Dù dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng không thể làm thay đổi tình thầy trò. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, học trò đều có cách để tri ân, thể hiện tình cảm với thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Dù dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, nhưng không thể làm thay đổi tình thầy trò. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, học trò đều có cách để tri ân, thể hiện tình cảm với thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.
Những tấm thiệp đáng yêu do chính học sinh tự làm để tri ân thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 |
Nhớ ngày này năm xưa
Huỳnh Quốc Tuấn, sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho biết vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, anh thường đến thăm các giảng viên trực tiếp giảng dạy và về quê tri ân thầy cô từng dìu dắt những năm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
“Hầu như năm nào cũng vậy, tôi đều có thói quen rủ nhóm bạn thân cùng lớp thời phổ thông chạy về quê ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An để thăm lại những thầy giáo, cô giáo từng giảng dạy. Chúng tôi được thấy thầy cô mạnh khỏe, vẫn còn đứng trên bục giảng để dạy những lớp đàn em. Còn thầy cô thì vui khi thấy tụi em ngày càng chững chạc hơn, trưởng thành hơn”, Tuấn nhớ lại.
Không chỉ riêng Tuấn, nhiều sinh viên quê ở các tỉnh lân cận TP.HCM như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… tranh thủ về quê thăm lại trường xưa để gặp những giáo viên đã từng giúp dạy dỗ họ nên người.
“Quê em ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Em từng là cựu học sinh của Trường THPT Ngô Quyền. Hàng năm, cứ đến 20.11 là nhóm 4 đứa bạn thân lại rủ nhau chạy xe về quê. Rồi sau đó ghé đến nhà từng cô, từng thầy để thăm. Ngoài việc hỏi han sức khỏe, công việc, thì thầy trò cùng nhau ăn uống liên hoan. Có những cuộc hội ngộ ngập tràn cảm xúc, khi bao ký ức xưa cũ của ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ùa về”, Lê Thị Thanh Thùy, sinh viên năm cuối Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ.
Bao tình cảm thân thương của học sinh gửi vào tấm thiệp tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20.11 |
Còn Bạch Phương Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thì nhớ lại dịp 20.11 ngày 20.11, khi đó nữ sinh này đã rời nhà từ sáng sớm và trở về nhà lúc 20 giờ.
“Năm ngoái, em muốn đến thăm lại tất cả thầy cô đã từng dạy dỗ em nên rủ bạn bè đi khắp nơi để tìm đến tận nhà. Mỗi thầy cô giáo ở mỗi xã khác nhau, nhưng dù xa, em cũng đến thăm vì tận đáy lòng luôn nhớ về công ơn của các thầy cô. Chưa kể còn dành thời gian đến thăm hỏi các giáo viên đang giảng dạy trực tiếp”, Phương Anh, tâm sự.
Năm nay sẽ khác
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay cận kề nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh, sinh viên vẫn chưa được học trực tiếp. Có những sinh viên vẫn còn đang kẹt dịch ở quê. Có những học sinh đã hơn nửa năm không được gặp giáo viên. Những cuộc gặp gỡ dường như khó khăn hơn…
Những dòng chữ đong đầy yêu thương của học sinh dành cho thầy cô giáo mến yêu của mình nhân ngày 20.11 |
Nam sinh viên Tuấn tâm sự, năm nay anh không thể tái lặp “ngày này năm xưa” vì tình hình dịch Covid-19 ở quê diễn biến khó lường.
“Chúng tôi không thể rủ nhau đi thăm giáo viên cũ như thông lệ, cũng không có cơ hội gặp trực tiếp giảng viên đang giảng dạy. Tuy nhiên, tôi có cách khác để bày tỏ tình cảm với thầy cô. Đó là lập nhóm chat trên Messenger của Faebook. Qua đó, các học sinh cũ sẽ được nhìn thầy cô cũ để gởi những lời chúc tốt đẹp nhất. Tình cảm của chúng tôi dành cho giáo viên luôn đủ đầy và kính trọng thầy cô từng phút, từng giờ. Thế nhưng, gửi lời chúc trực tuyến vào dịp 20.11 thì càng có ý nghĩa và chắc chắn tôi sẽ thực hiện kế hoạch này”, Tuấn nói.
Tương tự, Trần Thị Ngọc Thúy, sinh viên năm 3 của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, dự định “mừng ngày nhà giáo Việt Nam… trực tuyến”. Nữ sinh viên giải thích: “Có nhiều bạn chưa biết Zalo của giáo viên cũ nên tôi sẽ kết nối mọi người lại với nhau để cùng họp mặt vào đúng ngày 20.11 để mọi người đều bất ngờ”. Trong dịp gặp gỡ online đó, Thúy dự định sẽ khoe những bảng điểm cao đã dành được, đồng thời hứa với thầy cô sẽ nỗ lực học tốt hơn.
Đó cũng chính là cách nhiều sinh viên, học sinh dự định làm để tri ân giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. “Tôi có thể gọi điện thoại hỏi thăm, gửi những bài hát ý nghĩa về nghề giáo để tặng thầy cô. Tôi cũng có thể lên Facebook, lưu hình ảnh thầy cô, làm thành một video, chèn nhạc rồi gởi đến thầy cô. Chắc chắn khi nhận được, thầy cô sẽ hạnh phúc”, Phan Thị Minh Hằng, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Mỗi người có mỗi kế hoạch, dự định khác nhau về cách chúc mừng, nhưng tất cả đều gắn chặt thông điệp là kính trọng và biết ơn thầy cô…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đã cận kề, bạn muốn gởi lời chúc nào đến thầy cô giáo, vui lòng để lại bình luận dưới bài viết.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.