K+ "hụt hơi" trước streaming

K+ đã liên tục thua lỗ

 

Theo đó, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) – đơn vị sở hữu kênh K+, đã liên tục thua lỗ. Năm 2019 lỗ sau thuế hơn 246 tỷ, năm 2020 lỗ 265 tỷ. Năm 2021, 11 tháng đầu năm lỗ 241 tỷ. Như vậy tính lũy kế VSTV đã nợ hơn 3.737 tỷ đồng. Con số này còn sẽ tăng thêm vì năm 2021 VSTV dự kiến chịu lỗ sau thuế đến 291 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của VSTV tính đến 30/9 là gần 886 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm gần 3.403 tỷ đồng.

Trước tình hình này, VTV – đơn vị nắm giữ 51% vốn sở hữu tại VSTV – đã đăng ký bán đấu giá công khai 15% vốn sở hữu với giá trị gần 189 tỷ. Thời gian chào bán là trong quý 4 năm 2021 và quý 1 năm 2022.

Đại diện VSTV cho biết đơn vị này luôn trong tình trạng thiếu vốn, do đó phải đi vay liên tục dẫn đến chịu khoản lãi lớn. Dù thua lỗ nhưng họ vẫn phải tăng cường đầu tư để cạnh tranh. Ngoài ra, xu hướng lên ngôi của các dịch vụ streaming cũng là nguyên nhân khiến doanh thu của VSTV tuột dốc.

Có thể nói việc một kênh truyền hình như K+ bị ảnh hưởng bởi xu hướng streaming không phải là chuyện hiếm. Vì cả thế giới cũng đang chứng kiến tình trạng này. Chẳng hạn theo thống kê trong năm 2020, có đến 6 triệu hộ gia đình tại Mỹ ngừng đăng ký các gói kênh truyền hình truyền thống – mức kỷ lục từ trước đến này. Số tiền cho quảng cáo trên TV cũng giảm 15% – tức là ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu các đài truyền hình. Trong khi đó số người dùng streaming lại tăng vọt.

K+ "hụt hơi" trước streaming

Streaming là xu thế chung

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lên ngôi của streaming. Chẳng hạn vì dịch bệnh, mọi người ở nhà nhiều hơn, nhu cầu xem các nội dung giải trí cao hơn. Vì vậy một dịch vụ tiện như streaming – xem ở nhiều thiết bị, thích thì xem nấy – sẽ là một phương án lý tưởng. Bên cạnh đó, các dịch vụ streaming đều có giá mềm hơn so với truyền hình truyền thống, trong khi nội dung lại cực kỳ đa dạng.

Sự lên ngôi của streaming là xu thế chung và nhiều ông lớn cũng đã chấp nhận và chạy theo xu thế này.

Đơn cử Disney đã tạm ngừng các kênh quen thuộc như Foxx, Disney channel tại các nước Đông Nam Á và Hồng Kông để đầu tư cho dịch vụ streaming Disney+ của mình. Dù mới ra mắt 2019 nhưng Disney+ đã trở thành đối thủ đáng gờm nhất hiện nay của Netflix.

Trong khi đó một số đơn vị lại chọn phương án triển khai dịch vụ streaming song song với truyền hình truyền thống. Ở nước ngoài thì có HBO và HBO Go. Ở Việt Nam thì có VTV và VTV Go. Hay FPT cũng tuyên bố khai tử thương hiệu truyền hình FPT và hợp nhất vào dịch vụ streaming FPT Play.

Với tình hình hiện tại, chắc chắn tương lai streaming vẫn tiếp tục phát triển và soán ngôi truyền hình truyền thống. Đã có nhiều đài truyền hình Việt Nam nhạy bén với xu thế và có những bước đi hợp thời như VTV hay FPT Play. Đó có thể là một phương án để K+ cân nhắc.