Những ngày vừa qua đã có hơn 143.000 lao động trở lại TP.HCM làm việc, tham gia phục hồi kinh tế.
Những ngày vừa qua đã có hơn 143.000 lao động trở lại TP.HCM làm việc, tham gia phục hồi kinh tế.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ ngày 16 – 18.10, dòng người từ các tỉnh miền Tây như: Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… đã chạy xe máy qua chốt kiểm soát trên QL1 (đoạn qua H.Bình Chánh, TP.HCM giáp ranh với Long An). Phần lớn người dân quay trở lại để làm việc, một số ít thì lên TP.HCM khám bệnh theo lịch hẹn.
Công nhân Công ty TNHH QST VN tại KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) tham gia sản xuất ngày 17.10 |
Chạy xe máy từ quê Kiên Giang trở lại TP.HCM làm việc, chị Hải (32 tuổi) cho biết trước đó chị làm việc tại khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (Q.7). Khi dịch bùng phát, công ty tạm đóng cửa, chị phải nghỉ việc rồi cùng em trai về quê tránh dịch, và chăm sóc con từ tháng 7.2021. Từ lúc về quê đến nay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do ở quê không có việc làm. Khi nhận thông báo công ty hoạt động trở lại, chị đã cùng em trai tức tốc lên đường quay trở lại TP.HCM.
Người lao động từ các tỉnh miền Tây qua chốt kiểm soát trên QL1 để trở lại TP.HCM làm việc ngày 17.10 |
Trong dòng người quay trở lại TP.HCM, có anh Nguyễn Minh Chương (30 tuổi, quê Vĩnh Long). Nhận thông báo của công ty cơ khí tại H.Hóc Môn mời lên làm việc sau 2 tháng về quê, anh Chương đã nhanh chóng chạy xe máy vượt quãng đường khoảng 134 km lên TP.HCM mưu sinh trở lại.
Cần thêm nhiều lao động dịp cuối năm
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, khi TP trở lại trạng thái bình thường mới, thống kê sơ bộ có khoảng 143.000 người lao động các tỉnh đã quay lại TP.HCM làm việc.
Ông Lâm nhìn nhận, những ngày gần đây có 2 xu hướng tích cực. Thứ nhất là người lao động từ TP.HCM trở về các địa phương giảm dần; và thứ hai là người lao động từ các tỉnh trở lại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An gia tăng.
Về luồng lao động trở lại, ông Lâm cho biết khi tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khôi phục thì phát sinh nhu cầu rất lớn về lao động. Nhóm thứ nhất là lao động chính thức, có hợp đồng lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khi nhà máy đóng cửa vì dịch bệnh thì họ về quê; đến nay nhà máy khôi phục sản xuất thì họ quay lại làm việc. Nhóm thứ hai là lao động tự do, lao động phi chính thức làm việc ở công trường, nhà hàng, quán ăn…, khi TP.HCM cho phép các lĩnh vực này hoạt động thì nhu cầu lao động cũng sẽ tăng.
“Thời gian dịch bệnh, phần lớn lao động về quê thăm gia đình, nghỉ xả hơi rồi quay trở lại TP.HCM làm việc, vì ở quê không có nhiều việc làm”, ông Lâm nhận định về xu hướng dịch chuyển lao động trong thời gian tới.
Ngày 18.10, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, lao động phổ thông, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng, giao nhận… Dự báo, từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao so với hiện nay, do doanh nghiệp mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm.
