Giấc mơ World Cup đối với đội tuyển nam Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn là khá xa vời. Muốnbóng đá Việt Nam dần tiếp cận với trình độ châu Á, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần tận dụng triệt để những mối quan hệ quốc tế để tạo cơ hội cho các lứa cầu thủ Việt Nam được cọ xát nhiều hơn.
Để tiếp cận trình độ châu lục và thế giới, bóng đá Việt Nam cần được cọ xát quốc tế với nhiều đối thủ mạnh ĐỘC LẬP
|
Những đối thủ không phải có tiền là mời được
Đội tuyển Việt Nam thua liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng HLV Park Hang-seo vẫn nhìn ra những điểm tích cực nhất định từ các thất bại này. Ông khẳng định, xét ở một góc độ nào đó, sau mỗi trận thua trước các đội bóng mạnh nhất châu lục, tuyển Việt Nam không mất mát hoàn toàn bởi cầu thủ không chỉ tăng được sự tự tin, bản lĩnh mà còn có sự tiến bộ đáng kể về năng lực chuyên môn. Những thất bại ở tầm cao đã mang đến nhiều trải nghiệm, trui rèn cả vấn đề thuộc về tâm lý.
Trên thực tế, không dễ để Việt Nam có thể mời được những đội tuyển đẳng cấp bậc nhất châu Á đá giao hữu, vì muốn mời được những quân xanh có “số má”, có lẽ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải chi rất nhiều tiền. Nhưng tại vòng loại thứ 3 World Cup hay trước đó là vòng loại thứ 2, việc được va đập với các đội có thứ bậc cao hơn Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA như Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Úc hay UAE, giá trị đã không thể quy ra được bằng tiền.
Ngày 20.11, đội tuyển Việt Nam sẽ đi Vũng Tàu tập huấn. Đợt này, ông Park không gọi thêm ai từ các CLB nhưng sẽ đôn một số cầu thủ trẻ U.23 Việt Nam như Hồ Thanh Minh, Trần Văn Đạt, Lê Văn Đô. Các cầu thủ U.23 khác vẫn có tên gồm Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân.
Lấy những ví dụ trên để cho thấy, nếu đội tuyển Việt Nam hay các đội trẻ như U.16, U.19, U.23 liên tục được thi đấu quốc tế hay chí ít là được tham dự những giải mời, giải giao hữu có chất lượng tại châu Á, thậm chí là cả tại châu Âu, trình độ sẽ có bước tiến mạnh mẽ như thế nào. Cựu Giám đốc kỹ thuật VFF J.Gede đã minh chứng rất cụ thể về sự chênh lệch giữa nền bóng đá đang phát triển và những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới. Ông Gede nói: “Tại một số nước Đông Nam Á, bóng chỉ lăn thực tế khoảng 65 phút trong một trận, tức 25 phút còn lại là bóng chết. Ở những nền bóng đá hàng đầu thế giới, thời gian bóng chuyển động trên sân lên tới 78 phút. Chúng ta mất đi gần 15 phút mỗi trận, trong khi vốn dĩ số trận đã ít rồi. Cứ thế nhân lên sẽ thấy cầu thủ Việt Nam chẳng đá được bao nhiêu. Mà bóng đá không ra sân, không thi đấu làm sao tiến bộ được”.
Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng cũng chia sẻ quan điểm: “Bóng đá Việt Nam cần đột phá trong khâu đào tạo trẻ là điều đã được báo chí nhắc đến nhiều thời gian qua. Nhưng trong quy trình đào tạo trẻ, ngành thể thao nói chung và VFF nói riêng cũng cần lưu ý đến một vấn đề rất quan trọng là tạo điều kiện cho các lứa trẻ được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu. Nếu được thi đấu nhiều, được thực chiến ở các đấu trường, cầu thủ sẽ thu lượm được rất nhiều thứ mà không sách vở nào, lý thuyết nào có thể bì được. Các kỹ năng không thể trở nên thuần thục nếu chúng ta không đặt mình vào môi trường khó. Càng khó, chúng ta càng giỏi. Hiện tại bóng đá Việt Nam tạm giỏi ở Đông Nam Á, nhưng tương lai chúng ta còn Asian Cup 2023 hay nói như ông Park, không lẽ bóng đá Việt Nam không nghĩ đến việc sẽ còn cơ hội dự vòng loại thứ 3 World Cup ở những kỳ sau này”.
