Thời cơ doanh nghiệp chứng minh tiềm lực

Đây là khẳng định của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ trong Lễ Công bố & Vinh danh Top 10 các nhóm ngành sản phẩm – dịch vụ Tin Dùng năm 2021 được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2021 diễn ra tối (18/12) mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Quất, trước sự phát triển ngày càng nhanh, mạnh của khoa học và công nghệ. Đặc biệt, hai năm qua, với sự tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid -19 trên toàn thế giới, tốc độ phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Công nghệ đã trở thành cứu cánh cho tất cả các nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân để có thể duy trì hoạt động sống và làm việc, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái “đứng yên”.

Thực tế của việc đổi mới, sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học công nghệ đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả kinh doanh và đặc biệt là tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, rộng rãi hơn và nhanh chóng hơn.

Cuộc CMCN lần thứ 4 đang thúc đẩy thế giới tiến tới sự phát triển nhân văn và bao trùm hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường tốt hơn, cuộc sống sẽ thuận tiện hơn và do đó, chất lượng cuộc sống của con người sẽ được nâng cao hơn.

“Những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ trong lịch sự phát triển của nhân loại, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn đó, ông cha ta đã dạy “cái khó ló cái khôn”, trong lúc này, chính sự khó khăn đó đòi hỏi chúng ta thức tỉnh và khơi dậy những tiềm năng sáng tạo để chủ động thích nghi và tạo đà cho những giá trị phát triển mới. Thách thức của dịch bệnh cũng chính là thời cơ để các doanh nghiệp có thể chứng minh tiềm lực của mình, thúc đẩy sự sáng tạo, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm tạo ra sức bật mới trong sản xuất và phát triển kinh doanh” ông Quất khẳng định.

Cũng theo ông Quất, thời gian qua, ngoài những thương hiệu nổi tiếng lâu bền thì, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cơ hội phát triển rất nhanh, đặc biệt là những startup mới khởi sự kinh doanh và ra nhập thị trường. Cùng với đó xu hướng tiêu dùng đã mở rộng sang các nhà bán lẻ không có thương hiệu, doanh nghiệp chiết khấu và các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Do đó, doanh nghiệp nào nhanh chóng chuyển đổi số trong thời gian qua cũng có lợi thế bởi quá trình xử lý kinh doanh trở nên nhanh và tinh gọn hơn.

Những thay đổi này đang tạo ra sự dịch chuyển trong niềm tin của người tiêu dùng, khiến cho việc quá trình giao tiếp với khách hàng thông qua các nội dung số càng trở nên trọng yếu hơn. Doanh nghiệp nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng, không ngừng tuyên truyền các thông điệp an toàn tới nhân viên và cộng đồng sẽ dễ dàng nhận được sự tin tưởng của khách hàng.

Thời cơ doanh nghiệp chứng minh tiềm lực

TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam

 

Cùng quan điểm trên, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho rầng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hai năm qua, ngành bán lẻ, dịch vụ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để từng bước ổn định thị trường, duy trì các kênh phân phối, đồng thời chủ động đưa ra nhiều phương án thích ứng với cuộc sống bình thường mới.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ hành vi của người tiêu dùng, cách vận hành của thị trường bán lẻ với những cơ hội xen lẫn thách thức. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trang bị cho mình những nền tảng đúng đắn để nắm bắt cơ hội tốt.

Chính sự chuẩn bị chu đáo trong mạng lưới vận chuyển và phân phối, cũng như sự linh hoạt, sáng tạo trong mở rộng cơ cấu sản phẩm đã tạo cú “lội ngược dòng” ngay cả giữa lúc “cơn bão” Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Điều này cũng đã giúp nhiều thương hiệu được người tiêu dùng quan tâm, theo dõi, ủng hộ.

Có thể nói, năm 2021, đợt bùng phát dịch thứ 4 giống như một “cơn bão” kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương. Nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP quý 3/2021 giảm 6,17%, mức giảm sâu nhất từ trước tới nay và trong 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,7%). Trong đó, du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%. Tiếp đến là sự sụt giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức giảm 22,1%, bán lẻ hoàng hóa giảm 3,4%…

Xét theo ngành hoạt động, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 chỉ có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 5%; còn lại các ngành phương tiện đi lại giảm 6,4%; may mặc giảm 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%…

Tuy vậy, ông Lâm nhin nhận, trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội, dịch bệnh được cho là một “cơn bão”, đã tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp. Để “vươn lên” trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ. Sự chuyển biến này đã diễn ra dưới nhiều quy mô, cấp độ, từ những cửa hàng nhỏ lẻ đến những doanh nghiệp quy mô lớn. Sáng tạo để thích nghi có lẽ là “kịch bản” gần như duy nhất để tồn tại và phát triển trong bối cảnh “sống chung với dịch.