Ông Phan Khắc Nghệ khẳng định, việc ông trao đổi với 2 người nằm trong tổ ra đề thi và tổ thẩm định đề thi của Bộ GD-ĐT môn sinh học chỉ là trao đổi chuyên môn và “họ chủ động hỏi mình”.
Ông Phan Khắc Nghệ khẳng định, việc ông trao đổi với 2 người nằm trong tổ ra đề thi và tổ thẩm định đề thi của Bộ GD-ĐT môn sinh học chỉ là trao đổi chuyên môn và “họ chủ động hỏi mình”.
Những ngày qua, vụ việc trùng hợp, giống đến 80% giữa đề thi môn sinh học chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với đề ôn tập của một thầy giáo ở Hà Tĩnh là ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, đang xôn xao trở lại, với một số tình tiết mới.
Trong đó, dư luận cho rằng, trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2021, ông Nghệ từng có trao đổi email qua lại với bà Phạm Thị My (Tổ ra đề thi môn sinh học của Bộ GD-ĐT) và ông Bùi Văn Sâm (Tổ thẩm định đề thi môn sinh học của Bộ GD-ĐT).
Ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh |
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Nghệ khẳng định: “Cái trao đổi này là trao đổi về chuyên môn, không liên quan đến đề thi. Không phải mình trao đổi, mà họ trao đổi với mình liên quan đến việc dạy học môn sinh. Không phải liên quan đến việc dàn xếp tỷ số mà dư luận và một số tờ báo viết”.
Ông Nghệ cũng giải thích về việc dư luận cho rằng ông đã có trao đổi với bà My và ông Sâm về các câu hỏi môn sinh học cho nhau, gắn nội dung câu hỏi vào các ô ngân hàng đề thi, hẹn gặp trực tiếp để liên hệ nội dung trao đổi liên quan đến đề thi tốt nghiệp qua các năm, trong đó có năm 2021.
“Chỗ đó mới thực sự là điểm đen. Nếu có chuyện hẹn gặp nhau để trao đổi về đề thi là một sự dàn xếp thực sự, vi phạm đạo đức nhà giáo. Chuyện này thì phải đưa ra pháp luật trừng trị chứ không ai che được. Vấn đề này tôi thấy đây là một sự hài hước. Bởi cơ quan chuyên gia và công an phát hiện ra sự việc, tại sao đến nay không khởi tố. Đây là việc tày đình, không thể chấp nhận được. Đề nghị Bộ Công an khởi tố”, ông Nghệ nói.
Ông Nghệ cũng cho biết thêm, ngay sau khi có thông tin phản ánh đề thi ôn tập môn sinh học của ông giống đề thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã đến nhà ông để lấy thông tin. Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh và Trường THPT chuyên Hà Tĩnh cũng yêu cầu ông làm văn bản giải trình.
“Mấy hôm nay tôi rất buồn vì ảnh hưởng đến danh dự của tôi, một số báo viết như vậy là ảnh hưởng rất lớn đến bản thân tôi”, ông Nghệ chia sẻ.
Thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội) chỉ ra nhiều câu hỏi trùng hợp giữa đề thi tốt nghiệp môn sinh và buổi tổng ôn của thầy Nghệ |
Như Thanh Niên đã phản ánh trong bài báo Xôn xao việc thầy giáo ở Hà Tĩnh giải đề ôn tập giống 80% đề thi THPT đăng tải ngày 14.7.2021, phản ánh ý kiến của thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội) cho biết trước ngày thi môn sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, có bài tổng ôn cho học sinh với số câu hỏi trùng đến hơn 80% số câu hỏi trong đề thi chính thức môn sinh học, đã khiến dư luận xôn xao.
Dù thời điểm đó Bộ GD-ĐT có thông tin “đã cho xác minh, làm rõ” nhưng sự việc rơi vào im lặng từ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đến nay. Trong khi kỳ thi vẫn được Bộ GD-ĐT đánh giá “thành công”, “an toàn”…
Mới đây, nguồn tin của Thanh Niên cho hay, dù Bộ GD-ĐT im lặng nhưng trên thực tế đã có những dấu hiệu bất thường xung quanh sự việc này.
Cụ thể, ngày 4.8, Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tổ công tác gồm Bộ GD-ĐT (lãnh đạo các cục, vụ, thanh tra, các chuyên viên), Bộ Công an (A03, A05) và các chuyên gia, giáo viên đang trực tiếp dạy môn sinh học đã làm việc với Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tổ công tác làm việc trong 6 ngày, từ ngày 4 – 9.8. Sau quá trình làm việc, tổ đã có biên bản chi tiết về sự việc.
Tư liệu sử dụng đối sánh gồm có: 4 đề thô xuất từ máy tính của hội đồng ra đề, được tổ ra đề lựa chọn vào ngày 12.6; 4 đề duyệt chốt ngày 22.6 bởi Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT; 1 bản pdf đề VIP40 được ông Nghệ dạy ôn luyện cho học sinh (40 câu, từ câu 81 đến 120); 3 video live của ông Nghệ.
Tổ liên ngành đã làm việc với tổ chuyên gia, với chủ tịch hội đồng ra đề thi, các thành viên hội đồng ra đề, thư ký hội đồng, để tìm hiểu quy trình biên soạn đề, các phần mềm chọn đề thi, đối chiếu các đề thi gốc mà máy tính rút ra từ ngân hàng cùng các đề thi được tổ ra đề môn sinh học đã chọn với các câu hỏi mà ông Phan Khắc Nghệ đã dạy luyện thi.
Đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn sinh học lựa chọn cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề đều trùng nhau theo thứ tự các câu tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính không thể có hiện tượng này.
Đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ; trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng một phần với 2 mã đề 211 và 213.
Đặc biệt, có một câu về diễn thế sinh thái (câu số 106 đề thô được chọn) có cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Tuy vậy, câu hỏi này cũng được xuất hiện trong video của ông Nghệ.
Đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể, tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng, chiếm 92,5% với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.
Ở khía cạnh khác, đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề bị loại (203, 205, 215, 216) được tổ chuyên môn lựa chọn ngẫu nhiên từ 12 mã đề bị loại với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy có sự trùng lặp rất thấp, phần lớn là khác biệt.
Dù biên bản với những nội dung bất thường được các chuyên gia chỉ ra như trên nhưng từ ngày 9.8 đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin hay phương án xử lý gì với kết quả mà các chuyên gia, giáo viên chỉ ra như trên. Điều này gây khó hiểu với dư luận và chính những người trong cuộc.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.