Sau những ngày đầu năm mới 2022 ra khơi khí thế, những ngày vừa qua do giá nhiên liệu tăng cao, hàng trăm tàu cá ở miền Trung đành phải nằm bờ chờ giá nhiên liệu giảm.
Sau những ngày đầu năm mới 2022 ra khơi khí thế, những ngày vừa qua do giá nhiên liệu tăng cao, hàng trăm tàu cá ở miền Trung đành phải nằm bờ chờ giá nhiên liệu giảm.
Dầu lên giá, cá giảm sâu
Những ngày đầu tháng 3.2022, đến cảng Sa Huỳnh, P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi), chúng tôi chứng kiến lèo tèo vài thuyền đánh bắt gần bờ vẫn còn đang hoạt động, còn lại tàu cá lớn thì im lìm sắp hàng dài đầy cảng cá. Có 2 tàu cá, ông Nguyễn Sáu ở P.Phổ Thạnh cho biết, hiện giá dầu diesel đã hơn 21.000 đồng/lít, khiến mỗi chuyến ra khơi thêm nhọc nhằn hơn, cuộc sống ngư dân thêm khó khăn.
“Đến khi dịch đỡ phần nào, cuối năm 2021 và đầu năm 2022 ra khơi vài chuyến, kiếm chút gỡ gạc năm ngoái, ai ngờ nhiên liệu tăng giá chóng mặt. Giờ tôi chỉ đi 1 chiếc, còn chiếc kia nằm bờ. Bởi đi cả đôi mà đánh bắt không ra gì thì lỗ lắm, không có lời lấy gì kiếm cơm”, ông Sáu chia sẻ. Một chuyến ra biển, mỗi tàu của ông Sáu chi phí tiền dầu khoảng 370 triệu đồng, tăng thêm 60 – 70 triệu đồng so với trước; đó là chưa kể chi phí thực phẩm, đá lạnh, tiền thuê nhân công… đi biển cũng tăng theo.
Hiện nay, trong giá xăng dầu có thuế bảo vệ môi trường rất lớn. Ngư dân đề nghị bỏ khoản thuế này khi bán nhiên liệu cho ngư dân trong một thời gian để kích thích ra khơi. Đánh thuế bảo vệ môi trường để hạn chế ô tô cũng hợp lý vì xu hướng dùng xe điện, còn tàu cá thì không có nhiên liệu thay thế
Không riêng ông Sáu mà nhiều ngư dân Sa Huỳnh khác cũng chung hoàn cảnh. Theo các ngư dân, ngày trước khi nhiên liệu chưa tăng, các cây xăng dầu bán nợ “gối đầu” (chuyến sau trả chuyến trước). Còn nay, giá nhiên liệu tăng vọt, thân thiết lắm các cây xăng dầu mới cho nợ, còn lại đều phải “tiền trao cháo múc”. Nhiều tàu cũng muốn ra khơi, nhưng không mượn tiền được, không mua nợ tiền dầu được nên “đành thở dài nằm gối đầu trên cảng suy tư”.
Ra khơi hay nằm bờ? Đó là câu hỏi “đau đầu” của hơn 11.000 ngư dân trên 1.700 tàu cá ở TX.Đức Phổ. Ra khơi thì chịu cảnh lỗ vốn, còn nằm bờ thì biết lấy gì nuôi cả gia đình? Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND P.Phổ Thạnh, nói: “Có tình trạng ngư dân của phường đành phải cho tàu cá nằm bờ chờ giá nhiên liệu xuống. Vì thời điểm này ra khơi, đánh bắt với sản lượng như các năm thì ngư dân lo sợ thua lỗ”.
Chưa hỗ trợ ngư dân vì không cân đối được nguồn
Liên quan đến việc tàu thuyền của ngư dân phải nằm bờ do giá nhiên liệu tăng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã nắm được tình trạng này.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói rằng rất thương bà con ngư dân bị rơi vào tình thế như vậy, nhưng ở thời điểm này, dù đã nghiên cứu vận dụng, tỉnh vẫn không thể hỗ trợ được bà con ngư dân ra khơi, vì không thể cân đối được nguồn kinh phí.
Ngoài Sa Huỳnh, các vùng biển khác của Quảng Ngãi như xã Bình Châu (H.Bình Sơn), xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi)… hàng trăm tàu cá cũng đang phải nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng cao.
