>>Sun Group tham vọng gì ở hãng hàng không “siêu sang” Sun Air?

DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Sun Air "cập nhật" xu hướng hàng không xa xỉ thế giới

Theo đó, vào ngày 2/3/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại cho công ty TNHH Sun Air (thuộc Sun Group). Thông tin từ phía Sun Group cho biết sau khi lấy được giấy phép, trong tháng 3 này Sun Air sẽ chính thức “trình làng”, với mục tiêu trở thành một hãng hàng không cung cấp dịch vụ máy bay phản lực thương gia. Hay nói cách khách, Sun Air là hãng hàng không xa xỉ với tệp khách hàng là giới thượng lưu.

Sun Air cung cấp các dịch vụ bay được cá nhân và chuyên biệt hóa, với hai loại hình: dịch vụ quản lý tàu bay tư nhân và dịch vụ bay thuê chuyến, bay tham quan ngắm cảnh, du lịch bằng trực thăng và thủy phi cơ. Hành khách của Sun Air sẽ là những người có khả năng chi trả cao cho những hoạt động như đi công tác, khảo sát, chữa bệnh, du lịch và nghỉ dưỡng xa xỉ.

Theo đại diện Sun Air, trong giai đoạn đầu Sun Air sẽ khai thác 2 chiếc Gulfstream G650ER. Đây là loại tàu bay có sức chứa tối đa 17 hành khách ngồi hoặc 6 – 8 giường nằm. Giai đoạn tiếp theo các loại Gulfstream G700 (21 khách ngồi, 10 giường nằm), trực thăng, thủy phi cơ và các loại máy bay siêu sang như Boeing BBJ hay Airbus ACJ cũng được đưa vào kế hoạch.

Thị trường mục tiêu của Sun Air là Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v..

Kế hoạch này của Sun Grop có vẻ đang gặp “thiên thời”, bởi hàng không xa xỉ là xu hướng đang lên trên thế giới. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hàng không xa xỉ đã dần phát triển trở lại từ năm 2021 và tiếp tục nở rộ trong năm 2022. Trên thực tế tháng 7/2021 ghi nhận nhiều chuyến bay xa xỉ nhất, với 12.345 chuyến bay. Đây là con số lớn nhất từng được ghi nhận kể từ 20 tháng 3 năm 2008.

Sự phát triển của hàng không xa xỉ là xu hướng dựa trên nhu cầu giữ an toàn của khách hàng trong điều kiện bình thường mới.

DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Sun Air "cập nhật" xu hướng hàng không xa xỉ thế giới

 >> Cục Hàng không kiến nghị xem xét cấp phép cho hãng bay IPP Air Cargo

Chẳng hạn, nếu sử dụng các chuyến bay thương mại thông thường, hành khách lo lắng vấn đề ngồi cạnh một người không quen biết. Ngoài ra, việc xếp hàng dài để làm thủ tục check-in hoặc sử dụng nhà vệ sinh chung cũng khiến nhiều người e ngại trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống như hiện nay.

Ngay cả khi vaccine đã được phủ rộng và các biện pháp giãn cách cũng được nới lỏng bớt, nhưng rất nhiều người vẫn còn e ngại khi sử dụng máy bay thương mại. Tâm lý này lại là cơ hội để hàng không xa xỉ lên ngôi.

Hàng không xa xỉ hội tụ đủ yếu tố đáp ứng nhu cầu “giãn cách an toàn” của khách hàng khi chỉ chuyên chở một số lượng rất ít khách trong mỗi chuyến. Ngoài tính riêng tư, hàng không xa xỉ còn giúp hành khách di chuyển nhanh hơn và có nhiều trải nghiệm sang trọng hơn.

Ngay cả khi nhiều người nghĩ rằng hàng không (cả thương mại lẫn xa xỉ) đều không còn quan trọng trong thời đại làm việc từ xa hiện nay, thì vẫn còn rất nhiều hành khách sẵn sàng chi tiền để tận hưởng những chuyến bay an toàn, riêng tư đến những điểm du lịch sau khoảng thời gian bó buộc vì giãn cách xã hội.

Theo các nhà phân tích, trong năm 2022, các chuyến bay xa xỉ sẽ đón nhận thêm nhiều lớp khách hàng mới, là những người trước đây thường bay hạng nhất hoặc hạng thương gia ở các chuyến bay thương mại.

Và vũ khí marketing mạnh nhất của hàng không xa xỉ vẫn gắn liền với những đặc điểm chính: bay nhanh hơn, trải nghiệm cao cấp, đảm bảo vệ sinh, thủ tục bay nhanh gọn, không phải xếp hàng check-in, ít tiếp xúc với người khác…

Quay trở lại với Sun Air. Với lộ trình chính thức đưa vào khai thác từ quý 3 năm 2022, có vẻ như Sun Air đang quyết tâm bắt kịp xu hướng với thế giới. Nếu được đầu tư và khai thác đúng hướng, đây sẽ là một bước đầu tư thành công của Sun Group, vì nhu cầu của hành khách tại các thị trường mà Sun Air nhắm tới vẫn rất cao.