TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) ở bên sông Bầu Giang và sông Trà Khúc, phía đông tiếp giáp với cửa biển, nhưng lý do vì sao nước không kịp thoát, thành phố vẫn bị ngậpnghiêm trọng?
TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) ở bên sông Bầu Giang và sông Trà Khúc, phía đông tiếp giáp với cửa biển, nhưng lý do vì sao nước không kịp thoát, thành phố vẫn bị ngập nghiêm trọng?
Sau những trận mưa lớn, nhất là đợt mưa vào cuối tháng 10 vừa qua, hàng loạt tuyến đường, nhà dân ở TP.Quảng Ngãi bị ngập sâu trong nước, điều chưa từng có từ trước đến nay.
Đợt mưa to từ ngày 22 đến 24.10 gây ngập nhiều tuyến đường của TP.Quảng Ngãi trong sự bất ngờ của nhiều người dân. Bởi ngập là do mưa chứ không phải do từ nước sông Trà Khúc dâng lên, trong đó có cả những con đường xưa nay ‘có nằm mơ’ cũng không dám nghĩ nó ngập.
Ngập ở TP.Quảng Ngãi ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân còn gây mất an toàn khi lưu thông |
Khu dân cư thành túi chứa nước
Điển hình như ngã năm cũ, nơi giao nhau của các con đường: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Phương, Phan Chu Trinh, Nguyễn Nghiêm, bị ngập sâu khoảng 1 mét. Ngay các con đường giao thông chính như Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tự Tân… người dân và xe cộ cũng phải bì bõm trong nước, chuyện xưa nay chưa hề xảy ra. Thậm chí ngay phía nam trục đường chính Hùng Vương cũng không thoát cảnh ngập nước.
Ngoài các tuyến đường nêu trên, các khu dân cư được cho là không thể nào ngập nước nhưng cũng ngập sâu, như khu dân cư Bắc Lê Lợi, khu dân cư Ngọc Bảo Viên… Trong đó, khu dân cư Ngọc Bảo Viên được xem là nơi cao ráo, lại ở gần sông Bàu Giang, ai ngờ bị nước nhấn chìm cả mét, hàng loạt nhà dân ở đây bị nước ập vào nhà.
Đường Nguyễn Tự Tân, TP.Quảng Ngãi ngập trong nước |
Một cán bộ làm việc ở VNPT Quảng Ngãi cho biết, nhà anh ở sát khu dân cư Ngọc Bảo Viên, lại thấp hơn nên “thê thảm” hơn: mức nước vào nhà là 1 mét. “Mùa mưa 2009 nước rất lớn, nhưng chỉ vào nền nhà sấp sấp bàn chân, nay thì ngập đến ngực. Ai nghĩ là bị vậy?”, anh cán bộ này nói.
Bà Nguyễn Thị Xuân ở khu dân cư Uhome, P.Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết, đã sống hơn 50 năm ở đây nhưng chưa bao giờ thấy nước ngập như năm nay. “Xưa là nước từ các mái nhà, máng nước chảy ra đường, giờ thì ngược lại, nước từ đường tuôn chảy ào ạt vào nhà”, bà Xuân nói.
Nhiều người dân ở tổ 3, P.Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi cho biết thêm, thành phố nhỏ này từng xảy ra nhiều trận lụt lớn, vào các năm 1966, 2009, nhưng chưa có trận nào mà nước chảy không hết như đợt lụt cuối tháng 10 vừa qua. Như năm 2009, nước tràn đê bao Trà Khúc, vậy mà chỉ vào nhà sấp ngang mắt cá chân rồi rút lẹ. Năm nay, lũ sông Trà chỉ báo động 2 mà khu dân cư tổ 3, P.Nghĩa Lộ lại đầy nước, ngoài đường 1 mét, còn trong nhà 40 – 60 cm nước. Chỉ trong tháng 10, phải chạy lụt đến 3 lần.
