Theo các nhà quản lý, với những trường mầm non đáp ứng được cáctiêu chí an toàn trường học của TP.HCM thay vì tách lớp, học một buổi nên cho trẻ lớp lá đi học để đánh giá tình hình trước khi triển khai đồng bộ.
Theo các nhà quản lý, với những trường mầm non đáp ứng được các tiêu chí an toàn trường học của TP.HCM thay vì tách lớp, học một buổi nên cho trẻ lớp lá đi học để đánh giá tình hình trước khi triển khai đồng bộ.
Nhiều quy định khó thực hiện với trẻ mầm non
Theo tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục của Sở GD-ĐT TP.HCM thì thời gian tới trẻ mầm non có thể trở lại trường học nhưng chỉ học một buổi, không tổ chức ăn sáng, phải tách lớp và chia ca… Nhiều nhà quản lý, phụ huynh cho rằng điều này sẽ khó thực hiện với trẻ mầm non.
Có hai con đều học Trường mầm non 5 (Q.Bình Thạnh), chị Nguyễn Thị Thu Hà (ngụ P.5, Q.Bình Thạnh) cho biết bản thân rất mong muốn con sớm được trở lại trường để có thể yên tâm đi làm. Dù vậy, theo chị Thu Hà, nếu con đã không ăn sáng tại trường, lại chỉ học một buổi thì không hợp lý, khó cho phụ huynh.
Trẻ mầm non quay trở lại trường trong năm học trước, sau 2 tháng nghỉ phòng dịch |
“Hiện mình phải thuê người trông con, chi phí thuê người gần bằng chi phí khi hai bé đi học. Tất nhiên việc con đến trường, được tham gia các hoạt động với giáo viên, bạn bè sẽ tốt hơn nhưng nếu chỉ đi học nửa buổi rồi đón về thì rất vất vả. Chưa kể buổi trưa nắng nôi, việc đưa đón trẻ rất bất tiện. Mình sẽ ráng chờ khi nào trẻ được học bán trú cả ngày mới cho con đến trường”, chị Thu Hà nói.
Tương tự, cô Lê Ái Sơn Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Mặt Trời Nhỏ (Q.Bình Tân) cho biết việc mở cửa trường mầm non trong thời điểm hiện tại cần phải cân nhắc, tính toán hợp lý hơn.
Cô Sơn Hà cho biết năm học trước, khi trẻ trở lại trường sau 2 tháng nghỉ học phòng dịch, TP.HCM cũng yêu cầu tách lớp, chia ca. “Lúc đó trường có tới 6 lớp lá với 220 bé, chúng tôi phải tách đôi thành 12 lớp lá, vất vả vô cùng. Trong khi đó, nhu cầu của phụ huynh là gửi trẻ để đi làm, nếu bây giờ mở trường với quy định học một buổi, không ăn sáng, giữa trưa nắng nóng phải đi đón con… là không khả thi. Chưa kể, sắp tới là thời gian nghỉ tết, nghỉ lễ liên tục, trẻ khó lòng đi học lại ổn định trong khi Q.Bình Tân vẫn là vùng cam nên nhiều trường chưa chắc mở cửa”, cô Sơn Hà chia sẻ.
Cũng theo nữ hiệu trưởng trên, mở cửa thời điểm này, trường nào cao thì được 50 – 60% trẻ, những trường nhỏ lẻ có khi chỉ được 30 – 40%. Do vậy yêu cầu tách lớp, chia ca là không thực tế và không cần thiết. Các nhà quản lý nếu mở cửa trường học nên có hướng tháo gỡ vấn đề này.
Nếu mở cửa trường mầm non thì các trường có thể hoạt động dựa trên quy định của bộ tiêu chí an toàn trường học mà TP.HCM đã ban hành |
Nên bán trú cả ngày với những trường đáp ứng điều kiện
Theo cô Sơn Hà nếu mở cửa trường mầm non thì các trường có thể hoạt động dựa trên quy định của bộ tiêu chí an toàn trường học mà TP.HCM đã ban hành, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy tắc phòng bệnh như đón, trả trẻ tại cửa trường, kiểm tra thân nhiệt trẻ, hướng dẫn các em giữ vệ sinh… nhiều lần trong ngày.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Minh Uyên, sáng lập và quản lý Hệ thống Trường mầm non Việt Đức (TP.HCM), cũng cho rằng thời gian đầu, để giáo viên và các trường có thời gian thích ứng, tổ chức công tác kiểm tra y tế vào đầu buổi thì có thể không tổ chức ăn sáng và nên để trẻ học bán trú cả ngày với những trường đáp ứng được các điều kiện cần thiết.
TP.HCM tăng hơn 5.000 trẻ mầm non so với năm trước
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2021 – 2022 TP.HCM có 339.298 trẻ, tăng hơn 5.000 trẻ so với năm trước.
