Chia sẻ tại Diễn đàn “Tiếp cận mới về chuyển đổi số doanh nghiệp – hiểu đúng để làm trúng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chứng khoán Bản Việt khẳng định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin không còn là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu, là sống còn.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số

Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chứng khoán Bản Việt

 

Nếu không áp dụng công nghệ thông tin thì doanh nghiệp không thể tồn tại, đặc biệt với các công ty chứng khoán. Với Bản Việt không bởi vì đại dịch Covid-19 mà ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã xác định phải áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số mới có thể phát triển và có khách hàng”, ông Nguyễn Quang Bảo nói.

Ông Bảo lấy ví dụ, khối lượng giao dịch của chúng tôi đã tăng gấp 1.000 lần so với 14 năm trước-thời điểm thành lập doanh nghiệp. Nên nếu không chuyển đổi số thì không thể làm việc được.

Phó Tổng giám đốc Cty CP Chứng khoán Bản Việt cũng cho biết, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp phải bắt đầu từ tư duy những người lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp. Đồng thời, việc chuyển đổi phải căn cứ trên việc đánh giá bản thân doanh nghiệp.

Từ những bộ chỉ số đánh giá đó mới đánh giá được mức độ áp dụng CNTT của doanh nghiệp mình đang ở đâu, để từ đó thay đổi và chuyển đổi nâng cấp”, ông Nguyễn Quang Bảo nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hải, giám đốc công ty LitCommerce chia sẻ, có nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là văn hóa, chứ không phải là công nghệ, vì công nghệ hiện tại đã tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp có thể áp dụng trong lĩnh vực chuyển đổi số rồi. Tuy nhiên, về văn hóa thì sự sẵn sàng của doanh nghiệp, mà trực tiếp là sự sẵn sàng của các lãnh đạo, những người có quyền trực tiếp quản lý doanh nghiệp mới là quan trọng nhất, và sau đó đến sự sẵn sàng của đội ngũ thực thi.

Với một công ty công nghệ cũng đang làm việc trực tiếp trên lĩnh vực chuyển đổi số, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh đó là tư duy chuyển đổi số. Chúng ta phải có tư duy, thì mới áp dụng được chuyển đổi số sẽ như thế nào. Khi các lãnh đạo nghe về chuyển đổi số ngoài xã hội cũng sốt ruột chuyển đổi số, nhưng không hiểu chuyển đổi số là gì, hoặc nghe cấp dưới nghe, người nào đó tư vấn và áp dụng, nhưng áp dụng không trúng, không có phản biện một cách cặn kẽ vấn đề, để xem chuyển đổi số đó có thực sự phù hợp hay phù hợp đến đâu với doanh nghiệp của mình.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Thay đổi tư duy trong chuyển đổi số

Ông Nguyễn Đức Hải, giám đốc công ty LitCommerce

 

Khi áp dụng không đúng, sẽ hình thành một vấn đề, có thể ví như con cá vàng mà đeo vi con cá mập, khiến cho bộ máy của doanh nghiệp cồng kềnh hơn, nhân sự ở dưới thực thi chuyển đổi số một cách ép buộc. Khi đó, họ sẽ không thể làm tốt và không phát huy được hiệu quả của chuyển đổi số”, ông Hải phân tích.

Về tư duy trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ tư duy theo hai hướng đó là đầu vào và đầu ra. Theo ông Hải, đầu tiên phải xác định đầu vào cần gì, đầu ra cần gì, sau đó mô hình hóa tất cả các khâu trong doanh nghiệp, từ nhân sự, CEO, đến marketing và phát triển sản phẩm, quản trị chăm sóc khách hàng,…

Sau khi mô hình hóa, cần phải ngồi lại và bóc tách các vấn đềm số hóa các quy trình đó như thế nàom sau khi số hóa được sẽ tiến hành xây lên cho các vị trí lãnh đạo cấp dưới, để họ hiểu được sự quan trọng của chuyển đổi số này giúp ích được gì cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một khâu quan trọng mà các mô hình truyền thống làm rất kém đó là kiểm soát kết quả của chuyển đổi số đổi như thế nào. Thông thường ở các doanh nghiệp truyền thống, sếp sẽ giao việc cho nhân viên, bằng giấy, bằng miệng sau đó quên luôn không có người kiểm soát, đến khi nhớ ra thì nhân viên cũng đã bỏ qua không thực hiện. Do đó, chuyển đổi số giúp số hóa luồng công việc và báo cáo chi tiết, đo lường hiệu quả công việc.

Còn về độ hài lòng của khách hàng, rất nhiều người thắc mắc sẽ đo bằng cách nào? Chúng ta đều thấy, hiện nay khách hàng mua hàng online, offline rất nhiều và đến từ các nguồn khác nhau, để nắm bắt được vấn đề này, ngoài việc hỏi khách hàng, thì chúng ta cần xây dựng một hệ thống, mà nhân viên sau khi bán hàng bắt buộc phải để khách hàng đánh giá lại công việc đó của mình. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất đánh giá chất lượng công việc.

Như vậy, sau khi chúng ta số hóa được đầy đủ các quy trình, thì kết nối các quy trình lại với nhau, lúc đó mới có mô hình chuyển đổi số tương đối hoàn chỉnh”, ông Hải cho biết.

Cũng theo vị doanh nhân, sau khi chuyển đổi số, có một số lợi ích mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng đó là, từ cấp trên xuống cấp dưới, chúng ta hiểu và áp dụng được công nghệ, mà không phải chỉ những người làm công nghệ mới áp dụng được công nghệ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số thay đổi văn hóa trong doanh nghiệp, bằng chứng là cấp lãnh đạo sẽ luôn luôn biết được người cấp dưới mình đang làm gì, làm đến đâu, kiểm soát được các quy trình công việc của từng cấp nhân viên.