Theo các ngư dân, giá dầu thì tăng, còn giá cá thì giảm sâu, không biết tính toán làm sao cho có lời. Một số ngư dân thì hoạt động cầm chừng, giảm bớt lao động trên tàu, giảm bớt thời gian đi biển để tránh lỗ. Trước giá cá chuồn khoảng 26.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 đồng/kg; cá ngừ từ 80.000 đồng/kg còn 50.000 đồng/kg… Trong khi giá dầu từ 10.000 – 12.000 đồng/lít nay tăng lên hơn 21.000 đồng/lít. “Từ 1 kg cá chuồn đổ được 2 lít dầu, nay đổ chưa được 1 lít. Vậy hỏi ngư dân làm sao theo kịp?”, một ngư dân ở xã Bình Châu thở dài.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết Bình Châu là xã có số tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi nhưng đến đầu tháng 3 này, vẫn còn nhiều tàu không đi biển mà nằm bờ để chờ bình ổn giá nhiên liệu.
Tàu cá nằm bờ ở cảng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi |
“Có thể bỏ thuế môi trường để cứu ngư dân”
Tại Đà Nẵng vào đầu năm 2022, ngư dân kỳ vọng kinh tế và du lịch phục hồi sẽ tiêu thụ mạnh hải sản nên mạnh dạn tu sửa tàu thuyền. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Lại, Phó trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tàu thuyền của ngư dân lại phải nằm bờ “nghe ngóng” diễn biến giá dầu.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước, sản lượng ngư dân đánh bắt về vẫn chưa bán được giá, vì hải sản giá trị phục vụ du lịch thì chưa phục hồi, hàng phổ thông cho đời sống người dân thì khả năng chấp nhận tăng giá không nhiều do sức mua đi xuống theo đà sụt giảm thu nhập.
Bên cạnh đó, giá dầu hiện tăng gần gấp đôi so với giá thời điểm thấp nhất, trong khi đây là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chuyến biển. “Hiện nay, trong giá xăng dầu có thuế bảo vệ môi trường rất lớn. Ngư dân đề nghị bỏ khoản thuế này khi bán nhiên liệu cho ngư dân trong một thời gian để kích thích ra khơi. Đánh thuế bảo vệ môi trường để hạn chế ô tô cũng hợp lý vì xu hướng dùng xe điện, còn tàu cá thì không có nhiên liệu thay thế. Đã có một thời gian bỏ một phần thuế trước bạ để phát triển ô tô, thì nay có thể bỏ thuế xăng dầu để cứu ngư dân”, ông Lĩnh đề xuất.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho hay toàn tỉnh có gần 1.400 tàu thuyền, trong đó khoảng 670 tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến vươn khơi, nhiên liệu chiếm hơn 60% trong tổng chi phí nên giá xăng dầu tăng cao cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định, đã tạo áp lực nặng nề cho ngư dân.
Sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết đối với nghề khai thác biển thì nhiên liệu sử dụng nhiều nhất là dầu diesel. Thời gian qua, giá mặt hàng ngày càng tăng cao đã tác động tiêu cực khi ngư dân mất cân đối trong chi phí sản xuất, càng đi biển càng lỗ nên ở nhiều địa phương ngư dân chấp nhận để tàu cá nằm bờ.
Theo ông Thắng, trong bối cảnh giá dầu vẫn có khả năng tăng cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do phụ thuộc vào nguồn cung thị trường thế giới, thì ở trong nước vẫn có những giải pháp để hỗ trợ ngư dân. Cụ thể, đối với mặt hàng dầu sử dụng cho tàu đi biển, thì nên xem xét giảm một số loại thuế, phí để hạ giá dầu. Cụ thể nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), cho rằng giá dầu tăng quá cao khiến nhiều tàu cá nằm bờ ở một số địa phương những ngày gần đây. Dù mức độ ảnh hưởng không toàn diện như lúc cao điểm của dịch Covid-19 từng xảy ra trong năm 2021, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác thủy sản, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến ngay trong quý đầu tiên của năm nay.
Để đánh giá chi tiết tình hình thực tế, đầu tháng 3.2022, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu đánh giá tác động của tăng giá dầu đối với sản xuất, dịch vụ hải sản trên biển.
“Đầu tháng 4, Tổng cục Thủy sản sẽ tổ chức hội nghị đánh giá về khai thác thủy sản và dựa trên kết quả tác động cụ thể của tăng giá dầu, hội nghị sẽ thảo luận và thống nhất các kiến nghị Bộ NN-PTNT, Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngư dân cũng như các hoạt động nghề cá trên biển”, ông Trung nói.
Phan Hậu
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.