Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 18.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 18.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.
Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 18.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Cả nước ghi nhận 3.168 ca Covid-19 mới, 1.136 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 18.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 17.10 đến 17 giờ ngày 18.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.168 ca nhiễm mới, 1.136 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 75 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.269 ca.
Thông tin về 3.168 ca nhiễm mới được công bố vào tối 18.10 như sau:
- 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 3.159 ca ghi nhận trong nước (giảm 16 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 1.261 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (968), Bình Dương (439), Đồng Nai (393), Sóc Trăng (174), An Giang (109), Kiên Giang (99), Tiền Giang (94), Cà Mau (77), Long An (68), Đồng Tháp (61), Phú Thọ (58), Bạc Liêu (48), Đắk Lắk (46), Quảng Nam (45), Thanh Hóa (42), Gia Lai (40), Trà Vinh (33), Khánh Hòa (31), Hậu Giang (28), Bình Thuận (28), Cần Thơ (27), Nghệ An (25), Nam Định (22), Kon Tum (20), Hà Nam (20), Quảng Ngãi (19), Tây Ninh (18), Bình Định (15), Quảng Bình (15), Vĩnh Long (14), Thừa Thiên-Huế (12), Bến Tre (9), Bình Phước (9), Bà Rịa – Vũng Tàu (8 ), Quảng Trị (8 ), Phú Yên (6), Ninh Thuận (6), Tuyên Quang (6), Hà Nội (6), Đắk Nông (4), Bắc Ninh (4), Thái Bình (3), Ninh Bình (1), Hà Giang (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-138), Đồng Nai (-124), Bình Dương (-98).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+110), Phú Thọ (+50), Tiền Giang (+48).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.260 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 867.221 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.807 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 862.531 ca, trong đó có 790.163 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình
.+ Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (418.692), Bình Dương (225.853), Đồng Nai (59.015), Long An (33.806), Tiền Giang (15.105).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
– Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.136
– Tổng số ca được điều trị khỏi: 792.980
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.543 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.358
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 509
- Thở máy không xâm lấn: 121
- Thở máy xâm lấn: 534
- ECMO: 21
Trong ngày, cả nước ghi nhận 75 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (51), Bình Dương (14), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1), Đà Nẵng (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), An Giang (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 86 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.269 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
– So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 107.224 xét nghiệm cho 202.147 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.938.514 mẫu cho 57.727.568 lượt người.
Trong ngày 17.10 có 1.312.650 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 63.434.180 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 45.281.937 liều, tiêm mũi 2 là 18.152.243 liều.
Kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng ra sao trong đại dịch Covid-19?
Trong gần 5 tháng căng mình chống dịch Covid-19, TP.HCM nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội với mức độ tăng dần, hàng loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh không thiết yếu đã phải tạm dừng để phòng dịch, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân và kinh tế TP.HCM.
Theo thông tin từ kỳ họp thứ 3 của HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sau gần 5 tháng phòng chống dịch, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh; giá trị tổng sản phẩm (GRDP) ước giảm 4,98% và dự báo cả năm giảm 5,06% (trong khi mục tiêu là tăng 6%). Tổng số vốn đầu tư công giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch.
Qua rà soát 20 chỉ tiêu chủ yếu (với 29 chỉ tiêu thành phần) năm 2021 theo Nghị quyết 89/2020 của HĐND TP.HCM thì dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu (đạt 37,93%), không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (tức 44,83%), 5 chỉ tiêu còn chưa tính toán được trong thời điểm này.
Thông tin từ HĐND TP.HCM, việc thu ngân sách nhà nước không giảm sâu, nhưng việc hoàn thành kế hoạch năm 2021 sẽ khó khăn.
Hiện nay, TP.HCM đang bước vào giai đoạn vô cùng đặc biệt, vừa bắt đầu giai đoạn bình thường mới, vừa thực hiện đồng thời công tác phòng chống dịch và từng bước phục hồi kinh tế.
Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp của HĐND thành phố khai mạc vào sáng 18.10 , TP.HCM sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2021, làm rõ nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế được nêu trong báo cáo và đề xuất những giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố năm 2021.
Theo thông tin từ hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9 mở rộng vào sáng 14.10, lãnh đạo TP.HCM cho biết trong 3 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phục hồi kinh tế; trong đó rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp vật liệu xây dựng… kịp thời giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Hằng tuần, Tổ Công tác đầu tư và Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn để kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Những ai cần xét nghiệm Covid-19 khi đi lại giữa các địa phương?
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT (ngày 12.10.2021) về thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, có 5 điểm cần lưu ý khi thực hiện xét nghiệm, gồm:
Không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân, trừ trường hợp:
Đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch).
Nếu đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3: chỉ xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ.
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi:
Có yêu cầu điều tra dịch tễ; người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch).
Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ, gồm:
Các trường hợp có một trong các triệu chứng như: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác…
Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ: khi cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người (cơ sở khám, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…); với các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… (lái xe, xe ôm, shipper…)
Cơ sở sản xuất kinh doanh, kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở: tự xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao.
