.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nhưng 3 tháng mới trở lại bệnh viện
|
Ông Trác nói mình bị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ, 3 tháng rồi giờ mới đi khám bệnh, sau khi thấy bệnh viện an toàn. “3 tháng ở nhà mua thuốc uống và băn khoăn. Nay được siêu âm, xét nghiệm máu, điện tim nên rất yên tâm”, ông Trác nói. Ông Trác còn khoe mình cũng đã được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19.
Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Về (57 tuổi, ngụ P.Phú Thuận, Q.9) cũng trở lại Bệnh viện Q.7 khám sau 3 tháng gián đoạn. Ông Về bị bệnh tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực… “Hết thuốc, 2 tháng qua toàn phải ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống, không yên tâm nhưng cũng không dám đi bệnh viện. Nay đã được đi khám lại, bác sĩ xem kỹ càng bệnh và cho thuốc”, ông Về chia sẻ.
Nhiều đối tượng không cần khám sàng lọc
Theo TS.BS Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Q.7, trong 2 tháng rưỡi qua, Bệnh viện Q.7 đã điều trị hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19, trong đó 45% đã khỏi bệnh, 34% giảm triệu chứng chuyển đến cơ sở y tế khác. Đây là những thành công góp phần không nhỏ trong công tác phòng chống dịch và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Q.7.
Nhưng trong thời gian dài tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nên công tác điều trị bệnh khác cho người dân có một số trở ngại. Một phần do người dân ở khu cách ly, phong tỏa; hơn nữa tâm lý sợ nhiễm bệnh khi đến bệnh viện. Bệnh viện đã được sự chỉ đạo của Sở Y tế để triển khai thành “bệnh viện xanh”, điều trị các bệnh nhân không nhiễm Covid-19, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, cũng như người dân các vùng lân cận.
Bệnh viện Q.7 có công suất 140 – 150 giường bệnh nội trú, và khám ngoại trú 1.200 – 1.300 ca/ngày (trong 3 tháng qua ngoại trú mỗi ngày chỉ 100 ca bệnh).
Người tiêm 2 mũi vắc xin vào khám bệnh không qua khâu sàng lọc, nhưng phải khai báo y tế
|
Khi hoạt động bình thường trở lại, nhân sự của bệnh viện có khó khăn do phải thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến Q.7 với 85 người, gồm 25 bác sĩ, 28 điều dưỡng và các nhân sự khác về dược, công nghệ thông tin. 20 nhân sự được điều sang Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai để học hồi sức nhằm đáp ứng nhân lực khi các bệnh viện T.Ư rút về.
“Khi trở thành “bệnh viện xanh”, những người đến bệnh viện sẽ được sàng lọc kỹ, khai báo y tế, đo tầm nhiệt. Trong quá trình sàng lọc, nếu phát hiện F0 thì sẽ đưa vào khu cách ly tạm thời. Nếu xác định F0 ở cộng đồng, sẽ liên hệ địa phương; nếu đủ điều kiện thì cho cách ly ở nhà, còn không thì chuyển đi bệnh viện điều trị Covid-19”, bác sĩ Vũ nói.
Ngoài ra, cũng có một số người không cần sàng lọc như: đã nhiễm Covid-19 và có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly; đã tiêm vắc xin Covid-19 đủ 2 mũi, thời gian mũi 2 là sau 14 ngày, có giấy xét nghiệm từ 2 – 3 ngày.
“Bệnh viện xanh” là bệnh viện an toàn
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, 5 tháng trước, dịch Covid-19 đã làm số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Do đó, để đáp ứng điều trị, ngành y tế TP.HCM lần lượt chuyển đổi công năng các bệnh viện quận, huyện; thành lập các bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ và vừa; thành lập các trung tâm hồi sức để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Hiện nay có 85 bệnh viện trên toàn thành phố chuyển đổi công năng: bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố đang dần khống chế được dịch bệnh
|
“TP.HCM bước sang giai đoạn mới, chuẩn bị thích ứng một cách linh hoạt để sống chung với Covid-19. Số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng giảm dần và TP.HCM đang dần kiểm soát được dịch bệnh”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Do đó, trong những định hướng chung, khi TP.HCM đã kiểm soát được dịch Covid-19, sẽ giải phóng dần các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến… Nhưng sẽ giữ lại các trung tâm hồi sức quốc gia của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế… để tiếp tục hoạt động. Thành phố sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị. Đồng thời, một trong những điều quan trọng nhất là phải phục hồi lại các bệnh viện quận, huyện để có thể tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân không phải Covid-19. Đây là nhu cầu rất lớn của người dân thành phố.
“Trong kế hoạch phục hồi dần công năng các bệnh viện trở lại điều trị những bệnh không phải Covid-19 thì Bệnh viện Q.7 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi là 2 đơn vị tiên phong phục hồi công năng. Sở rất hoan nghênh Q.7 đã chuyển đổi trở lại thành “bệnh viện xanh” đầu tiên. Trong tháng 10 là Trung tâm y tế Cần Giờ”, TS.BS Vĩnh Châu cho biết thêm.
“Bệnh viện xanh” là gì?
Theo TS.BS Vĩnh Châu, “bệnh viện xanh” là bệnh viện không phải điều trị Covid-19, bệnh viện an toàn trong phòng chống Covid-19. Với bệnh viện an toàn thì phải phân luồng bệnh nhân, tránh để bệnh nhân Covid-19 lẫn lộn bệnh nhân Covid-19 làm lây lan. Tuy nhiên, dù là bệnh viện điều trị bệnh nhân không Covid-19 thì các bệnh viện phải luôn chuẩn bị 10 – 20 giường, có ô xy để sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đến cần cấp cứu, hồi sức và sau đó chuyển sang bệnh viện viện điều trị Covid-19.
|