Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Thuốc Molnupiravir do Bộ Y tế cung cấp cho TP.HCM hiện đã sắp hết. Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Sở Y tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương mua thuốc Molnupiravir để cấp phát miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Thuốc Molnupiravir do Bộ Y tế cung cấp cho TP.HCM hiện đã sắp hết. Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Sở Y tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương mua thuốc Molnupiravir để cấp phát miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 161.247 ca mắc Covid-19 trong nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 13.3 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 161.262 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 161.247 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.706 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 3.000 ca bệnh: Hà Nội 29.833 ca, Nghệ An 10.389 ca, Bắc Ninh 7.471 ca, Phú Thọ 6.997 ca, Thái Nguyên 4.979 ca, Hưng Yên 4.840 ca, Hòa Bình 4.675 ca, Hải Dương 4.324 ca, Sơn La 4.169 ca, Lạng Sơn 4.100 ca, Lào Cai 3.897 ca, Tuyên Quang 3.867 ca, Đắk Lắk 3.644 ca, Cà Mau 3.529 ca. Hôm nay Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 32.400 ca, Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.112 ca và Sở Y tế Lào Cai đăng ký bổ sung 16.016 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk giảm 3.925 ca, Hà Giang giảm 1.911 ca, Bình Dương giảm 1.162 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên tăng 2.241 ca, Bắc Ninh tăng 1.054 ca, Hà Nội tăng 564 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 108.407 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 92 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 3 ca (1 ca từ Vĩnh Long chuyển đến), Hà Nội 11 ca, Quảng Ninh 7 ca, Bến Tre, Hải Dương, Kiên Giang, Phú Thọ mỗi nơi ghi nhận 4 ca, Thanh Hóa 4 ca trong 2 ngày, Bắc Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Nam Định và Ninh Bình mỗi nơi ghi nhận 3 ca…
Nhiều lớp học ở TP.HCM sĩ số giảm do học sinh vắng mặt thuộc diện F0, F1 |
Hướng dẫn mới điều trị Covid-19 tại nhà: F0 có thể ra khỏi nhà. Ngày 14.3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về việc quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19. Theo đó, tiêu chí đối với người mắc Covid-19 được quản lý tại nhà là những người được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 (bằng xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do tự thực hiện hoặc nhân viên y tế thực hiện) mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ; không mắc bệnh nền hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định. Bên cạnh đó, những người mắc Covid-19 đã được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị nhưng chưa đạt tiêu chuẩn khỏi Covid-19 và đạt tiêu chuẩn quản lý tại nhà thì được chuyển về nhà để tiếp tục chăm sóc.
Trong phần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu người mắc Covid-19 chỉ cần “hạn chế ra khỏi nơi cách ly”, không phải cách ly hoàn toàn như trước. Đồng thời, yêu cầu “khi phải ra khỏi nơi cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác”. Bộ Y tế cũng yêu cầu người chăm sóc hoặc người nhà ở cùng nhà luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách khi phải tiếp xúc với người mắc Covid-19. Nơi cách ly giữ thông thoáng, hạn chế để các đồ dùng vật dụng khó làm sạch (thú bông, giấy, bìa) tại khu vực này.
F0 cách ly tại nhà tăng hơn 100.000 ca, TP.HCM muốn mua thuốc Molnupiravir. Ngày 14.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi UBND TP.HCM xin chủ trương mua thuốc Molnupiravir cấp miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Theo Sở Y tế, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, số lượng người bệnh điều trị tại nhà có nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thuốc miễn phí do Bộ Y tế cung cấp hiện đã sắp hết. Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Sở Y tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét chủ trương mua thuốc Molnupiravir để trạm y tế, trạm y tế lưu động tiếp tục cấp phát miễn phí cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Sở Y tế cho biết, trước đây, nguồn thuốc kháng vi rút Molnupiravir thuộc Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 của Bộ Y tế và được phân bổ, sử dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Cục Khoa học và đào tạo (Bộ Y tế) đã hoàn tất nghiên cứu, kết thúc chương trình thí điểm và đề xuất Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc Molnupiravir. Để tăng cơ hội tiếp cận nhanh chóng thuốc Molnupiravir cho người bệnh, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế về chủ trương cung ứng thuốc Molnupiravir cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Chưa thể khẳng định TP.HCM đã đạt miễn dịch cộng đồng. Chiều 14.3, tại buổi họp báo định kỳ, trả lời câu hỏi về miễn dịch cộng đồng, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết số ca nhiễm ở thành phố có xu hướng giảm, hơn 500.000 ca nhiễm trên tổng số 10 triệu dân. Với tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 hiện nay, TP.HCM đang cố gắng để đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng để khẳng định đạt miễn dịch cộng đồng hay chưa, cần có ý kiến nhận định của chuyên gia về dịch tễ và Bộ Y tế khẳng định. Mặt khác, hiện TP.HCM vẫn còn nhiều đối tượng chưa được tiêm chủng như trẻ 5-11 tuổi, dự kiến chuẩn bị tiêm, trong khi trẻ từ 0-5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm.
“Như vậy, trong cộng đồng vẫn còn số lượng không nhỏ chưa được tiêm vắc xin nên nhiệm vụ của người lớn là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, bà Mai khuyến nghị. Cũng theo Chánh văn phòng Sở Y tế, ngày 3.3, TP.HCM đặt mục tiêu cố gắng vượt qua đỉnh dịch trong 2 tuần; chuỗi số liệu ca nhiễm mới từ ngày 9.3 đến nay đang có xu hướng giảm liên tục. TP.HCM ghi nhận thêm các trường hợp nhập viện nhưng không tăng đột biến; số ca nặng và tử vong dù có tăng nhẹ nhưng đang ở mức thấp.
