Những mối lo đang làm ảnh hưởng tới tâm lý sinh viên trong mùa dịch được các chuyên gia bày cách tháo gỡ.
Đủ nỗi âu lo
Ông Trương Quốc Dũng, phụ trách Phòng không gian chia sẻ (Chăm sóc sức khỏe tinh thần sinh viên) của một trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết dịch Covid-19 trong 2 năm qua tác động mạnh mẽ tới sinh viên, làm ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, tinh thần.
“Qua quá trình hỗ trợ tư vấn những vấn đề về tâm lý cho sinh viên, chúng tôi nhận thấy các em đang gặp phải 3 trở ngại lớn. Thứ nhất là bị nỗi sợ làm ảnh hưởng. Thấy xung quanh mình có nhiều người mắc Covid-19 phải đi cách ly, rồi người mất vì dịch cũng nhiều khiến sinh viên ám ảnh và lo sợ người thân ở nhà cũng bị lây nhiễm. Đến mức có bạn nửa đêm thức dậy và tưởng tượng nếu ba mẹ nhiễm thì sao, không qua khỏi thì sao… Rồi mất ngủ nhiều đêm”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó là sinh viên về quê tránh dịch, ở nhà với ba mẹ một thời gian quá dài nên nảy sinh những mâu thuẫn và đi đến bế tắc khi không thể giải quyết. Ông Dũng kể: “Chúng tôi nhận được cuộc gọi của phụ huynh nói rằng con tôi bị làm sao mà không thấy trò chuyện hay nói cười như trước. Quả thực, mấy tháng trời các em chỉ quanh quẩn ở nhà, khi không có giờ học trực tuyến thì lại giam mình trong phòng, chìm đắm trên mạng xã hội, không tiếp xúc với ai, ít trò chuyện ngay cả với người thân. Sự mất kết nối giữa cha mẹ với sinh viên nhiều ngày khiến hai bên không thể hiểu nhau, dẫn đến mâu thuẫn và xung đột”.
Đối với sinh viên năm 3 và năm cuối, ông Dũng cho rằng các bạn còn rất lo lắng, bất an cho công việc, cho tương lai, sợ mình không đi làm được, phải sống dựa vào ba mẹ nếu như dịch Covid-19 kéo dài…
Thạc sĩ Nguyễn Võ Huệ Anh, giảng viên bộ môn kỹ năng mềm và tâm lý học, Trường ĐH Tài chính – Marketing, cũng nhìn nhận rất nhiều sinh viên chia sẻ rằng mình đang phải đối mặt với nỗi lo về việc học trực tuyến không hiệu quả; nỗi lo về tài chính khi cha mẹ thất nghiệp không thể chu cấp tiền học phí và các chi phí khác, nhất là sinh viên các hệ chất lượng cao và quốc tế; nỗi lo thất nghiệp hoặc đi xin việc phải cạnh tranh lớn do quá nhiều người mất việc đang có nhu cầu đi làm…
“Hơn nữa, các em hằng ngày chứng kiến, thậm chí đối mặt với dịch bệnh, với cái chết của những người ngay sát mình, nên nảy sinh nỗi sợ hãi dẫn đến đau đầu, mất ngủ, cảm xúc không ổn định… Tình trạng này kéo dài sẽ khiến một số em rơi vào trầm cảm hoặc khủng hoảng tâm lý”, thạc sĩ Huệ Anh chia sẻ.
Giữ kết nối và tạo năng lượng tích cực
Bà Nguyễn Thanh Tính, chuyên gia tư vấn tại Phòng không gian chia sẻ của một số trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận những tác động của dịch Covid-19 đến với sinh viên tuy không trực tiếp và quá nặng nề như một số đối tượng khác nhưng lại gây ra những ảnh hưởng về tâm lý lâu dài nếu như sinh viên không biết cách thoát ra sớm.
“Tôi vẫn khuyên các em hãy nhìn vào những ưu điểm, mặt tích cực của sự việc, không có cái gì đến mà tệ hoàn toàn cả. Chẳng hạn khoảng thời gian giãn cách này, các em tranh thủ làm những điều mình muốn, học những thứ mình thích mà trước đây do bận tới trường cả ngày chưa có dịp làm. Rồi nấu ăn, xem phim, chăm sóc ba mẹ, anh chị em, tập thể dục để tăng sức đề kháng thay vì ngồi một chỗ lo lắng, sợ hãi. Hãy suy nghĩ vì dịch bệnh mà các em có thêm kỹ năng học trực tuyến, kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh. Tất cả những điều trên sẽ giúp các em có nguồn năng lượng tích cực. Đừng chiều chuộng, buông thả mình bằng cách đắm chìm trên mạng xã hội và đọc những thông tin tiêu cực”.
Thạc sĩ Nguyễn Võ Huệ Anh ví tâm tư của bạn trẻ giống như một cái bình, nếu đựng đầy những nỗi sợ, hay những thông tin tiêu cực, thì sẽ không còn chỗ cho những điều tốt đẹp khác. “Hãy đổ bớt những tiêu cực ra và nạp vào những năng lượng tích cực để cân bằng, các em sẽ không rơi vào trầm cảm hay khủng hoảng nữa. Được sống bên người thân lúc này là rất quý, nên các em hãy chịu khó kết nối, chia sẻ, quan tâm tới cha mẹ, anh chị em, đồng thời đừng quên thường xuyên trò chuyện với bạn bè, với những người có năng lượng tích cực”, thạc sĩ Huệ Anh đưa ra lời khuyên.
Nắm bắt được các vấn đề tâm lý mà sinh viên gặp phải do dịch bệnh, Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng đã tổ chức 3 buổi tọa đàm trực tuyến về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên. Phòng không gian chia sẻ của các trường ĐH Công nghệ thông tin, Kinh tế – luật… hằng tuần vẫn có những buổi kết nối, tư vấn tâm lý trực tuyến cho sinh viên.