Chị Trương Thị Mỹ Nhung (24 tuổi) và chồng là anh Nguyễn Anh Tứ (24 tuổi) cùng là nhân viên của quán bún bò Đông Ba Gia Hội (Q.Phú Nhuận). Sau khi TP.HCM cho hàng quán được mở bán mang về qua app và shipper, hai vợ chồng vui mừng khăn gói đồ đạc đến quán để “3 tại chỗ”.
Ngày TP.HCM nới lỏng dịch vụ, hai vợ chồng chị được bán lại chính là ngày vui nhất của 2 vợ chồng suốt nhiều tháng ở nhà phòng dịch Covid-19 vừa qua. Với anh Tứ, chị Nhung được đi bán lại sẽ có thêm thu nhập nuôi con trai nhỏ vừa lên 4 tuổi.
Thời gian qua, khi TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách chống dịch Covid-19, hàng quán đóng cửa, vợ chồng chị Nhung cũng không có việc làm. Vậy là cả gia đình 3 người sống trong căn phòng trọ với nỗi lo cơm áo gạo tiền chực chờ. Có thời điểm, chị Nhung có ý định đưa con trai 4 tuổi về quê Thừa Thiên – Huế, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn còn “kẹt” lại TP.HCM
|
Nhờ sự hỗ trợ của chủ quán cùng với số tiền tích cóp được suốt 2 năm từ quê lên TP.HCM làm phục vụ quán, chị mới có đủ tiền để trang trải những tháng qua. Tuy nhiên, số tiền dành dụm cũng ngày càng cạn dần. Ngày được bán lại là ngày vui nhất thời gian qua của vợ chồng chị, khi hai người được đi làm để “có đồng ra đồng vô” lo cho con và trang trải các chi phí sinh hoạt. “Bây giờ được đi làm đã là một niềm vui lớn, tôi sẽ cố gắng để làm tốt công việc của mình, bán những tô bún bò ngon nhất cho khách”, chị bày tỏ
|
Vừa tất bật làm những phần ăn gửi cho shipper đem giao, chị vừa tâm sự mình nhớ những ngày quán ăn đông khách tới lui, lúc đó “dù có mệt nhưng mà vui vì được đón khách đến quán”. Chị mong Sài Gòn sớm hết bệnh để nhịp sống trở lại bình thường, để không phải bán hàng trong nỗi lo dịch bệnh
|
Bạn đọc có những khoảnh khắc, hay câu chuyện nào trong đại dịch xin chia sẻ về cùng Báo Thanh Niên trong phần bình luận dưới bài.