Cà Mau phát hiện 2.500 bộ kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc. Ngày 14.3, tin từ Công an tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị vừa phát hiện số lượng 2.500 kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc tại một hộ kinh doanh. Theo thông tin ban đầu, qua công tác nắm tình hình, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau phối hợp Công an xã Thạnh Phú, H.Cái Nước kiểm tra hộ kinh doanh L.C.C (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, H.Cái Nước) do ông L.C.C. (43 tuổi) làm chủ.
Kết quả kiểm tra phát hiện 2.500 bộ kit test nhanh Covid-19 ngoại nhập nhưng không có hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 150 triệu đồng. Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau đã lập biên bản vụ việc, tạm giữ tang vật vi phạm. Hiện Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau đã mời chủ hộ kinh doanh làm việc, xác minh số kit test nêu trên để làm rõ và xử lý theo quy định.
Hàng loạt dịch vụ ở Hưng Yên được hoạt động trở lại từ ngày 15.3. Ngày 14.3, UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị này đã đồng ý chủ trương cho phép nhiều hoạt động kinh tế – xã hội mở cửa trở lại từ ngày 15.3 sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19. Theo đó, các hoạt động karaoke, massage, quán bar, vũ trường, game, rạp chiếu phim, gym, yoga, spa, cơ sở làm đẹp, cơ sở cắt tóc gội đầu, các dịch vụ ăn, uống, các hoạt động văn hóa, thể thao, đám hiếu, đám cưới, đám hỏi và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên đề nghị các địa phương sẵn sàng các phương án tổ chức dạy học để đảm bảo linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học, kịp thời ứng phó với tình huống dịch xảy ra tại trường học, địa phương. Cũng từ ngày 15.3, học sinh các cấp ở tỉnh sẽ trở lại trường học trực tiếp. Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên yêu cầu các đơn vị quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục căn cứ tình hình dịch và kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 tại địa phương (tính từ cấp xã) để có phương án tổ chức cho học sinh đến trường học tập.
Đà Nẵng mở tổng đài cho F0 gặp bác sĩ tư vấn. Sở TT-TT TP.Đà Nẵng cho biết, các F0 cần bác sĩ tư vấn trong điều trị Covid-19 có thể gọi đến tổng đài 0236 393 1022, bắt đầu từ ngày mai (15.3). Theo đó, khi người dân gọi đến đầu số 0236 393 1022 sẽ gặp được các bác sĩ, nhân viên y tế (do Sở Y tế huy động từ các trung tâm y tế, Hội Thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng, các bệnh viện chuyên khoa thuộc Sở Y tế…) và được tư vấn, hỗ trợ. Các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ trực, nhận cuộc gọi từ 7 giờ 30 – 22 giờ 30 các ngày trong tuần.
Sở TT-TT TP.Đà Nẵng thông báo thêm, do các bác sĩ, nhân viên y tế nhận cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn theo hình thức kiêm nhiệm hoặc đang tư vấn cho F0 khác nên một số trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế bận, không nhấc máy. Lúc đó, cuộc gọi sẽ chuyển đến nhân viên Tổng đài 1022 tiếp nhận, ghi nhận thông tin để hỗ trợ sau. Khi gọi đến tổng đài, người dân nghe lời thoại tự động với các nhánh tương ứng. Cụ thể, chọn nhánh 1 để được tư vấn chung, nhánh 2 chuyên khoa nhi, nhánh 3 chuyên khoa sản, nhánh 4 chuyên khoa tâm thần. Cước cuộc gọi được tính theo cước viễn thông gọi đến số điện thoại cố định bình thường.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, nhiều ban quản lý ký túc xá sinh viên ở TP.HCM còn lúng túng khi F0 tăng. Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, Sở Y tế TP.HCM đã làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các ký túc xá trên địa bàn. Sau cuộc làm việc, Sở Y tế TP.HCM nhận định dù đã chuẩn bị nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19, nhiều ban quản lý vẫn không tránh khỏi lúng túng với số ca F0 có chiều hướng gia tăng như hiện nay. Tại cuộc họp, các đại biểu đã đưa ra và cùng nhau thảo luận các vấn đề khó khăn trong việc xây dựng khu cách ly tại ký túc xá; việc kết nối với y tế, chính quyền địa phương trong việc chăm sóc F0 và chuyển viện đối với các ca chuyển nặng,… Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các ban quản lý chủ động rà soát lại kế hoạch phòng chống dịch tại ký túc xá và xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp với các tình huống có thể xảy ra tại các ký túc xá. Ngoài ra, các ban quản lý cần rà soát và cập nhật danh sách sinh viên được tiêm chủng phòng Covid-19, thúc đẩy tiêm chủng nhằm giúp tăng tỷ lệ 100% sinh viên, giảng viên và nhân viên được tiêm chủng đầy đủ liều bổ sung, liều nhắc lại. Đối với những sinh viên có bệnh nền như: hen, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, suy thận mạn tính… cần được lập danh sách để phối hợp với chính quyền, y tế địa phương quản lý chăm sóc trong đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Nguồn: thanhnien.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.