Vì sao Con Cưng mở Super Center?

Theo thông tin từ đại diện thương hiệu, Super Center của Con Cưng là khu phức hợp gồm cửa hàng buôn bán các sản phẩm của Con Cưng, khu vui chơi, nhà sách cho trẻ em, quán cà phê cho gia đình vào buổi tối. Ngoài ra Con Cưng còn dành một tầng cho dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, sinh sản và chăm sóc con cái.

Tòa nhà sẽ mang màu hồng rực đặc trưng của Con Cưng với diện tích 2.000m2 và nằm tại một trong những mặt bằng đẹp nhất thành phố. Đây sẽ là một điểm nhấn của Con Cưng bên cạnh 600 cửa hàng bán lẻ đang vận hành trên toàn quốc.

Ông Lưu Anh Tiến, CEO Con Cưng, cho biết “nước cờ” Super Center này muốn nhắm đến Gen Z, cụ thể là lứa 1995-2000. Theo ông, khách hàng thuộc lứa tuổi này mong muốn những địa điểm đẹp, phong cách, vừa có thể “ăn chơi” vừa có thể mua sắm. Trong chăm sóc và nuôi dưỡng con cái cũng như vậy. Nếu có một địa điểm vừa có thể mua sắm các món đồ mẹ và bé, vừa có thể ăn uống, vui chơi, check-in thì chắc chắn sẽ được lòng Gen Z.

Ngoài ra, ông Tiến cũng khá tự tin vì thị trường mẹ và bé vẫn phát triển đều ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh.

Việc Con Cưng mở Super Center có vẻ không phải là một bước chơi ngông và quá mới mẻ. Thực tế, mô hình ăn chơi kết hợp mua sắm đang nở rộ thời điểm gần đây và có xu hướng phất lên trong thời gian tới.

Vì sao Con Cưng mở Super Center?

 

Đơn cử, thương hiệu đồ chơi huyền thoại Toy R Us sau một thời gian đóng cửa các cửa hàng ở Mỹ đã quay trở lại với một cửa hàng “chủ soái” (flagship) hoành tráng. Cửa hàng này không chỉ bán sản phẩm, mà còn tích hợp một số điểm vui chơi giải trí, tiệm kem và tiệm cà phê.

Ở đây Toy R Us đang đi theo một chiến lược mà các trung tâm thương mại lớn ở Mỹ đang theo đuổi. Đó là trước tiên phải xây dựng trải nghiệm mua sắm thú vị cho khách hàng bằng cách kết hợp một điểm nhấn nào đó. Có thể là khu ăn uống ngoài trời, cửa hàng tạp hóa hay một khu trượt tuyết. Tức là giờ đây cần cho khách hàng ăn uống, vui chơi trước rồi họ mới mua sắm sau.

Xu thế này cũng khá phù hợp với những dự báo chiến lược bán lẻ của năm 2022 do Justine Abrams, người sáng lập kiêm CEO của nền tảng phân tích và dữ liệu bán lẻ FlagshipRTL, đưa ra.

Theo đó, ông cho rằng năm 2022 các cửa hàng thực địa sẽ trở lại. Những cửa hàng này sẽ không chỉ là nơi mua sắm, mà còn là nơi để khách hàng ăn chơi, giải trí. Ví dụ cửa hàng của hãng bán đồ thể thao Dick’s Sporting Goods còn có các lồng đánh bóng, tường leo núi và trồng cây xanh.

Như vậy có thể thấy Super Center của Con Cưng là đang đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, đây là một xu thế rất mới. Trên thế giới, nổi tiếng nhất trong chiến lược này là Disney. Ngoài Disney ra thì vẫn còn khá ít thương hiệu thành công tương tự. Và Super Center của Con Cưng ở Việt Nam cũng như vậy, cũng rất mới và cần chờ thời gian mới có thể biết sự hiệu quả của chiến lược này thế nào.