Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ tháng 6 tới đây, 25 thủ tục hành chính thiết yếu sẽ được số hóa để người dân có thể ngồi nhà thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ tháng 6 tới đây, 25 thủ tục hành chính thiết yếu sẽ được số hóa để người dân có thể ngồi nhà thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, những chuyển động về chuyển đổi số đã và đang đạt những kết quả tích cực. Dự kiến từ tháng 6 tới, người dân, doanh nghiệp có thể ngồi ở nhà thực hiện 25 thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến đời sống dân sinh.
Theo đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 06 ngày 6.1.2022 (Đề án 06), trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ được thụ hưởng nhiều tiện ích từ cơ sở các thông tin, dữ liệu được các bộ, ngành xây dựng, phát triển trong những năm qua. Trước mắt sẽ là cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN.
Hiện nay, công an toàn quốc đã cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân có nhu cầu |
Bằng 2 cuộc họp với sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu Chính phủ, các mục tiêu trọng tâm và cụ thể theo Đề án 06 đã và đang được các bộ, ngành liên quan nỗ lực để hiện thực hóa. Trong đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, từ tháng 6 tới đây, người dân có thể ngồi nhà để thực hiện 25 TTHC thiết yếu thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu gồm những giao dịch sát sườn với đời sống người dân gồm: đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng; đăng ký biến động về nhà đất; cấp đổi đăng ký xe, giấy phép lái xe; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; nộp phạt hành chính; cấp điện và mua bán điện; trợ cấp thất nghiệp… cùng các thủ tục liên quan đến hộ tịch như cấp giấy khai sinh; đăng ký kết hôn, khai tử…
Sẵn sàng cho kết nối
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, 25 TTHC thiết yếu trên trong những năm qua đã được các bộ, ngành cải cách TTHC ở nhiều cấp độ khác nhau. Với yêu cầu của Thủ tướng tại Đề án 06, các thủ tục này phải được thực hiện trực tuyến theo hướng ‘‘số hóa’’ toàn bộ. Để thực hiện đòi hỏi phải có sự tích hợp, chia sẻ giữa dữ liệu quốc gia về dân cư, là dữ liệu gốc và dữ liệu chuyên ngành, cùng với sự phối hợp của Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại địa phương.
Cụ thể, một người dân khi muốn thực hiện các TTHC liên quan đến hộ khẩu, hộ tịch thì thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia đăng nhập các thông tin về cá nhân, nhu cầu giao dịch. Các thông tin này sẽ được xác thực bởi các dữ liệu gốc và chuyên ngành, như hộ khẩu (Bộ Công an), hộ tịch (Bộ Tư pháp)… và được tự động giải quyết.
Sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT ở TP.HCM ra sao ?
Liên quan đến số hóa TTHC thiết yếu tại TP.HCM (hơn 10 triệu dân, với hàng chục triệu lượt KCB mỗi năm), ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay cơ quan BHXH đã triển khai đến tất cả các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn và hiện các đơn vị đang triển khai chương trình này (thí điểm sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT). Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu người đã được đồng bộ dữ liệu.
Theo ông Mến, do việc xác thực thông tin công dân giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện nên qua ghi nhận bước đầu, có trường hợp sử dụng thẻ CCCD gắn chip KCB BHYT thì đã được kích hoạt và hiển thị dữ liệu, nhưng cũng có một số trường hợp gặp trục trặc, chưa tích hợp… Vì vậy, người dân khi đi KCB sử dụng CCCD gắn chip lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID – BHXH số.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin hiện cơ quan BHXH cùng ngành y tế đang phối hợp thực hiện, giám sát chương trình này (thí điểm sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT). Bà Mai lưu ý không phải tất cả công dân của TP.HCM đều sử dụng CCCD gắn chip, chính vì vậy, song song thí điểm chương trình này thì các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn vẫn phải sử dụng CMND/CCCD để phục vụ cho các đối tượng KCB.
Phạm Thu Ngân
Với vị trí là “xương sống” của Đề án 06 thông qua dự án Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết đến nay đã hoàn thành số hóa và lưu trữ tập trung thông tin của hơn 98 triệu dân cư tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; được vận hành thông suốt, hằng ngày bởi hơn 60.000 cán bộ, chiến sĩ công an của gần 11.000 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Từ CSDL quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân… CSDL cũng được triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, CSDL của một số bộ, ngành và các tỉnh, TP trên cả nước, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (C06 – Bộ Công an), cho biết Thủ tướng giao tiến độ cho Bộ Công an và các bộ, ngành trong tháng 6 tới đây phải đảm bảo các điều kiện cần thiết để ưu tiên triển khai 25 TTHC thiết yếu, song các bộ, ngành đều phấn đấu hoàn thành trước thời hạn. ‘‘Riêng Bộ Công an, đến thời điểm này thì CSDL quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu cho các bộ, ngành liên quan’’, ông Tấn nói.
Cụ thể, hiện nay Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ (đơn vị quản lý Cổng dịch vụ công quốc gia) đã hoàn thành công việc cần thiết để người dân, DN thực hiện các TTHC về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, cấp CCCD,
hộ chiếu, làm con dấu… ở cấp độ 3 – 4 (người dân chủ yếu thực hiện các thủ tục qua mạng). Số liệu Bộ Công an cung cấp cho thấy hồ sơ tiếp nhận trong lĩnh vực cư trú đã tăng gấp đôi so với trước, kết quả giải quyết đúng hạn tăng từ 89% lên 96,5%.
