Hà Nội đã chốt cho học sinh của 7/12 khối lớp ở các huyện và thị xã ngoại thành đi học trở lại từ ngày 8.11, trong khi các trường ở nội thành chưa có kế hoạch mở cửa.
Hà Nội đã chốt cho học sinh của 7/12 khối lớp ở các huyện và thị xã ngoại thành đi học trở lại từ ngày 8.11, trong khi các trường ở nội thành chưa có kế hoạch mở cửa.
Không mở cửa tất cả các trường ngoại thành
Ngày 1.11, UBND TP.Hà Nội có văn bản về việc cho học sinh (HS) trở lại trường học từ ngày 8.11, áp dụng với các trường tại các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã ngoại thành, có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 trong 14 ngày tính đến ngày 8.11.
Kế hoạch này thực hiện ở các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Cụ thể, cấp tiểu học là khối lớp 5, cấp THCS khối lớp 6 và lớp 9; cấp THPT khối lớp 10 và lớp 12. Các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến.
H.Quốc Oai và H.Mê Linh được đón HS. Tuy nhiên, đây là 2 địa phương có ổ dịch phức tạp nhất tại Hà Nội hiện nay, số ca mắc Covid-19 mới vẫn liên tục tăng trong những ngày cuối tháng 10.
Do vậy, không phải trường học nào ở 18 huyện, thị xã của Hà Nội cũng sẽ được mở cửa. Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Quốc Oai, cho biết huyện này đã chuẩn bị để đón HS trở lại trường nhưng sẽ phải tính cụ thể cho từng trường và báo cáo UBND huyện rồi mới thông báo chính thức đến phụ huynh, HS. Theo ông Thắng, ổ dịch ở TT.Quốc Oai đang phức tạp, còn các xã thì tạm ổn.
Các trường nội thành ở Hà Nội chuẩn bị đón học sinh trở lại trường |
H.Mê Linh, nơi có ổ dịch liên quan 2 đám hiếu tại thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), cũng vẫn có thêm các ca mắc mới hằng ngày. Trước khi có văn bản của UBND TP.Hà Nội, một khảo sát của Phòng GD-ĐT H.Mê Linh cho thấy khoảng 60% phụ huynh ủng hộ HS đến trường từ ngày 1.11.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu với 18 huyện, thị xã khi đón HS trở lại trường phải đảm bảo nguyên tắc HS đi học theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn tại những nơi được xác định cấp độ dịch ở mức 1 và mức 2. Những trường có HS trên nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định, nắm rõ thông tin của các HS, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi HS cư trú. Có phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số cho các buổi dạy; chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn ngủ bán trú.
Việc dạy học trực tuyến.khiến thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đều vất vả nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, đặc biệt với học sinh lứa tuổi lớp 1, lớp 2 ở cấp tiểu học.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, Hà Nội yêu cầu rất khắt khe với giáo viên khi nêu trong văn bản: “Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. HS hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh HS: một cung đường – hai điểm đến; phụ huynh HS tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi đạt trên 90%”.
Nội thành ngóng ngày mở cửa trường
Văn bản của UBND TP.Hà Nội mới ban hành chưa có kế hoạch nào về việc đón HS trở lại trường tại nội thành, trong khi tất cả các phường ở 12 quận đều có cấp độ dịch Covid-19 ở mức 1, mức 2. Nhiều ý kiến từ phụ huynh, HS đến các cơ sở giáo dục đều bày tỏ mong muốn biết về dự kiến, lộ trình cho phép thực hiện của UBND TP để có sự chuẩn bị cần thiết.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, đề xuất TP cho phép HS các trường ở ngoại thành đi học, sau 1 – 2 tuần theo dõi diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục cho tất cả HS các cấp tới trường. Tuy nhiên, với đặc thù là trường tư thục có nhiều cấp học, HS ở khắp nơi trên địa bàn TP nên việc đưa đón, bán trú, học 2 buổi/ngày là nhu cầu thiết yếu của HS và phụ huynh.
