Không khí các buổi tập rất hào hứng, ai cũng sẵn sàng quay trở lại với ánh đèn sân khấu cũng như phục vụ đờn ca tài tử cho người dân, du khách đến tham quan Chợ nổi, cầu đi bộ.
Sau hơn 3 tháng dừng các chương trình biểu diễn, ngay khi thành phố Cần Thơ nới lỏng giãn cách, các nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô đã khẩn trương quay trở lại tập luyện tiết mục cũ, dàn dựng các chương trình, tiết mục mới. Không khí các buổi tập rất hào hứng, ai cũng sẵn sàng quay trở lại với ánh đèn sân khấu cũng như phục vụ đờn ca tài tử cho người dân, du khách đến tham quan Chợ nổi, cầu đi bộ.
Những bài đờn ca tài tử vang lên tại phòng tập của Nhà hát Tây Đô, ở huyện Phong Điền sau hơn 3 tháng Cần Thơ giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, như báo hiệu thành phố dần quay trở lại trạng thái bình thường mới. Phòng tập chỉ gần 10 người gồm nghệ sĩ, nhạc công, nhưng diễn ra nghiêm túc, chỉnh chu. Nghệ sĩ Nguyễn Phương Anh (nghệ danh Phương Anh) chia sẻ: Ngay khi có thông báo triệu tập của Ban giám đốc, anh em nghệ sĩ đã nhanh chóng tập hợp về Nhà hát. Mấy tháng qua, nghệ sĩ tạm dừng hết hoạt động. Người thì về quê cùng gia đình, người ở lại nhà tập thể, tự mỗi người tập dợt riêng, trong lòng ít nhiều cũng buồn, nhớ nghề.
“Các đợt dịch trước có nghỉ nhưng hạn chế 10 người, vẫn còn được đi hát. Đến đợt dịch lần thứ 4 này, quá trời khủng khiếp nên buộc phải nghỉ, anh em cũng hụt hẫng kinh khủng, mất đi một nguồn thu, không có đi hát được, không có tiền trang trải cuộc sống. Khi mà hoạt động trở lại thì tôi rất là hăng say, cảm thấy rất là phấn khích và anh em nghệ sĩ cũng tuân thủ theo chỉ đạo của lãnh đạo, cho đến đâu mình làm đến đó.”, nghệ sĩ Nguyễn Phương Anh nói.
Cùng tâm trạng hồ hởi như nghệ sĩ Phương Anh, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Kim Ngân (nghệ danh Kim Ngân) cho biết, bản thân rất vui mừng, phấn khởi khi thành phố cho phép quay trở lại tập luyện, hoạt động trực tiếp. Thời gian qua, mặc dù phải ở nhà, nhưng anh em nghệ sĩ vẫn duy trì tập luyện, học thuộc lại lời bài ca cổ, trích đoạn cải lương nên khi quay lại, hầu hết mọi người đều có phong độ tốt. Khi chưa có lịch phục vụ người mộ điệu, nghệ sĩ nhà hát vẫn tích cực tập lại các trích đoạn kinh điển, xây dựng thêm tiết mục mới với nội dung phong phú, hấp dẫn, sát thực tế.
“Trong thời gian nghỉ dịch thì tôi cũng tham gia một số tác phẩm của những tác giả ở Cần Thơ viết về tuyên truyền phòng chống dịch. Khi thu âm thì tôi rất là vui, tại vì mình góp được phần nhỏ nào đó để tuyên truyền mọi người chống dịch tốt hơn. Tôi mong dịch không bùng phát nữa, để chúng tôi hoạt động lại như bình thường và càng ngày càng phát triển hơn.”, Kim Ngân chia sẻ thêm.
Có thể thấy, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Tây Đô đã chủ động đặt hàng các soạn giả viết lời cổ động, cũng như tìm kiếm các tác phẩm phù hợp để dàn dựng cho nghệ sĩ biểu diễn online. Các nghệ sĩ tự luyện tập, tiến hành thu âm bằng thiết bị tại nhà của từng người, tránh tiếp xúc quá hai người. Sự duy trì của những tác phẩm đờn ca tài tử, ca cổ tuyên truyền phòng chống dịch online vừa kịp thời giữ ngọn lửa say nghề của nghệ sĩ, vừa tạo niềm tin để khán thính giả dần trở lại thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật.
Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô: “Nhà hát có 15 nghệ sĩ, mỗi buổi tập luyện, chỉ tập trung một nửa “quân số”, những nghệ sĩ có tiết mục mới gặp nhau, thực hiện nghiêm túc quy định 5K. Nhà hát hiện đang tập trung “dợt” cho chương trình đờn ca tài tử ở Chợ nổi Cái Răng, ngay khi khảo sát lượng du khách đến với chợ nổi, Ban giám đốc sẽ xin chủ trương hoạt động phục vụ trở lại từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ.
Ngoài ra, nghệ sĩ cũng chuẩn bị thêm các chương trình như là Dạ cổ Cầm Thi, chương trình này sẽ chuyển sang hình thức phát online, tháng 11 này dự định chúng tôi làm một chương trình, thời lượng khoảng 30 phút phát trên kênh youtube của Nhà hát Tây Đô; đồng thời, cũng chuẩn bị tập dợt cho các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân. Tuy là công việc hơi nhiều nhưng giờ được hoạt động lại thì tinh thần anh em rất là phấn chấn, rất là vui mừng.”
Hoạt động văn hóa nghệ thuật còn hạn chế nhiều do dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát hết, nhưng với lòng yêu nghề, nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô vẫn luyện tập hăng say, từ 20 bài tổ đờn ca tài tử đến những trích đoạn kinh điển như “Tô Ánh Nguyệt”, “Kẻ sĩ Thăng Long”… Các nghệ sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng khi sân khấu lại sáng đèn, mang lời ca, tiếng đờn đến với người dân thành phố và du khách; tiếp tục góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc./.
Nguồn: vov.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.