“Bùng nổ” hiệu sách ở Trung Quốc

 

Mạng xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp tiêu dùng ở Trung Quốc. Sản phẩm hay dịch vụ của họ phải phục vụ được nhu cầu “khoe” mạng xã hội mới có thể “ăn khách”. Một trong những xu hướng đang được ưa chuộng hiện nay ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân là các cửa hàng sách được thiết kế độc đáo và tinh tế. Đây chính là điểm đến thu hút nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ Trung Quốc đang tìm kiếm những trải nghiệm mới.
Khách hàng bây giờ chủ yếu tìm kiếm thứ mà họ có thể mang đi khoe với bạn bè. Bằng cách đó, họ cảm thấy thích thú, hay đơn giản là họ cảm thấy có sự đồng điệu và hòa hợp với sản phẩm
Hiệu sách đẹp hiện nay là một trong những địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ. Bên cạnh việc trang trí nội thất bắt mắt, điển hình là phong cách hoài cổ, nhiều hiệu sách còn kinh doanh thêm dịch vụ bán cà phê, văn phòng phẩm và quà tặng.
Những trung tâm mua sắm cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng này, khi thay vì chỉ tập trung kí hợp đồng với những nhãn hàng bán lẻ lớn, họ đã chuyển sang liên hệ với các quán cà phê và trà bánh, hiệu sách được thiết kế đẹp và những cửa hàng bán đồ theo trào lưu khác.
Một số trung tâm thương mại còn giảm giá thuê mặt bằng cho các hiệu sách đẹp xuống còn một phần ba, hay thậm chí một phần tư so với giá thuê bình thường của những cửa hàng quần áo và mỹ phẩm.
“Bùng nổ” hiệu sách ở Trung Quốc

 

Cô gái thế hệ 9x Hoàng Mai đã từ bỏ công việc của mình từ năm 2019 tại công ty công nghệ để chuyển sang làm blogger du lịch. Hiệu sách yêu thích nhất của Mai là cửa hiệu được đặt trong khu tứ hợp viện ở Bắc Kinh. Bao quanh hiệu sách là các ngôi nhà truyền thống Trung Hoa. Bên trong, cửa hiệu bố trí một không gian đọc sách rộng rãi và trưng bày những món đồ hoài cổ như xe đạp hay biển hiệu cũ.
Ngoài ra, Mai cũng thường đến một tiệm sách khác nằm bên trong nhà thờ Anh giáo đầu tiên ở thủ đô.
“Rất nhiều người tới đây chỉ để check-in”, Mai nói. Theo cô, việc đến cửa hàng sách hiện nay không nhất thiết là để mua sách. Nhiều cửa hàng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch hoặc nơi nghỉ ngơi, thư giãn của mọi người.
Điển hình là hiệu sách đẹp và “độc” nhất Trung Quốc – Librairie Avant-Garde đã thu về 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương với 234,375 đô la Mỹ) trong năm vừa qua với thiết kế độc đáo dưới hầm trú bom cũ ở Nam Kinh.
Sự lựa chọn đầu sách của những cửa tiệm kiểu này thường tập trung vào nghệ thuật và phong cách thiết kế, và phần lớn diện tích của hiệu sách dùng để bày bán các mặt hàng lưu niệm và quà tặng.
Có lãi  
hay không?

“Bùng nổ” hiệu sách ở Trung Quốc

 

Nhưng liệu những tiệm sách đang sốt này có thật sự kiếm được lợi nhuận từ việc bán sách hay không? Cho đến nay, câu trả lời vẫn chưa được rõ ràng.
Nhưng những hiệu sách như vậy vẫn đang tiếp tục ra đời.
Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha, tính từ năm 2017, mỗi năm có hơn 40.000 doanh nghiệp đăng kí kinh doanh dưới dạng nhà sách. Trong tháng 11 năm 2021, số lượng doanh nghiệp kinh doanh hiệu sách đã đạt 39.000, tăng 6% so với cùng kì năm trước. Tổng số nhà sách đóng cửa vẫn thấp hơn khoảng 10.000 so với số lượng doanh nghiệp mới lập ra.
Việc kinh doanh cửa tiệm sách không phải là một việc dễ dàng trong thời đại kĩ thuật số hiện nay. Điển hình là trong năm vừa qua, chuỗi cửa hàng sách nổi tiếng Yanyouji đã gặp phải nhiều rắc rối tài chính. Điều này làm dấy lên những cuộc thảo luận về tương lai của các cửa tiệm ăn ảnh, đồng thời cũng phản ánh những khó khăn trong việc quản lí doanh nghiệp, kể cả khi danh tiếng của cửa tiệm đã đạt được sức hút trên mạng xã hội.
Cơ hội và 
thách thức

“Bùng nổ” hiệu sách ở Trung Quốc

 

Trong số 46 thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc đã bùng nổ theo xu hướng vào năm 2018, chỉ có 17 thương hiệu vẫn hoạt động tốt cho tới nay. Theo ông Derek Deng, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tiêu dùng có xu hướng sử dụng các trang thương mại điện tử và mạng xã hội để hấp dẫn khách hàng vào giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, sẽ rất khó để những doanh nghiệp này mở rộng thị trường, ví dụ như việc phân bố ở các cửa hàng và đại lí.
“Vấn đề là khi bạn thu hút khách hàng đến mua sản phẩm của bạn lần đầu, làm thế nào để khiến họ quay lại đây thêm lần nữa?”, ông Derek nói. Tỷ lệ mua hàng lặp lại là một trong những yếu tố quan trọng nhất để các thương hiệu đi từ thành công đầu tiên đến việc phát triển bền vững. Đối với việc kinh doanh hiệu sách, điều cần quan tâm chính là làm cách nào để thu hút những người đến tham quan và check-in quay lại đó lần thứ hai và mang lại doanh thu cho cửa hàng.
“Theo quan điểm của tôi, kinh doanh hiệu sách có thể tồn tại”, ông Châu – trưởng bộ phận nghiên cứu ở JLL nói. Điều này tùy thuộc vào chiến lược của họ để thích ứng với thị trường bán lẻ trong tương lai.