DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2022: Doanh nghiệp cần chủ động biện pháp đối phó với thách thức

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh trao đổi tại Diễn đàn

 

Trao đổi tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2022, diễn ra chiều ngày 23/11, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh đánh giá, để các doanh nghiệp tư nhân có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, chú trọng vào giải pháp đầu tư vào hệ thống và tập trung vào con người là yếu tố cần được chú trọng hàng đầu hiện nay.

Ông Thông cho biết, đầu tư vào các phần mềm để quản trị công ty sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nhân lực trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Phúc Sinh đã chú trọng vào các phần nềm quản trị hệ thống, “đây là điều vô cùng cần thiết trong hoạt động điều hành. Xây dựng hệ thống là một việc lâu dài và cần kiên nhẫn”, ông Thông nhấn mạnh.

Việc xây dựng phần mềm quản trị doanh nghiệp làm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp như ít dùng con người hơn, nhanh hơn và có thể làm việc từ xa để thích ứng với dịch. Đây cũng là biện pháp giúp Phúc Sinh có thể đối phó tốt hơn với biến động về thời gian, con người do đại dịch gây ra. Bên cạnh đó, ứng dụng các công nghệ cũng giúp doanh nghiệp kết nối tốt hơn với các đối tác, nhà cung cấp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động kinh doanh buôn bán.

Yếu tố thứ hai được ông Thông cho rằng các doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng là yếu tố sáng tạo. Trong thời đại hiện nay chuyển đổi số và sáng tạo là giá trị cạnh tranh quan trọng. Với kinh nghiệm từ Phúc Sinh, ông Thông cho rằng, cần phát triển chiều sâu, áp dụng kỹ thuật số, thay đổi phương thức kinh doanh như xây dựng sàn thương mại điện tử; kiến tạo không gian sáng tạo và chuyển đổi số mang đến hiệu quả rộng mở với ứng dụng phần mềm cải tiến, thiết kế sản phẩm, thậm chí thay đổi cả phương thức kinh doanh, …

Hoặc, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Phúc Sinh, việc xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến và chế biến sâu theo từng giai đoạn để giải quyết việc sản xuất lượng hàng với số lượng lớn là điều cần thiết, tránh ép bán phá giá.

Theo ông Thông, việc đầu tư con người, đầu tư nhân lực, chăm lo lao động, phát triển nhân văn bền vững là một yếu tố vô cùng quan trọng, trong đó thúc đẩy lao động sáng tạo, chủ động, chăm chỉ làm việc, kiên trì với tư duy mở và cần được duy trì từ cấp quản lý đến các nhân viên để phát huy tinh thần vượt khó. 

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2022: Doanh nghiệp cần chủ động biện pháp đối phó với thách thức

Diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11/2021.

 

Chính vì vậy, Phúc Sinh là một trong số ít công ty tư nhân đã khắc phục được những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; phát huy được mảng kinh doanh buôn bán trên sàn thương mại điện tử.

Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh cho rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp cần duy trì tinh thần tích cực và chủ động tìm ra giải pháp cho chính doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn, thách thức từ bên ngoài; từ đó có những biện pháp thích ứng phù hợp hơn, sát với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng doanh nghiệp. 

Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2022 cho thấy, xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.