Rào cản Panasonic chuyển hướng sang chiến lược mới

Panasonic đã thâu tóm hãng phần mềm Blue Yonder của Mỹ để chuyển hướng sang chiến lược mới.

 

Panasonic đã sở hữu nhiều tài sản vô hình hơn tài sản hữu hình lần đầu tiên vào cuối năm tài chính này khi tập đoàn này chuyển trọng tâm đầu tư từ sản xuất truyền thống sang các lĩnh vực như phần mềm, sở hữu trí tuệ… Số tài sản vô hình của Panasonic đã vượt xa 1.000 tỷ JPY, trong khi tài sản hữu hình chỉ 1.060 tỷ JPY.

Khi gia tăng tài sản vô hình của mình, Panasonic cũng đã và đang loại bỏ dần các tài sản hữu hình ít sinh lời. Trong đó, Panasonic đã thỏa thuận ủy quyền cho TCL sản xuất phần lớn các mẫu TV giá rẻ của Panasonic cho thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ kể từ năm tới.

Ông Hirokazu Umeda, Giám đốc tài chính Panasonic cho biết: “Với những thay đổi trong danh mục kinh doanh của chúng tôi, khoản đầu tư sẽ được tập trung vào các phần mềm thay vì thiết bị. Dự kiến, các thương vụ đầu tư như vậy sẽ tăng lên trong tương lai”.

Mặc dù vậy, GS. Heizo Takenaka, Đại học Keio (Nhật Bản) cho rằng, việc chuyển đổi của Panasonic sẽ gặp rất nhiều rào cản. Khi tập đoàn này gia tăng sở hữu công nghệ mới thông qua tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin, thì những tài sản đó sẽ chưa thể sinh lợi ngay, trừ khi Panasonic có nguồn nhân lực để tận dụng chúng. Bên cạnh đó, Panasonic sẽ gặp khó khăn trong đánh giá giá trị của tài sản vô hình, nhất là khi dùng tài sản này làm tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo GS. Heizo Takenaka, việc chuyển đổi chiến lược của Panasonic có thể mang đến cơ hội thu hút đầu tư cho các nước thuộc khu vực Châu Á. Bởi các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng chuyển rất nhiều đơn hàng gia công phần mềm sang các nước ASEAN theo công thức ASEAN + Trung Quốc, thay cho công thức Trung Quốc + 1. Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn từ sự chuyển mình của các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung và Pansaonic nói riêng.