Một cán bộ nghỉ hưu trú ở tổ 3, P.Nghĩa Lộ, có chuyên môn trong ngành thủy lợi cho biết, khi làm nhà, ông đã cân đo kỹ lưỡng, nâng cao nền nhà thêm 40 cm, xem như lụt không thể vào nhà, vậy mà chào thua. Khu dân cư ông ở trở thành túi chứa nước, nước vào nhà hơn một ngày mới rút.
Các tuyến đường ngập 0,5 – 1 mét
Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi, trong đợt mưa vừa qua, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập sâu từ 0,5 – 1 mét. Có nhiều tuyến đường, khu vực dân cư bị nước bao vây trong thời gian suốt 2 ngày, gây hư hỏng mặt đường, sụp lún vỉa hè, gây tắc nghẽn giao thông; một số khu dân cư bị ngập có tốc độ thoát nước chậm, nên đến vài ngày nước mới rút hết.
Trục đường chính Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi biến thành sông |
Sau trận lụt này, ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, cho rằng đây là đợt ngập lụt lịch sử đối với thành phố. Còn ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khi đi thị sát ngập lụt đã nhận định, cả thành phố bị ngập là do nước từ phía sông Bàu Giang tràn vào thành phố quá lớn, cộng với mưa lớn kéo dài, nước thoát không kịp. Ông Minh cho rằng đây là điểm bất thường của đợt ngập lụt này.
“Nhà đầu tư, họ làm khu đô thị chú trọng lợi nhuận, ít quan tâm đến môi sinh. Tôi cho rằng vai trò của Sở Xây dựng trong việc để TP.Quảng Ngãi ngập là rất lớn”
Mổ xẻ nguyên nhân
Theo UBND TP.Quảng Ngãi, đợt lụt lịch sử cuối tháng 10 vừa qua, thành phố này có 19 địa điểm ngập lụt, ở 5 lưu vực, trong đó lưu vực phía nam đường Hùng Vương nhiều nhất với 12 địa điểm.
Qua phân tích, cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến bất thường: từ 19 giờ ngày 23.10 – 19 giờ 24.10, tổng lượng mưa trên địa bàn là 532 mm, vượt qua lượng mưa năm 2009 (525 mm) và được cho là trận mưa lịch sử 50 – 60 năm mới có một lần.
Lượng mưa từ thượng nguồn đổ vào sông Bàu Giang đoạn qua TP.Quảng Ngãi tăng đột biến 250 m3/giây, làm diện tích mặt cắt sông Bàu Giang không đủ đáp ứng nên nước sông tràn lên phía nam TP.Quảng Ngãi, gây ngập. Trong khi đó, hệ thống thoát nước các trục đường ở đường Quang Trung, Lê Thánh Tôn, Phạm Văn Đồng, Cao Bá Quát… quá cũ (xây dựng từ năm 2000), tiết diện đường kính cống nhỏ, xuống cấp, thoát nước kém. Hệ thống này đến nay vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.
Các hệ thống thoát nước của TP.Quảng Ngãi cũng chưa được nạo vét, duy tu bảo dưỡng. Hiện kênh Bàu Sắt, kênh Bàu He, hồ điều hòa ỏ Bàu Cả, Nghĩa Chánh… thì bị bồi lắng, cỏ dại mọc, nhưng không nạo vét khơi thông, làm giảm dung tích chứa, ảnh hưởng đến việc thoát nước từ trung tâm TP.Quảng Ngãi chảy ra.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, trong khi phát triển đô thị, việc xây dựng các khu dân cư, khu đô thị đã làm mất đi khá nhiều đồng, vũng trũng chứa nước tự nhiên lâu nay. Hệ thống thoát nước các khu dân cư, khu đô thị này lại không kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước của thành phố. Theo người dân, khi các khu đô thị, khu dân cư ‘mọc’ lên, đã làm cho 25 ha đất tự nhiên xem như túi nước bị san lấp…
Nhiều nguyên nhân gây ngập ở TP.Quảng Ngãi được nêu ra |
Theo Ông Võ Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, nước từ sông Bàu Giang tràn vào TP.Quảng Ngãi là do 3 hệ thống phân lũ chính của sông này bị tắc nghẽn. Đó là sông Phủ, chia 1/3 lũ của sông Phước Giang về, nhưng hiện đã bị bít hết bởi các dự án khu dân cư. Hệ thống phân lũ cống Đá ở H.Nghĩa Hành chảy xuống bị tắc nghẽn do các khu dân cư, đường giao thông chắn ngang và tắc nghẽn bởi đường cao tốc. Vì vậy, lượng nước từ thượng nguồn dồn hết về sông Bầu Giang, làm nước thoát không kịp tràn hết vào thành phố.
