Từ cô gái dân tộc đam mê làm phim, Hà Lệ Diễm đã có hành trình ngược chiều để trở thành đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021.
Cuộc đời mỗi người có rất nhiều cuộc hành trình, dài ngắn khác nhau. Mỗi cuộc hành trình sẽ đem đến cho chúng ta những thành công, những thất bại, những bài học, những cảm giác mới lạ…để tạo đà bước tiếp. Với chương trình Cất cánh, năm 2018 một cuộc hành trình mới bắt đầu bằng chủ đề “Khời đầu mới”. Trải qua 4 năm, trên đường băng Cất cánh đã tạo đà cho những chuyến bay không ngừng nghỉ, đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: hân hoan, thán phục, bình an, tin tưởng, hy vọng… Mở đầu cho năm 2022 của Cất cánh, chương trình đã được bắt đầu bằng chủ đề “Hành trình mới”.
Các khách mời của chương trình Cất cánh mở đầu năm 2022
Kể về hành trình của mình tại đường băng Cất cánh, đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đã khiến khán giả truyền hình rất ấn tượng. Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí, nhưng cô gái dân tộc Tày lại bén duyên với phim tài liệu khi tham gia một khóa học tại trung tâm TPD năm 2011 và workshop Phim tài liệu trực tiếp năm 2016 của Varan. Từ đó, Hà Lệ Diễm thích làm phim và nghĩ nó phù hợp với mình vì thích tự cầm máy quay, có thời gian đi, lắng nghe các câu chuyện và nhìn ngắm.
Bộ phim Những đứa trẻ trong sương dài 92 phút của Hà Lệ Diễm là một trong 14 tác phẩm tranh giải tại hạng mục phim quốc tế, thành viên Ban giám khảo của hạng mục này là những nhà làm phim có tiếng như Arne Birkenstock, Claire Diao, Elena Fortes, đã ghi nhận cô là “Đạo diễn xuất sắc nhất”, đồng thời Lệ Diễm cũng nhận giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay. Tuy nhiên, trước khi đến với thành công, Hà Lệ Diễm cũng có những hành trình không dễ dàng.
Mỗi khi làm phim tài liệu, Lệ Diễm dành thời gian dài kết nối cùng với nhân vật. Cô nhớ mãi về nhân vật mình làm phim đầu tay, đó là một phụ nữ người Dao bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Lúc ấy, Lệ Diễm vẫn đang là một sinh viên, cứ có thời gian rảnh là mình bắt xe từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo, lội suối đến căn nhà mái lá cheo leo và đơn độc giữa rừng núi của chị ấy, được ở cùng chị, ăn cùng chị những bữa cơm trắng vẻn vẹn măng xào, nộm ớt và nghe chị kể chuyện đời mình, để thấy cả niềm tin yêu và hi vọng sống chị dồn vào đứa con trai duy nhất. Hàng ngày, chị đạp xe bốn lần quãng đường 10 km để đưa cậu con trai nhỏ đến trường mẫu giáo. Hai chị em thân thiết đến mức, khi Diễm chính thức bấm máy, nhân vật của Diễm không mảy may bận tâm đến sự hiện diện của máy quay. Chị đi vào phim của Diễm tự nhiên như một hơi thở… Phim đó được cô đặt tên là Con đi trường học, bấm máy năm 2012, với số tiền được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đây cũng chính là là bộ phim mà một mình cô đảm nhiệm tất cả các vai trò sản xuất, đạo diễn, quay phim, dựng phim…, chỉ với máy ảnh để quay. May mắn là Con đi trường học nhận được sự đồng cảm của nhiều người, đã giúp Diễm nhận Cánh diều bạc năm 2013 ở hạng mục phim ngắn, khi ấy cô vừa tốt nghiệp đại học, một dấu mốc và động lực cho bản thân Diễm bước tiếp trên con đường làm phim.
“Lựa chọn làm phim độc lập, em bị người thân và bạn bè gàn nhiều. Đặc biệt là mẹ cương quyết phản đối. Vì chuyện này hai mẹ con, chiến tranh lạnh với nhau một thời gian. Có hôm giận mẹ, mình tắt máy điện thoại. Mẹ lại phải gọi cho bạn thân hoặc bạn bè cùng phòng trọ để hỏi xem cái con gái ra sao. Biết tôi làm phim độc lập kinh tế không ổn định, mẹ lại lặng lẽ gửi tiền lên chu cấp. Trái với cái tên Hà Lệ Diễm gợi nhắc hình ảnh nữ tiểu thư khuê các, xinh đẹp và dịu dàng trong tiểu thuyết mẹ đọc. Ngay từ bé, tôi đã mạnh mẽ, độc lập và ngang bướng”, Lệ Diễm tâm sự.
Nhiều người cũng bảo Lệ Diễm điên mới bỏ việc đi làm phim độc lập, vất vả lại không có nguồn thu ổn định, thậm chí phải bỏ thêm tiền túi để làm. Họ cũng bảo Diễm hâm, làm phim gì không làm lại đi làm tài liệu, vốn chẳng mấy người xem. Cô cũng quen với những cái nhìn không thiện cảm khi là con gái mà lúc nào trông cũng bụi bặm, lang bạt đủ nơi, đi đêm về hôm.
Những đứa trẻ trong sương mà Lệ Diễm được ghi nhận tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021- Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Phim kể về cuộc sống của Di, một bé gái 12 tuổi người Mông sống tại Sa Pa. Di muốn đi học, nhưng sinh ra ở nơi có tục bắt cóc vợ, điều này đã cản trở ước mơ được đến trường của cô bé.
BTV Minh Hằng
“Khi còn nhỏ, tôi chơi với 3 cô bạn gái khác. Một trong số đó lấy chồng từ rất sớm, điều đó khiến tôi cảm thấy buồn cho số phận của cô bạn này. Cho nên khi nhìn thấy Di cùng bạn giả chơi trò bắt cóc vợ, tôi muốn làm phim về cô bé vì Di làm tôi gợi nhớ về ký ức đó”, Lệ Diễm kể.
Hà Lệ Diễm rời quê xuống Hà Nội học 10 năm trước và cũng đi làm xa quê suốt nên ít có cơ hội đi các huyện xa ở quê. Những vùng đó còn giữ được các nét văn hóa truyền thống nhiều. Hiện tại, cô đang ở quê hương Bắc Kạn để tiếp tục khảo sát. Điều cô mong muốnn tìm kiếm là những câu chuyện, những vùng đất ấn tượng.
“Tôi ấp ủ những nội dung về mối quan hệ giữa trẻ con và thiên nhiên, các câu chuyện về trẻ em gái hay phụ nữ,…Hành trình của tôi sẽ vẫn bước tiếp như vậy, và không dừng lại!”, cô nói.
Nguồn: vtv.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.