Xét nghiệm để xử lý ổ dịch:
Địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch.
Xét nghiệm theo phương pháp gộp mẫu trong trường hợp tầm soát, sàng lọc, định kỳ
Yêu cầu về xét nghiệm tại hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã tiêm vắc xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh.
Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn
Ngay sau hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày 16.10, Bộ GTVT có hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có nghi ngờ; hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở cấp 3 và khách đến từ vùng có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) |
Theo đó, hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) đáp ứng các yêu cầu sau: tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền.
Chỉ yêu cầu xét nghiệm khi có nghi ngờ; hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng có dịch ở cấp 3 và khách đến từ vùng có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch). Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Xét nghiệm hành khách trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc xét nghiệm Covid-19 có giá trị trong vòng 72 giờ.
Với vận tải hàng không, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 1776/QĐ-BGTVT ngày 8.10. 2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và Quyết định 1786/QĐ-BGTVT ngày 12.10.2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Với vận tải đường sắt: tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 1782/QĐ-BGTVT ngày 11.10.2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 đối với các đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới.
Chưa thí điểm ăn uống tại chỗ, hầm Thủ Thiêm đông nghịt khách ngồi lại dịp cuối tuần
20 giờ tối 17.10.2021, khu vực công viên Hầm Thủ Thiêm đông nghịt khách. Nhân viên các xe hàng rong chuẩn bị sẵn bạt trải xuống nền, đón hàng chục nhóm khách ngồi ăn tại chỗ.
Mặc dù TP.HCM chưa chính thức thí điểm ăn uống tại chỗ nhưng rất đông người đã ngồi lại ăn uống tại khu vực này từ nhiều ngày qua.
Các xe cá viên chiên vô cùng đắt khách. Trên các tủ hàng đều còn ít đồ ăn mặc dù vẫn còn sớm. Người bán hàng chiên các loại cá, tôm viên đông lạnh, xúc xích, phô mai que… không kịp.
Khách ngồi lại kín khu vực công viên hầm Thủ Thiêm tối 17.10 |
Hầu hết các khu vực ăn uống tại chỗ đều của các xe hàng bán thức ăn nhanh, nước uống. Nhân viên thay vì dọn bàn ghế nhựa như ngày thường sẽ chuẩn bị các miếng phông bạt trải xuống nền gạch, có thể phục vụ theo nhóm từ 4 đến vài chục người. Khi uống nước hay mua thực phẩm ở đây sẽ được ngồi bạt miễn phí.
Hàng quán kê bàn cho khách ngồi lại |
Sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết bên lề một cuộc họp mới đây rằng thành phố sẽ thí điểm tổ chức kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, có thể ở Q.7 hoặc địa bàn an toàn, nhiều hàng quán trên nhiều địa bàn ở TP đã “cầm đèn chạy trước”.
Không chỉ tại khu vực công viên nóc Hầm Thủ Thiêm, phóng viên Báo Thanh Niên cũng ghi nhận tình trạng chung ở một số khu vực như phố ẩm thực ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), một số quán ốc cũng kê bàn ghế cho khách ngồi lại ăn.
Đề nghị truy tố bị can Hồ Hữu Nhân, người tự xưng ‘Ban chỉ đạo quận 7’
Ngày 18.10, Công an Q.7 (TP.HCM) hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Hồ Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ Q.7) về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Theo KLĐT, khoảng 16 giờ ngày 29.8, ông Nhân cùng vợ đến siêu thị Aeon Citimart tại P.Tân Phong, Q.7 để mua sữa cho con và một số hàng hóa. Lúc này, TP.HCM đang thực hiện siết chặt giãn cách với quy định “ai ở đâu yên đó”, người dân không có việc thiết yếu không được ra đường. Chính quyền cung cấp thực phẩm cho hộ dân qua hình thức “đi chợ hộ”, hệ thống siêu thị không được bán hàng cho người dân.
Khi nhân viên siêu thị từ chối bán hàng trực tiếp, chỉ được đặt hàng online, ông Nhân lớn tiếng nạt nộ. Bảo vệ siêu thị không cho vào trong, ông này đưa thẻ công vụ nhận là Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quận 7, quát “tui cho công an xuống gặp ông đó, tui mua đồ cho Ban chỉ đạo quận 7”.
Tiếp đó, ông Nhân xông vào trong đòi gặp “quản lý toà nhà”, kéo khẩu trang cự cãi với nhân viên bảo vệ. Vợ ông này nhiều lần can ngăn, kéo chồng ra xe về nhà. Toàn bộ sự việc được bảo vệ siêu thị ghi hình sau đó được phát tán lên mạng xã hội.
Bị can Hồ Hữu Nhân |
CQĐT xác định ông Hồ Hữu Nhân không phải thành viên Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Q.7 và cũng không phải thành viên ban chỉ đạo của bất kỳ tổ chức nào. Chiếc thẻ ông này đưa ra thời điểm đó được người bạn cho.
