Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp tại xã Phúc Hòa được “hô biến” thành nhà xưởng, điểm kinh doanh dịch vụ có quy mô lớn, vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai, xây dựng. Đặc biệt, sai phạm ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài, nhưng không được chính quyền xử lý
Vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Từ phản ánh của người dân, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã thực tế ghi nhận những hình ảnh ngang nhiên vi phạm trên đất nông nghiệp, tại địa bàn xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.
Tại khu đất nông nghiệp rộng hàng trăm nghìn mét vuông tại Xứ đồng mồ làng, thôn 1, xã Phúc Hòa được nhiều hộ dân tổ chức sang nhượng, mua bán, xây dựng thành các khu nhà xưởng, nhà ở cố định… để kinh doanh nhà hàng hoặc trực tiếp sản xuất.
Nổi bật trong số đó có vi phạm được cho là của gia đình ông Khôi. Theo quan sát của Phóng viên, một khu đất rộng giữa cánh đồng được gia đình ông khôi quây kín tôn xung quanh, dựng nhà xưởng với quy mô lớn để tập kết và sửa chữa một số lượng lớn giàn giáo xây dựng đã qua sử dụng.
Đặc biệt, xưởng này thường xuyên có ô tô trọng tải lớn ra vào chở hàng, làm hư hại đường xá, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nông thôn.
Trong vai người đi mua đất làm xưởng, phóng viên được một người dân tự nhận là chủ đất trước đó của xưởng này cho biết: đây là đất nông nghiệp có quy hoạch. Giờ em tôi đang đứng tên.
Người dân này cũng cho biết mình có một mảnh đất cạnh đây, giờ bán giá gần 300 triệu/1 sào.
Khi PV thắc mắc nếu mua đất và làm xưởng thì có khó không?, người đàn ông này liền đáp: phải chạy. Chạy xã, huyện thì dễ lắm. Chủ yếu là Thành phố (TP. Hà Nội – PV), Thành phố thì mới chắc chắn.
Nếu đúng như người đàn ông trên chia sẻ, cùng với việc các vi phạm xây dựng đang ngang nhiên tồn tại trên đất nông nghiệp tại xã Phúc Hòa, dư luận hoài nghi có sự “tiếp tay”, “làm luật” để những vi phạm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được tồn tại?
Xã Phúc Hòa bất lực hay đang tạo điều kiện cho vi phạm tồn tại?
Để làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại Xứ đồng mồ làng, thôn 1, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa và bà Đỗ Thị Xuyến – địa chính xã ngày 6/10/2021.
Ông Thủy cho biết: Chỗ đó có 04 trường hợp vi phạm. Thứ nhất là nhà ông Khôi, nhà ông Dũng, nhà Nghĩa và nhà Tuấn. Nhà ông Khôi xây dựng nhà xưởng năm 2019. Còn 3 hộ kia xây dựng từ những năm 2007, trên nền của các lò gạch dừng hoạt động.
Khi phóng viên thắc mắc vi phạm đã lâu, nhưng tại sao UBND xã Phúc Hòa không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu?, thì ông Thủy phân trần: “Khi họ xây dựng xưởng, UBND xã cũng đã lập biên bản đầy đủ các quy trình… rồi cả việc giao thời giữa chủ tịch mới và chủ tịch cũ… Cuối năm 2019, đầu năm 2020 xin ý kiến các ngành của huyện về họp để thống nhất làm thủ tục để cưỡng chế. Thế nhưng huyện lại cho rằng phải làm thủ tục thế nọ, thế kia theo đúng quy trình”.
Tiếp tục trả lời về việc hiện tại, xã Phúc Hòa còn vướng gì mà chưa thực hiện kế hoạch cưỡng chế?, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa Nguyễn Đình Thủy cho rằng: “Theo hướng dẫn của huyện thì quy trình các phòng làm cũng cơ bản. Nhưng giờ có cái khó khăn là kinh phí. Kinh phí phải do xã bỏ ra để cưỡng chế”.
Theo câu trả lời của ông Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc đến khi nào Xã mới xây dựng xong kế hoạch để cưỡng chế vi phạm? Có hay không việc buông lỏng quản lý, để sau đó lại “rút ruột” tiền thuế của dân – ngân sách của nhà nước để giải quyết chính vi phạm từ sự buông lỏng đó?
Đặc biệt, khi PV đề nghị được tiếp cận các hồ sơ, văn bản về đất đai và xử lý vi phạm đối với 04 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thì bà Đỗ Thị Xuyến – địa chính xã tuyên bố: “Hồ sơ không cung cấp được”.
Còn ông Thủy cho rằng: “Hồ sơ phải xin ý kiến đồng chí Chủ tịch. Vì đồng chí Chủ tịch đang nghỉ do nhà có đám hiếu”.
Tôn trọng ý kiến của cán bộ UBND xã Phúc Hòa, Phóng viên để lại nội dung cần cung cấp, cùng địa chỉ gmail, số điện thoại để được nhận thông tin “sớm nhất” – như chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thủy. Nhưng từ đó đến nay, sự việc vẫn “bặt vô âm tín”.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ và các cơ quan chức năng nhanh chóng đôn đốc, kiểm tra xử lý, đồng thời làm rõ vai trò trách nhiệm của UBND xã Phúc Hòa trong công tác quản lý địa phương. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm đang ngang nhiên tồn tại như thách thức pháp luật tại Xứ đồng mồ làng, thôn 1, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ cương phép nước, không cho bất kì ai sử dụng ngân sách nhà nước trái quy định.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự vào cuộc của các cấp, ngành đối với những vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội !
Ngày 14/01/2014, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ, kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là các trường hợp cho thuê đất công, đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi ven sông để sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, các trường hợp tự chuyển mục đích sang xây dựng công trình nhà ở, sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (bao gồm cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng các cá nhân đã thành lập doanh nghiệp hiện đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp), đảm bảo tất cả các trường hợp vi phạm phải được lập hồ sơ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật và được công khai.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND Thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Nội dung Chỉ thị cũng yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra.
Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.