Theo kiến trúc sư Trần Bá Phước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Ngãi, khi xây dựng các khu dân cư Ngọc Bảo Viên, Bàu Cả, thì đường tiêu nước ra hai con sông (Bàu Giang phía nam và Trà Khúc phía bắc) đã nằm trong khu dân cư. Các kênh thoát nước ở đây được ngầm hóa dù đẹp về đô thị nhưng thoát nước kém, không đảm bảo. Chưa kể, các cánh đồng, bàu tự nhiên có lượng chứa nước rất lớn, giờ mất đi thì mất luôn khả năng trữ nước và dần thoát nước. Các khu dân cư, khu đô thị mọc lên, không quan tâm đến thoát nước ngập, nên khi nước không thoát được thì sẽ ngập là điều tất nhiên. “Nhà đầu tư, họ làm khu đô thị chú trọng lợi nhuận, ít quan tâm đến môi sinh. Tôi cho rằng vai trò của Sở Xây dựng trong việc để TP.Quảng Ngãi ngập là rất lớn”, kiến trúc sư Phước nói.
Một lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi cho rằng, những bất cập, hệ lụy gây ngập lụt khi xây dựng các khu dân cư, khu đô thị, trong quá trình thẩm định thời gian đến, dự án nào không đồng bộ về hạ tầng thoát nước, sẽ đề nghị điều chỉnh, bổ sung, nếu không sẽ không chấp thuận cho đầu tư dự án.
Hai giải pháp chống ngập ở TP.Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi cho biết, để chống ngập, TP.Quảng Ngãi đã phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Ngãi đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án ngắn hạn thì ưu tiên thực hiện trước mắt để rút ngắn thời gian tối đa ngập cục bộ trên địa bàn. Giải pháp này, TP.Quảng Ngãi tập trung nạo vét, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, kênh rạch, hồ điều hòa; tháo dỡ các công trình xây lấn chiếm, vật che chắn, cầu cống… để giải phóng dòng chảy. Đồng thời ưu tiên nguồn kinh phí để xây dựng các tuyến thoát nước ở các điểm thường gây ngập và lập kế hoạch xây dựng các tuyến tiêu thoát nước chính khu vực nội thành, kết nối đồng bộ với các khu dân cư, khu đô thị.
Giải pháp thứ hai mang tính dài hạn nhưng đảm bảo ổn định. Đây là việc làm có đánh giá toàn diện, chuyên sâu của ngành chuyên môn, chuyên gia, tư vấn. Trên cơ sở tính toán, rà soát toàn diện quy hoạch ngành thủy lợi, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, để xây dựng cơ sở dữ liệu, lập phần mềm quản lý hệ thống thoát nước đô thị. Trong đó sẽ xây dựng các kịch bản ngập cục bộ trên địa bàn, tương ứng từng cấp độ mưa lũ, để quản lý, điều chỉnh các bất hợp lý trong xây dựng đô thị và dự báo cho người dân chủ động ứng phó với ngập lụt và bước đầu hoàn thiện hệ thống thoát nước tương ứng.
Ngoài ra, theo UBND TP.Quảng Ngãi, việc đầu tư ngân sách chống ngập sẽ ưu tiên xây dựng các công trình đầu mối thoát nước như: đê kè sông Bàu Giang, trạm bơm cưỡng bức và hồ điều hòa phía nam thành phố, nâng cấp trạm bơm cưỡng bức phía bắc cũng như cải tạo hồ điều hòa, hoàn thiện các trục tiêu nước chính…
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.