Trước đó, theo tờ trình về dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp của sở này thì trẻ mầm non có thể quay trở lại trường trong thời gian tới. Nhưng phải thực hiện các quy định như không ăn sáng tại trường, không tổ chức bán trú, tách lớp, chia ca… Sau mỗi tuần, phòng GD-ĐT sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND quận, huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp…).
Về phía giáo viên, người nào đã tiêm đủ liều vắc xin từ hai tuần trở lên mới được phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc.
“Nếu bây giờ mở cửa trường học mà chỉ cho học nửa buổi thì không nhiều phụ huynh cho con đi học, mà phụ huynh không cho con đi học thì trường vẫn phải đóng cửa. Rồi sau đó lại cho học cả ngày, thì tại sao ngay từ đầu chúng ta không nên cho giữ trẻ nguyên ngày. Chưa kể, nếu cho trẻ đi học lại vào thời điểm này thì các trường cao lắm chỉ đạt được 50% phụ huynh đồng ý nên việc tách lớp, chia ca sáng chiều là không cần thiết”, cô Minh Uyên phân tích.
Cô Minh Uyên cho biết thêm hầu hết trường mầm non ngoài công lập đều thuê mặt bằng và hiện nhiều chủ nhà có chính sách hỗ trợ mùa dịch, giảm tiền thuê hoặc cho nợ. Nếu các trường hoạt động trở lại thì họ sẽ thu đủ tiền 100%. Và để hoạt động lại, các trường sẽ phải tu sửa lại cơ sở vật chất, chi phí cho nhân viên… Trong khi trẻ chỉ học nửa buổi thì số lượng không được bao nhiêu. Nếu tính ra các trường sẽ lỗ nặng hơn so với việc đóng cửa.
Còn việc tách lớp, chia ca theo cô chỉ nên áp dụng với những cơ sở mầm non nào có sĩ số quá đông. Thay vì quy định chung chung thì các nhà quản lý nên quy định rõ là bao nhiêu trẻ/m2. Các trường sẽ dựa vào đó để tính toán dựa trên số trẻ đi học, nếu đông thì mới tách lớp chia ca, còn đáp ứng đủ quy định thì nên cho hoạt động cả ngày.
Cho trẻ đến trường theo độ tuổi từ lớn đến bé
Trong khi đó, ở góc nhìn của trường mầm non công lập, cô Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Sen Hồng (H.Bình Chánh), cho biết số lượng trẻ mỗi lớp sẽ tùy theo khối. Ví dụ đối với lớp lá dao động khoảng 32 bé/lớp; lớp mầm hiện tại chỉ khoảng 16 bé/lớp…
Theo cô Hương, nếu cho trẻ trở lại trường thì nên sắp xếp cho khối lớp lá đi học trước, vì đây là lứa tuổi chuẩn bị vào lớp 1, các em cần được chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng để chuyển cấp vào năm học sau. Nhu cầu phụ huynh cho nhóm trẻ này quay trở lại trường cũng sẽ cao hơn. Các trường sau đó có thể dựa trên việc trở lại trường của lớp lá để đánh giá tình hình và dần dần đón các nhóm lớp khác, theo độ tuổi từ lớn tới bé.
“Với những trẻ nhỏ hơn, nếu không tổ chức bán trú thì nhu cầu gửi con của phụ huynh sẽ không nhiều, vì với lứa này chủ yếu cha mẹ gửi con cả ngày để đi làm”, cô Hương nói thêm.
Riêng với Trường mầm non Sen Hồng, cô Hương cho biết vì trường lớp và khuôn viên khá rộng nên nếu trẻ đi học đủ số lượng như trước đây thì trường hoàn toàn có thể tách lớp nếu cho trẻ đi học theo từng lớp.
“Dù đề xuất phương án như vậy nhưng tôi vẫn khá lo lắng cho sự an toàn của trẻ. Dù hiện nay đa số phụ huynh đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 nhưng họ vẫn có khả năng nhiễm bệnh, do vậy vẫn nên tầm soát định kỳ cho trẻ để phát hiện sớm nếu có trường hợp nào đó nhiễm bệnh, tránh tình trạng lây lan trong lớp học”, cô Hương đề xuất.
Ngoài ra theo cô Hương, các trường có thể phối hợp với địa phương để nắm được những trường hợp nào mắc bệnh trong ngày. Trường sẽ rà soát lại xem gia đình, học sinh của mình có nằm trong danh sách F0 đó hay không để nắm thông tin, trong trường hợp có bé nào đó mắc bệnh hoặc người nhà mắc bệnh thì yêu cầu các em cách ly tại nhà để không đưa mầm bệnh vào trường.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.