Cuộc cách mạng trong chuyển đổi số
Chia sẻ với Thanh Niên ngày 5.3, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ), cho hay việc chia sẻ CSDL dân cư của ngành công an với Cổng dịch vụ công quốc gia khi hoàn thành sẽ là cuộc cách mạng trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, ông Phan lưu ý đây là một quá trình dài, từ nay đến 2025 với những mục tiêu cụ thể và cần có những quá trình để chuyển đổi, tích hợp. “Nói ví dụ với thủ tục hộ tịch hay dịch vụ điện, con số yêu cầu dịch vụ tăng rất nhanh, nó cho thấy tiện lợi là người dân lựa chọn ngay”, ông Phan nói.
Ông Bùi Quốc Hoan, Phó ban Kinh doanh của Tập đoàn điện lực VN, cho biết từ cuối tháng 1.2022, dữ liệu ngành điện đã kết nối CSDL quốc gia về dân cư để người dân thực hiện TTHC yêu cầu cấp điện hạ áp và thủ tục thay đổi hợp đồng (2 TTHC thiết yếu ngành điện), đã giúp người dân tiết kiệm thời gian, không phải khai báo, xuất trình giấy tờ, thủ tục nhiều lần và ngành điện rút ngắn thời gian xác minh.
Theo Bộ Tài chính, ngoài TTHC đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế thực hiện trước, trong năm 2022 tiếp tục cải tiến nhiều TTHC khác về thuế như khai, nộp, hoàn thuế… nhằm giảm được thời gian, thủ tục, chi phí và hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu. Về kế hoạch, dự kiến đến tháng 7 tới sẽ triển khai hệ thống và sử dụng mã định danh thay cho hơn 65 triệu mã số thuế đã cấp cho các cá nhân. Đến cuối năm nay đồng bộ, kết nối toàn bộ CSDL của ngành tài chính.
Hiện tại, Tổng cục Thuế đã làm việc với Bộ Công an để triển khai 3 dịch vụ. Trong đó, dịch vụ đầu tiên sẽ hoàn thành trong tháng 3 là xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh thư. Hai là, dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình. Ba là, dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ (trục liên thông văn bản quốc gia). Sau khi hoàn thành chia sẻ dữ liệu để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết TTHC lĩnh vực thuế, sẽ giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Hiện nay, công an toàn quốc đã cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân có nhu cầu |
Tích hợp thẻ BHYT vào CCCD
Cũng trong khuôn khổ Đề án 06, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Bảo hiểm Xã hội (BHXH) VN, cho biết BHXH VN đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện từng bước đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện đã thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong CSDL về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực, xây dựng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo việc tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) qua thẻ CCCD gắn chip. Thông tin thẻ BHYT của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về CCCD.
Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng đã nâng cấp hệ thống phần mềm cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định BHYT và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chip đi KCB BHYT.
Người dân hưởng nhiều lợi ích
Với tiến độ mà các bộ, ngành đang phấn đấu và cam kết, từ nay đến tháng 6, toàn bộ các TTHC thiết yếu sẽ được các cơ quan nhà nước giải quyết thông qua môi trường mạng internet mà người dân sẽ không phải mất thời gian đi lại nhiều lần, hay phải khai báo, xác nhận thêm các giấy tờ, thủ tục khác…
Cụ thể, với các thủ tục về hộ tịch, người dân khi đăng ký kết hôn, khai sinh chỉ cần đăng nhập thông tin cá nhân là mã số định danh cá nhân (12 số trên thẻ CCCD) thì các thông tin về công dân sẽ được xác thực bởi CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an và CSDL về hộ tịch của Bộ Tư pháp mà người dân không phải xuất trình thêm các giấy tờ, thủ tục khác.
Tương tự, khi thực hiện thủ tục đăng ký xe, người dân chỉ cần nhập mã số định danh cá nhân, thì thông tin về cá nhân, thông tin phương tiện từ hải quan, thuế đã được kết nối và tự động xác nhận để hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Ngày 1.3 vừa qua, BHXH VN cũng đã ban hành công văn gửi BHXH các địa phương hướng dẫn về việc triển khai thí điểm này. Theo đó, BHXH VN yêu cầu các địa phương cần truyền thông rộng rãi để người tham gia BHYT biết việc thực hiện CCCD gắn chip khi đi KCB; thông báo tại các địa điểm trong cơ sở KCB để người dân dễ tiếp cận nhất.
“Do việc xác thực thông tin công dân giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm đang được hoàn thiện nên người dân khi đi KCB lần đầu cần lưu ý mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh, hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID (BHXH số). Trường hợp người bệnh BHYT đã thực hiện được việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNEID thì từ lần khám bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD hoặc qua ứng dụng VNEID”, ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.
Đối với trường hợp có CCCD nhưng chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, theo lãnh đạo BHXH VN, người dân vẫn thực hiện theo quy trình KCB BHYT hiện hành.
Từ ngày 1.3, Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT (tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn) hỗ trợ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip. Người dân và các cơ sở y tế có thể tra cứu thông tin bằng các cách sau: quét mã vạch QR code; nhập thông tin trực tiếp hoặc tra cứu bằng hàm tra cứu tự động (API).
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Chính sách BHYT (BHXH VN), cho hay: “Đây là chương trình thí điểm mới bắt đầu triển khai, trong tuần tới chúng tôi sẽ nắm bắt thông tin từ các cơ sở KCB và người dân, nếu có những vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phản ánh kịp thời để ngành BHXH tháo gỡ. Bên cạnh đó, BHXH VN cũng lưu ý BHXH các địa phương đôn đốc, kiểm tra giám sát các cơ sở KCB để không xảy ra hiện tượng từ chối KCB khi người dân cung cấp CCCD gắn chip”.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.