Qua xác minh tại UBND Q.7, ông Nhân không phải là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo KLĐT, tại bản kết luận giám định của Phòng KTHS Công an TP.HCM xác định mẫu thẻ công vụ “Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 Q.7” mà bị can Nhân đã sử dụng trước đó để tự xưng là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Q.7 là thật.
“Do thẻ công vụ này chỉ có hiệu lực từ ngày 8.7.2021 đến ngày 27.7.2021 nên khi bị can Nhân sử dụng thẻ công vụ vào ngày 29.8.2021 thì thẻ này đã không còn hiệu lực. Do thẻ công vụ không còn giá trị sử dụng (hết hiệu lực) nên đề nghị tịch thu tiêu hủy”, kết quả giám định nêu.
CQĐT xác định, hành vi của bị can Hồ Hữu Nhân là ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Vé số bán tại chỗ trở lại ở Bình Dương
Ngày 18.10, UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn đi lại, đánh giá vùng nguy cơ, nhưng các chốt kiểm soát không kiểm tra giấy xét nghiệm đối với người đã tiêm vắc xin và một số nơi đã bán vé số tại chỗ.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại chốt kiểm soát trên quốc lộ 13 giáp ranh TP.HCM và Bình Dương lực lượng chức năng tại đây chỉ kiểm tra giấy tiêm vắc xin hoặc thẻ điện tử đối với người đi đường, không yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính.
Một chiến sĩ trực chốt cho biết chỉ những trường hợp không có giấy tiêm vắc xin hoặc tiêm 1 mũi vắc xin nhưng chưa đủ 14 ngày mới yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính để được lưu thông.
Một số đại lý vé số, người bán vé số ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã tiến hành bán vé số tại chỗ mặc dù vé số có thời gian xổ vào ngày 22.10.
Trước đó, Sở Y tế Bình Dương cũng có văn bản điều chỉnh văn bản đã ban hành trước đó về việc cách ly y tế đối với những người nước ngoài nhập cảnh, người từ các tỉnh thành khác đến và người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1).
Cụ thể Sở Y tế Bình Dương đã huỷ nội dung bắt buộc cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 ở các tỉnh thành khác đến Bình Dương.
Trong một diễn biến khác, đến ngày 18.10, các tuyến xe bus, xe khách, taxi ở Bình Dương vẫn chưa có xe nào lăn bánh. Trong đổi với PV, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cho biết hiện đơn vị này vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của PV, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết đến đầu giờ chiều 18.10 vẫn chưa thể ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ do phải lấy và tổng hợp ý kiến của nhiều ngành, đồng thời đánh giá kỹ nguy cơ dịch bệnh của từng vùng trong tỉnh.
Đưa hũ cốt chồng mất vì Covid-19 về quê trên chuyến xe miễn phí của ông Đoàn Ngọc Hải
Từ sáng sớm 18.10.2021, bà Trần Thị Phấn đã gói ghém đồ đạc rồi mang theo bộ hũ cốt của chồng để chuẩn bị lên đường về quê.
Chồng của bà vào Sài Gòn chữa ung thư thanh quản. Trong lúc ở trọ chờ vào thuốc, chồng bà không may nhiễm Covid-19 rồi qua đời.
Mười mấy năm vào Sài Gòn buôn bán hàng rong cũng chỉ đủ tiền trọ và lo thuốc thang cho chồng. Đến khi chồng mất, bà muốn đưa hủ cốt quê để thờ cúng nhưng đành bất lực vì hết tiền và không tìm được chuyến xe khách nào. Sau đó, bà biết được số điện thoại của ông Đoàn Ngọc Hải nên đã thử liên hệ nhờ giúp đỡ.
“Lần đầu nhắn cái tin ‘Anh Hải ơi, anh giúp đưa tro cốt chồng em về quê được không?’ Ông nói là ‘Chưa được, đường còn ngăn cách lắm, chưa được’. Bữa sau tôi cùng làm tới nhắn tin anh phá lệ giúp dùm em một chuyến, chứ em không còn cách nào nữa hết. Sau 12 giờ trưa ổng nhắn tin bảo tôi tới P.28 làm thủ tục ổng đưa dùm đi” bà Phấn kể lại.
Trước thời điểm xuất phát đưa bà Phấn về quê 3 ngày, ông Đoàn Ngọc Hải cũng đã đăng trên trang zalo việc sẽ nhận chở miễn phí người và tro cốt người thân họ về quê miền Trung và miền Bắc. Đồng thời sẽ trích 5 triệu từ quỹ vì đồng bào để hỗ trợ. Những người có nhu cầu có thể liên hệ cho trưởng công an P.28, Q.Bình Thạnh để đăng ký.
Sau khi đưa bà Phấn về nhà ở Quảng Ngãi, ông Đoàn Ngọc Hải sẽ tiếp tục di chuyển ra vùng cao Tây Bắc để chở sữa và đồ dùng thiết yếu cho trẻ em ở đây.
Được biết, đây cũng là chuyến hành trình ra miền Trung và miền Bắc đầu tiên bằng chiếc xe cứu thương mới trị giá 2,7 tỷ đồng do vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương gửi tặng trước đó.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 18.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.