Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đã đạt khoảng 90% khối lượng nhưng ngừng thi công gần một năm qua.
Dù hồi tháng 4 năm nay, Chính phủ đã ra Nghị quyết gỡ vướng để TPHCM tiếp tục triển khai dự án nhưng đến nay, các công việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Người dân mong dự án sớm hoàn thành để thoát cảnh ngập nước
Hơn 10 năm sống và kinh doanh quán ăn trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7), bà Nguyễn Thị Lành (60 tuổi) gần như thuộc lòng những ngày triều cường gây ngập. Bà Lành cho biết, năm 2020, bà nhớ như in 12 lần nước dâng lên cao vào đúng giờ cao điểm khiến cuộc sống gia đình vô cùng khốn khổ.
“Năm nay cũng chẳng khá hơn, triều cường đã 4 lần gây ngập đường Trần Xuân Soạn. Giờ tôi không ao ước gì ngoài việc dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng hoàn thành để bản thân tôi và nhiều hộ gia đình khác còn tính toán mở rộng làm ăn, kinh doanh” – bà Lành nói.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Bình (45 tuổi) đường Mễ Cốc (quận 8) – nơi gần công trình thi công cống Phú Định (thuộc dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng), phản ánh trong năm 2020, sự cố vỡ bờ bao xảy ra 3 lần khiến nhiều tài sản trong nhà anh bị hư hỏng.
“Tháng 12.2020, đợt triều cường xảy ra khiến nước từ dưới cống trào lên. Mùi hôi thối nồng nặc từ bên ngoài kênh đổ vào nhà phải dọn mất một tuần mới sạch” – anh Bình nói và mong thành phố sớm tháo gỡ các vướng mắc để dự án tiếp tục thi công sớm hoàn thành.
Theo đại diện Trung Nam Group (chủ đầu tư), dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng đã đạt khoảng 90% khối lượng. Cụ thể, cống kiểm soát triều Bến Nghé (quận 1) đạt 92%, cống Tân Thuận (quận 7) đạt 93%, cống Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đạt 95%, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đạt 90%, cống kiểm soát triều Cây Khô (huyện Nhà Bè) đạt 90% và cống Phú Định (quận 8), đạt 92%.
Tại 6 cống kiểm soát triều nói trên đã hoàn tất việc lắp đặt cửa van, hệ thống xi lanh thủy lực, âu thuyền, buồng bơm. Riêng hạng mục kè mang cống, thảm đá lòng sông và khu nhà quản lý đang tạm dừng thi công.
Dự án phải tạm ngưng thi công từ giữa tháng 11.2020, do UBND TPHCM chưa ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) gia hạn thời gian thực hiện dự án (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6.2020).
Dự án kéo dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
Đầu tháng 4 năm nay, Thủ tướng ký Nghị quyết 40 về việc gỡ vướng, để TPHCM tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND TPHCM được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý.
Về vốn đầu tư, UBND TPHCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng BIDV về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu TPHCM chịu trách nhiệm khắc phục tối đa tồn tại pháp lý đang vướng mắc; hiệu quả chống ngập của dự án; không để tiêu cực, thất thoát…
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Trung Nam Group cho biết, mặc dù Chính phủ đã ra Nghị quyết gỡ nhiều vấn đề cho dự án này, nhưng sau gần 6 tháng qua dự án vẫn chưa có gì tiến triển. Chủ đầu tư cho biết vẫn đang chờ UBND TPHCM hoàn tất các thủ tục ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành để tiếp tục thi công dự án. Khi phụ lục hợp đồng không được ký thì ngân hàng không thể giải ngân số tiền 1.800 tỉ đồng còn lại, dẫn đến dự án bị đình trệ.
GS Lê Huy Bá – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý môi trường – cho biết, TPHCM là đô thị chịu tác động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng được kỳ vọng rất lớn nhưng thi công hơn 5 năm qua vẫn chưa hoàn thành, đưa vào vận hành thì quá trễ. Ông Bá cho rằng nếu dự án được giải ngân tốt thì ngày về đích càng gần. Còn nếu cứ để dự án kéo dài sẽ càng kéo theo nhiều hệ lụy, có thể bị đội vốn.
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đang xác định các khu đất để hoán đổi và đáp ứng những yêu cầu theo phụ lục hợp đồng BT. “Trong những ngày tới, các sở, ngành, trong đó có Sở Tài chính, sẽ đề xuất các giải pháp để đưa đến thống nhất giải quyết khó khăn hiện tại” – đại diện Sở Xây dựng thông tin.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM mới đây, ông Lê Hòa Bình – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc ở dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỉ đồng được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10m.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.