Liên quan đến vấn đề lao động trở lại TP.HCM làm việc, trả lời Thanh Niên, đại diện Công đoàn Dệt may VN khu vực phía nam cho biết tại TP.HCM, theo thống kê có khoảng 45.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành dệt may, trong đó lao động quê ở các tỉnh miền Tây chiếm tỷ lệ đông đảo. Từ đầu tháng 10 đến nay, bình quân lượng lao động trở lại làm việc tại các công ty khoảng 75%, đặc biệt một số công ty có số lao động quay trở lại làm việc lên đến 80 – 90%.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Q.Bình Tân cho biết: “Để phục hồi sản xuất, chúng tôi đang thiếu khoảng 100 công nhân. Công ty đã đăng nhiều thông tin tuyển dụng, nhờ kết nối giới thiệu nguồn lao động, nhưng đến nay việc tuyển dụng rất khó khăn. Hai tuần qua, chỉ tuyển được khoảng 10 người”.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các KCX – khu công nghiệp (KCN) TP.HCM, cho biết hiện nay tại các KCX – KCN đã hoạt động trở lại khoảng 60 – 70% công suất, chỉ có một số khu vực như KCX Linh Trung 1, 2 (giáp ranh các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) chỉ mới hoạt động khoảng 40 – 50% công suất.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân các doanh nghiệp hiện nay chưa hoạt động hết công suất là do thiếu hụt nguồn lao động khi người dân về quê chưa trở lại kịp và còn gặp trở ngại về lưu thông, nhất là tại các tỉnh giáp ranh. Về vấn đề này, Ban Quản lý các KCX – KCN TP.HCM (HEPZA) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM để trao đổi với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh nhằm có cơ chế thuận lợi hỗ trợ cho công nhân quay lại làm việc.
Hỗ trợ trước mắt và lâu dài
Một vấn đề mà người lao động quan tâm khi trở lại TP.HCM, đó là sẽ được nhận được hỗ trợ, ưu đãi gì, nhiều người băn khoăn có nhận được hỗ trợ 1 triệu đồng/người hay không. Lãnh đạo một số quận, huyện cho biết gói hỗ trợ 1 triệu đồng/người chỉ dành cho những người đang lưu trú tại TP.HCM vào thời điểm lập danh sách (cuối tháng 9.2021) nên người lao động mới trở lại sẽ không thuộc diện được nhận.
Bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết trước mắt quận đã đề nghị Ủy ban MTTQ VN quận lo về vấn đề an sinh cho người lao động khi trở lại. Về tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nếu người dân ở quê chưa tiêm thì quận sẽ tổ chức tiêm, đồng thời tiêm mũi 2 khi đến hạn. Ngoài ra, quận cũng tiếp tục vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà đối với người lao động theo khả năng, dù sắp tới việc miễn giảm sẽ khó khăn hơn do các nhà trọ đã hỗ trợ 4 – 5 tháng qua và muốn thu đủ khi người thuê trọ có việc làm, thu nhập.
Liên quan vấn đề nhà ở cho người lao động về lâu dài, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết TP quan tâm đến 2 lĩnh vực để có giải pháp thúc đẩy. Thứ nhất là nhà trọ phải đảm bảo quy chuẩn, an toàn cả về dịch bệnh và phòng chống cháy nổ. Thứ hai là nhà ở xã hội, TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phù hợp mức sống của người công nhân, người lao động, công chức có nhu cầu.
Hiện TP.HCM cũng đã giao các sở ngành tham mưu, báo cáo về kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư để giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài. Trong đó, về nhà lưu trú cho công nhân, UBND TP.Thủ Đức cũng đã rà soát và dự kiến quy hoạch xây dựng tại 3 vị trí trong Khu công nghệ cao TP.HCM, với quy mô diện tích hơn 100 ha, đáp ứng nhu cầu lưu trú hơn 81.000 người.
Khi cần trợ giúp, gọi ai?
Người lao động có thể lên trang web của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (vieclamhcm.net) để lựa chọn công việc phù hợp, cập nhật thông tin tuyển dụng mới nhất. Cạnh đó, có thể liên hệ qua các số điện thoại của trung tâm: 028 35147484 – 028 35106121, hoặc hotline: 0339163968. Trung tâm an sinh TP.HCM cũng có gói hỗ trợ an sinh bằng nhu yếu phẩm cho người khó khăn, không phân biệt điều kiện cư trú; hotline: 028 38272361 – 028 38293771.
Phạm Thu Ngân
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.