VinFuture - Một giải thưởng đề cao “thực chiến”

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải

 

Tối qua, giải thưởng VinFuture lần thứ nhất đã được công bố tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Bốn nhóm/nhà khoa học được vinh danh gồm có:

Giải cao nhất được trao cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis với công trình “Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người”.

Giải thưởng cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trao cho hai vợ chồng nhà khoa học từ Nam Phi, bà Salim Abdool Karim và ông Quarraisha Abdool Karim, với sáng chế gel có chứa dược chất tenofovir – sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.

Giáo sư Zhenan Bao nhận giải thưởng dành cho nữ giới với công trình nghiên cứu da điện tử có thể tự lành, siêu co giãn và cảm nhận như da thật.

Giải về lĩnh vực mới được trao cho Giáo sư Omar M.Yaghi – nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan. Công trình nghiên cứu của ông mang đến câu trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu liệu có thể đạt được gì. Nước có thể tạo ra từ không khí có thể tách CO2 từ không khí và từ đó tạo ra nhiên liệu đốt.

Có thể nhận thấy, các công trình này đều mang tính “thực chiến”, rất gần với việc ứng dụng trong thực tế. Đặc biệt, công trình về mRNA còn đang ứng dụng thương mại rất rộng rãi trong bào chế vắc xin chống COVID-19 trên toàn thế giới.

Có thể nói, VinFuture là một giải thưởng khá hiếm hoi chú trọng vào các công trình “thực chiến”, gần với ứng dụng thương mại. Nói về giải thưởng dành cho khoa học thì hiện nay trên thế giới có khá nhiều giải thưởng rất uy tín và lâu đời. Đó là giải Nobel dành cho Vật lý, Hóa học, Sinh y học, là giải Abel, giải Field cho Toán học hay giải Turing cho khoa học máy tính,…

Đa phần các giải lừng lẫy truyền thống này lại thường trao cho các công trình nghiên cứu khá “cao siêu”, mang tính hàn lâm, chủ yếu là các công trình lý thuyết và vượt khá xa sự hiểu biết của đa phần mọi người. Mà từ công trình hàn lâm tới thương mại hóa là cả một quãng đường rất rất dài. Thành thử, rất nhiều người không biết những công trình này sẽ giải quyết vấn đề nào trong đời sống thực tế. VinFuture đang chọn khe cửa này để đi.

VinFuture tôn vinh những công trình đã hoặc sẽ có tiềm năng mang đến những giải pháp có thể áp dụng vào cuộc sống đời thường của người dân bình thường chứ không chỉ là những nghiên cứu mang tính chất vĩ mô hay hàn lâm xa rời thực tế. Điều đó cho thấy một tầm nhìn thiết thực mà giải thưởng này đem lại.

Trả lời báo chí tại Việt Nam chiều 17/1, TS Katalin Kariko – tác giả công nghệ mRNA đạt giải cao nhất lần này, cho rằng bà đến với khoa học chỉ với mục đích “giải bài toán thực tiễn”. Công trình về mRNA của bà đã được ứng dụng trực tiếp vào bào chế vắc xin COVID-19 đang được hàng tỷ người trên thế giới sử dụng, mang lại cho hãng Moderna và Pfizer gần 100 tỷ USD doanh thu. Hãng Moderna còn dự định sử dụng công nghệ này để làm vắc xin HIV.

Như vậy có thể thấy, Vingroup là một doanh nghiệp. Họ có tư duy của thị trường nên giải thưởng VinFuture cũng mang tư duy như vậy. Giải này tôn vinh các công trình gần với việc ứng dụng thương mại. Đó có thể là sự khác biệt mang lại thành công cho VinFuture để tồn tại cùng hàng loạt các giải thưởng hàn lâm truyền thống trên thế giới.