Do đó, nếu phải chia theo khối lớp đến trường như sẽ áp dụng với các huyện ngoại thành thì mỗi trường phải có 2 thời khóa biểu: dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Giáo viên được phân công giảng dạy ở nhiều lớp khác nhau, lớp thì học trực tiếp, lớp thì học trực tuyến… sẽ rất phức tạp. Do đó, ông Khang cho rằng, “kịch bản” cho một số khối lớp đi học trước không được phù hợp với thực tiễn ở tất cả các trường, trong đó có Trường Marie Curie.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho hay rất mong TP sớm công bố kế hoạch cho HS ở các địa bàn cấp độ dịch mức 1, mức 2 được trở lại trường. Theo bà Hằng, việc dạy học trực tuyến khiến thầy cô, HS và cả phụ huynh đều vất vả nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi, đặc biệt với HS lứa tuổi lớp 1, lớp 2 ở cấp tiểu học.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, cho biết qua trao đổi với phụ huynh thì thấy dù còn một số e dè nhưng hầu hết phụ huynh mong ngóng ngày con được trở lại trường. Cấp tiểu học chưa rõ kế hoạch tiêm vắc xin nên phụ huynh mong muốn chung là nơi nào dịch bệnh được kiểm soát thì cho các con được đến trường. Theo bà Hoa, nhiều phụ huynh phải đi làm mà con vẫn ở nhà không ai chăm nom, quản lý; việc học trực tuyến với lứa tuổi nhỏ, nhất là lớp 1, lớp 2 cũng khó khăn, nhiều bố mẹ căng thẳng vì không phải ai cũng có thể kèm con học như trợ giảng của giáo viên được.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho biết đã đề xuất với Sở GD-ĐT về việc có thể cho HS đến lớp dần theo lứa tuổi. HS được tiêm vắc xin trước sẽ đến trường trước. Nếu mở cửa theo khối lớp có thể ưu tiên các HS đầu cấp và cuối cấp trước. Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, mong muốn trường học hoạt động trở lại là rất lớn nhưng cũng cần phải xây dựng phương án hết sức cẩn thận, chi tiết, triển khai từng bước, từng vùng.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Việc HS được trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát không chỉ là mong mỏi của cán bộ quản lý mà còn là nguyện vọng của giáo viên, HS, các bậc phụ huynh, của các nhà trường nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, lạc quan vượt qua đại dịch, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Trước khi trình UBND TP về phương án cho HS trở lại trường, Sở GD-ĐT Hà Nội đã họp với các phòng GD-ĐT và 16 cụm trường THPT, trung tâm GDTX để lấy ý kiến về phương án cho HS trở lại trường. 100% ý kiến đồng thuận với phương án của Sở. Tuy nhiên, phương án trình ngày 25.10 không chỉ có 18 huyện, thị xã ngoại thành mà có lộ trình cho HS ở các lớp đầu cấp, cuối cấp ở 12 quận nội thành trở lại trường sau trường học ở ngoại thành 1 tuần; tiếp đến, sau 1 tuần sẽ cho 100% HS ở cả 30 quận, huyện trên địa bàn TP đi học trở lại.
Do phương án trên chưa được phê duyệt nên tại văn bản mới công bố ngày 1.11, kế hoạch cho HS trở lại trường ở các địa bàn còn lại vẫn còn bỏ ngỏ. UBND TP.Hà Nội giao Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chủ trì, tổng hợp chung, tham mưu, báo cáo UBND TP các lộ trình tiếp theo.
98,5% giáo viên Hà Nội đã tiêm mũi 1
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã có trên 98,5% đã được tiêm mũi 1 và hơn 62% đã được tiêm mũi 2, một số huyện đạt hơn 80%.
Bộ GD-ĐT yêu cầu báo cáo về dạy học trực tiếp
Ngày 1.11, Bộ GD-ĐT có Công văn số 4983 gửi UBND các tỉnh, thành. Theo đó, nhằm thúc đẩy mở cửa trường học và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo báo cáo tiến độ và kết quả triển khai hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo Công văn số 4726 ngày 15.10.2021 của Bộ GD-ĐT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.