Friday, November 29, 2024

Ùn ứ rác y tế ở Cà Mau



Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, Cà Mau ghi nhận thêm gần 10 nghìn ca mắc Covid-19. Số ca bệnh liên tục tăng gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, phát sinh một lượng lớn rác thải y tế vượt khả năng xử lý của địa phương.

Ùn ứ rác y tế ở Cà Mau
Nhiều tấn rác thải y tế tồn đọng lâu ngày trong khu chờ xử lý của Bệnh viện đa khoa Cà Mau, gây ô nhiễm môi trường

Những ngày gần đây, bãi rác tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau ngày càng phình to. Đống rác ấy chật ních khu nhà kho tiền chế, tràn cả ra bên ngoài. Dù đã được phun khử khuẩn hai lần mỗi ngày, được che chắn bằng bạt, nhưng mùi khó chịu từ rác vẫn phát tán ra khu vực chung quanh.

Tồn hơn 10 tấn rác y tế chưa xử lý

Rác y tế phát sinh nhiều ở Cà Mau trong hơn hai tháng gần đây tỷ lệ thuận với số tăng ca nhiễm Covid-19 (F0) tại các cơ sở điều trị tại địa phương. Trong đó, lượng rác y tế lớn nhất tập trung ở địa bàn TP Cà Mau, từ 1,5 đến 1,9 tấn/ngày.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, rác y tế ở TP Cà Mau phát sinh từ ba nguồn lớn, gồm: các khoa, phòng chuyên môn, Bệnh viện dã chiến số 1, Khu điều trị người bệnh Covid-19 nặng, Khoa phong tỏa… tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau, với khoảng 600 kg/ngày. Các cơ sở y tế khác ở TP Cà Mau (bệnh viện, trạm y tế các phường, phòng khám tư, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh…) với khoảng 300 kg/ngày; các bệnh viện dã chiến số 2, 3, 5 với mức trung bình từ 0,6 đến 1 tấn rác/ ngày. Trong khi đó, địa bàn TP Cà Mau chỉ có hai đơn vị chuyên trách được giao xử lý rác thải y tế là Bệnh viện đa khoa Cà Mau và Bệnh viện Sản-Nhi. Đây là hai đơn vị điều trị tuyến cuối của tỉnh Cà Mau, được trang bị ba lò đốt rác y tế với tổng công suất 130 kg rác/giờ. Trong đó, có hai lò đốt rác công suất 100 kg/giờ đặt tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

Bác sĩ Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau, cho biết: So với thời điểm trước tháng 10/2021, tổng lượng rác thải hiện tại từ các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã tăng gấp ba lần, vượt công suất xử lý của cả Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh. Trong khi đó, các lò đốt rác sử dụng lâu ngày đã xuống cấp, chỉ còn khoảng 70% công suất so với trước. Theo khuyến cáo kỹ thuật, trước đây chúng tôi cho “chạy” lò đốt rác 8 giờ/ngày sẽ đạt công suất 600 kg rác, bảo đảm xử lý hết tổng lượng rác y tế khoảng 500 kg mỗi ngày từ bệnh viện và các nguồn phát sinh từ các cơ sở y tế ở TP Cà Mau. Tuy nhiên ba tháng gần đây, chúng tôi cho đốt từ 12 đến 14 giờ/ngày, tính luôn cả việc hỗ trợ xử lý tiếp khoảng 300 kg mỗi ngày từ Bệnh viện Sản-Nhi thì hiện tại, tổng mỗi ngày chúng tôi chỉ xử lý được khoảng 1,2 tấn rác y tế, tức là mỗi ngày tồn hơn nửa tấn rác chưa xử lý, cộng dồn đến nay hơn chục tấn.

Ùn ứ rác y tế ở Cà Mau
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình ùn ứ rác thải y tế tại khu tập kết rác thải của Bệnh viện đa khoa Cà Mau.

Bao giờ xử lý hết rác tồn đọng?

Dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng trong công tác phòng, chống dịch gần đây, chính quyền và đơn vị chức năng Cà Mau chưa lường hết những vấn đề phát sinh để chủ động kịp thời xử lý, trong đó có vấn đề rác thải y tế. Nếu chậm khắc phục thì lượng rác ùn ứ sẽ tăng dần theo thời gian, tiềm ẩn nguy cơ về môi trường và khả năng lây lan dịch bệnh từ rác. Lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Cà Mau cho biết, trước mắt sẽ tiếp tục duy trì công suất các lò đốt liên tục trong 14 giờ/ngày tại đơn vị và hỗ trợ xử lý thêm từ Bệnh viện Sản-Nhi, bảo đảm xử lý khoảng 1,2 tấn rác/ngày để giảm rác tồn đọng. Lãnh đạo bệnh viện này kiến nghị cơ quan chức năng đầu tư xây dựng khẩn cấp thêm một lò đốt rác công suất 100 kg/giờ và nâng khả năng xử lý rác tại đơn vị này lên gần 2 tấn/ngày. Theo bác sĩ Bùi Đức Văn, nếu số ca mắc Covid-19 không phát sinh nhiều mà vẫn giữ ở mức hơn 3.000 F0 tại các cơ sở y tế như hiện nay thì mỗi ngày, bệnh viện sẽ đốt bù rác tồn đọng thêm được từ 300 đến 500 kg. Theo cách đốt bù như vậy, trong vòng 20-30 ngày khi lò đốt mới đi vào vận hành, đơn vị sẽ đốt hết lượng rác tồn.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo và giao cho Ban quản lý dự án công trình Xây dựng Cà Mau làm chủ đầu tư thực hiện khẩn cấp việc nâng cấp, sửa chữa 5 lò đốt rác tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đồng thời xây dựng mới hai lò đốt rác tổng công suất xử lý 150 kg rác/giờ đặt tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau và Bệnh viện đa khoa Ngọc Hiển. Các công trình xây mới, sửa chữa, nâng cấp sẽ hoàn thành trước ngày 13/12/2021.

Trong thời gian chờ các công trình nâng cấp, xây mới hoàn thành, các đơn vị chức năng của tỉnh và chính quyền TP Cà Mau được giao nhiệm vụ thương lượng, đàm phán với Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau để đơn vị này hỗ trợ tỉnh thu gom, xử lý bớt lượng rác tồn đọng. Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền TP Cà Mau, việc đàm phán, thương lượng không thành. Doanh nghiệp đưa ra ba điều kiện về mức giá xử lý, trong đó có việc phải ký hợp đồng dài hạn ít nhất 5 năm để có đủ thời gian thu hồi vốn đã đầu tư thiết bị, máy móc, lò đốt mới…

Trong chuyến kiểm tra tình hình thực tế về môi trường, rác thải tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và một số bệnh viện dã chiến ở TP Cà Mau vào cuối tháng 11/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình xây mới, cải tạo các lò đốt rác ở bệnh viện. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý dứt điểm tình trạng rác y tế tồn đọng, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đồng chí cũng lưu ý các bệnh viện đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để bệnh nhân F0 triệu chứng nhẹ ý thức tốt việc phân loại rác ngay từ ban đầu, tách riêng rác sinh hoạt và rác y tế để xử lý dễ dàng, nhanh chóng.

Nếu thực hiện đạt tiến độ theo kế hoạch thì gần giữa tháng 12 này, các công trình lò đốt rác mới và nâng cấp các lò đốt rác cũ mới đi vào vận hành, và lượng rác độc hại sẽ còn tăng lên. Đó là chưa tính đến khả năng F0 tiếp tục tăng theo chuyển biến xấu của tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp này, nhiều khả năng đến Tết Nguyên đán, Cà Mau mới xử lý hết lượng rác tồn đọng.

 

 

 

Hãy cài đặt PC-Covid, 1 ứng dụng duy nhất sử dụng trong giai đoạn bình thường mới, thuận tiện hơn trong việc khai báo và di chuyển. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.

Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img