Trong 2 tuần liên tiếp, kết quả đánh giácấp độ dịch tại TP.HCMtheo Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế là cấp độ 1, tức vùng xanh.
Trong 2 tuần liên tiếp, kết quả đánh giá cấp độ dịch tại TP.HCM theo Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế là cấp độ 1, tức vùng xanh.
Trước đó, ngày 19.10.2021, lần đầu tiên TP.HCM công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ghi nhận ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình – màu vàng) và duy trì liên tục đến đầu tháng 1.2022. Ngày 8.1, TP.HCM đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp – vùng xanh) và duy trì đến nay. Các chỉ số về số ca mắc mới, ca chuyển nặng phải nhập viện trong các tuần qua đều có xu hướng giảm bền vững, khác hẳn với những “ngày tháng đau thương” của 4 – 5 tháng trước đó, khi TP.HCM giãn cách xã hội (có ngày số ca tử vong lên đến 340 ca).
Tiêm vắc xin mũi 3 phòng Covid-19 cho người dân TP.HCM |
Ca tử vong giảm còn 1 con số
Tính đến hết ngày 15.1, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung chỉ còn 427 ca (cao điểm 6.000 ca) và 15.154 ca đang cách ly tại nhà (cao điểm 68.000 ca). Như vậy, tổng số ca Covid-19 tại TP.HCM đến ngày 16.1 là 19.150 ca, chỉ bằng 1/4 so với kỳ cao điểm sau ngày 1.10 (cao điểm gần 90.000 ca). Số ca nặng ngày càng giảm và số tử vong tại TP.HCM cũng nằm ở mức dưới 20 ca/ngày. Đáng chú ý, ngày 16.1, TP.HCM có 15 ca tử vong nhưng có đến 6 ca ở các tỉnh chuyển đến. Như vậy, kể từ tháng 7.2021 đến nay, thì ngày 16.1 số tử vong tại TP.HCM thấp nhất, chỉ còn 1 con số (9 ca).
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 16.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá: “Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và mối nguy cơ của biến chủng Omicron vẫn còn là ẩn số. Người dân tuyệt đối không chủ quan và phải tiếp tục duy trì thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người trong dịp Tết Nguyên đán”. Ông Đức nhìn nhận để duy trì “màu xanh” bền vững cho TP.HCM thì rất cần ý thức tự giác của người dân vì sức khỏe, lợi ích của bản thân, của gia đình và toàn xã hội.
Trong khi đó, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc ca bệnh tại TP.HCM giảm nhiều như hiện nay là kết quả của hoạt động tiêm vắc xin, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền các cấp, của ngành y tế và ý thức người dân ngày càng nâng cao. Và các chuyên gia y tế đánh giá việc kéo giảm ca bệnh này là bền vững trong 2 – 3 tháng tới.
Tạm ngưng hàng loạt bệnh viện dã chiến
“Tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và số ca tử vong tiếp tục giảm. Hiện tại, số lượng người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến (BVDC) của TP.HCM chiếm khoảng 10 – 30% công suất giường bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa có thông báo đến các bệnh viện về tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế, nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ ngày 19.1 cho đến khi có thông báo mới, tạm ngưng hoạt động BVDC Củ Chi, số 3, số 5, số 10. Nhân viên y tế, nhân viên khác đang tham gia công tác tại 4 BV này tạm thời trở về đơn vị để thực hiện nhiệm vụ theo phân công của giám đốc đơn vị chủ quản.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị giám đốc các BV luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch trong vòng 24 giờ khi Sở Y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các BVDC. Khi tạm ngưng hoạt động, người bệnh đang được điều trị tại các BV trên, nếu đủ điều kiện xuất viện thì cho người bệnh xuất viện, người bệnh cần tiếp tục điều trị sẽ được điều chuyển tới các BV điều trị Covid-19 khác trên địa bàn. Ban giám đốc các BVDC trong thời gian tạm ngưng hoạt động có kế hoạch và phân công nhân sự trực gác để bảo quản tài sản.
Đối với BVDC số 12 được giao nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc người nhập cảnh dương tính, người nhiễm biến chủng Omicron, Sở Y tế sẽ điều động bổ sung nhân viên y tế từ các BV khác.
Tỷ lệ bao phủ vắc xin cả nước đạt 94%
Đến chiều 16.1, theo cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cả nước đã tiêm hơn 168 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên hơn 152 triệu liều. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 với người từ 18 tuổi trở lên là 100%, mũi 2 là 94% và mũi 3 là 14,7%.
Tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ từ 12 – 17 tuổi là gần 15 triệu liều, trong đó mũi 1 hơn 8 triệu liều, mũi 2 hơn 6,4 triệu liều. Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 – 17 tuổi trong tháng 1.2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1/2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 – 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Đồng thời, chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực tiễn thế giới và VN.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.