Bóng đá không có phép màu
Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản (JFA) Kozo Takashima mới đây đã dành những lời khuyên chí tình cho VFF: “Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu. Vì thế muốn bóng đá phát triển, phải luôn tập trung vào các nền tảng chính, gồm đào tạo cầu thủ trẻ, bồi dưỡng cho các HLV, cơ sở vật chất và giúp cầu thủ được thử thách ở những đấu trường có đẳng cấp cao hơn. Bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt, đó là lý do vì sao đội tuyển quốc gia của các bạn mạnh hơn, có nhiều thành tích tốt hơn thời gian qua. Việt Nam là đội duy nhất ở Đông Nam Á giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup. Đó là bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội hơn và tôi hy vọng một ngày nào đó các bạn sẽ giành quyền góp mặt tại World Cup với đà phát triển này”.
Theo một quan chức VFF: “Một nhiệm vụ hết sức quan trọng khác nữa là VFF cùng các CLB trong nước sẽ đẩy mạnh và hoàn thiện hệ thống đào tạo trẻ, để sau này trình độ cầu thủ Việt Nam khi thi đấu tại các sân chơi lớn như AFC Champions League, AFC Cup không bị thua kém quá nhiều. Khi các CLB Việt Nam chơi tốt ở đấu trường châu Á, được vào sâu trong giải chứ không thất bại ngay từ vòng bảng thì đó cũng là một cách hữu hiệu để năng lực cầu thủ Việt Nam được nâng lên vì càng vào sâu thì càng được va vấp với những đối thủ mạnh hơn. Điều này sẽ giúp họ nâng cấp chất lượng đội tuyển khi được triệu tập”.
Ông Kozo Takashima cũng là một trong đồng tác giả của kịch bản hợp tác giữa bóng đá Việt Nam và Nhật Bản suốt những năm qua. JFA sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt tập huấn, thi đấu giao hữu quốc tế trước các giải đấu quốc tế chính thức của các đội tuyển quốc gia của Việt Nam ở các cấp độ từ U.16, U.19, đội tuyển A (cả nam, nữ). Tuy nhiên, trên thực tế, dường như hiệu quả của việc hợp tác này vẫn chưa được như mong muốn của các bên. Ngoại trừ một số đợt tập huấn của đội nữ, đội futsal tại Nhật Bản thì những đội trẻ Việt Nam hay đội tuyển Việt Nam cũng chưa có được những đợt cọ xát tại những trung tâm đào tạo hiện đại bậc nhất Nhật Bản. Tương tự, VFF cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Bóng đá Ả Rập Xê Út (SAFF) nhưng để sự hợp tác không chỉ là trên giấy tờ, đòi hỏi VFF phải chủ động hơn khi trao đổi với phía bạn về kế hoạch hỗ trợ tập huấn, thi đấu cho các đội tuyển Việt Nam. SAFF đã tuyên bố sẽ hỗ trợ và tạo những điều kiện thuận lợi để các đội tuyển trẻ từ U.17 đến U.23 của Việt Nam sang tập huấn và thi đấu giao hữu. Vấn đề còn lại là Việt Nam sẽ tận dụng sự hỗ trợ ấy như thế nào.
Một quan chức VFF cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thi đấu, giao hữu của bóng đá Việt Nam. Nhưng năm tới, nếu tình hình ổn hơn, dịch bệnh được kiểm soát tốt trên toàn cầu, VFF cũng sẽ tiến tới việc thúc đẩy sâu hơn nữa các mối quan hệ với các nước và các đội tuyển sẽ được ra nước ngoài đều đặn hơn hoặc sẽ được đấu giao hữu với những đội bóng giỏi của thế giới ngay tại Việt Nam, nhưng với điều kiện khách quan cho phép là Covid-19 được khống chế. Sau này, chúng ta cũng sẽ cố gắng mời được những đội tuyển xếp hạng top 80 thế giới sang Việt Nam”.
Nguồn: thethao.thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.