Vụ việc nữ bệnh nhân tử vong trên bàn mổ tạo hình thẩm mỹ đặt túi ngực tại Bệnh viện 1A được dư luận đặt ra nhiều vấn đề. Giám đốc Bệnh viện 1A nói gì ?
Vụ việc nữ bệnh nhân tử vong trên bàn mổ tạo hình thẩm mỹ đặt túi ngực tại Bệnh viện 1A được dư luận đặt ra nhiều vấn đề. Giám đốc Bệnh viện 1A nói gì ?
Vụ việc nữ bệnh nhân N.T.T.Nh (33 tuổi, ngụ Đồng Tháp) tử vong trên bàn mổ tạo hình thẩm mỹ đặt túi ngực tại Bệnh viện 1A (Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH) được dư luận đặt ra nhiều vấn đề. Thanh Niên đã trao đổi với lãnh đạo bệnh viện xung quanh những vấn đề này.
“Bệnh nhân chuyển tiền cho bác sĩ là quyền của họ”
Trả lời về vấn đề cơ sở pháp lý, phạm vi chuyên môn của Bệnh viện (BV) 1A, TS-bác sĩ (BS) Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV cho biết, từ năm 2013, BV 1A được Bộ Y tế cấp phép danh mục hơn 5.500 dịch vụ kỹ thuật, trong đó có phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ. BV cũng đã thành lập đơn vị phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ. Dù thành lập đơn vị phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, nhưng theo BS Ánh, BV 1A chỉ có một BS vừa phụ trách quản lý, vừa thỉnh thoảng có làm. Còn BS mổ không nhất thiết là của BV mà hợp đồng với BS nơi khác làm và trả tiền công. Không chỉ hợp đồng với BS trong lĩnh vực thẩm mỹ, các khoa khác thuộc BV cũng làm theo cách này.
Cơ quan điều tra làm việc tại Bệnh viện 1A khi xảy ra sự cố chết người vào ngày 18.3 |
BV cũng xây dựng bảng giá phẫu thuật thẩm mỹ dựa trên tham khảo giá của các nơi khác và đưa ra giá thấp hơn để có thể lấy rẻ cho bệnh nhân (BN) và được công khai. BS Đỗ Trọng Ánh nói rằng “không có chuyện BV cho thuê phòng mổ”.
Về câu hỏi dư luận quan tâm tại sao BN chuyển tiền cho BS phẫu thuật mà không phải là chuyển cho BV, BS Ánh trả lời: “BN chuyển tiền cho BS bao nhiêu và như thế nào không thuộc thẩm quyền của tôi, thậm chí BN chuyển tiền cả tỉ đồng thì cũng là quyền của họ. Dư luận cho rằng BN chuyển tiền cho phẫu thuật viên 40 – 60 triệu đồng, nhưng một ca mổ chi phí từ 8 – 10 triệu đồng, số còn lại ăn chia là không đúng. Bởi có thể BN chuyển tiền cho BS nhờ mua túi ngực, sau đó là thăm khám, kiểm tra, cắt chỉ tại phòng mạch sau xuất viện…; thậm chí là bồi thường nếu có “trục trặc”, đó là thỏa thuận với nhau. Nói thật ra, BN là mối của BS, của phòng khám, họ đã tham khảo giá cả và chấp nhận, kể cả đồng ý tay nghề của BS. Nhưng khi BN vào BV thì họ là BN của BV. Việc đóng tiền cho BV có thể BN tự nộp, nhờ người nhà đóng, thậm chí nhờ BS hay nhân viên của BS đóng đều được. Miễn là BN khi vào BV có cam kết mổ và chấp hành các quy định, đủ điều kiện mổ, đóng đủ tiền. Hơn 1 tháng nay, BV 1A đã ra quy định, đề nghị BN đóng tiền tại quầy viện phí, không đưa tiền cho nhân viên y tế. Còn nếu BN cố tình nhờ nhân viên y tế đi đóng là chuyện của họ”.
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh |
Bệnh viện có ký hợp đồng hợp tác với bác sĩ bên ngoài
Nói về hợp đồng hợp tác giữa BV và BS bên ngoài, theo BS Ánh, nếu BV mời một BS chưa có hợp đồng thì lập tức ký “hợp đồng hợp tác lao động”, “hợp đồng lao động” dưới hình thức “khoán việc” hoặc “công việc”… để ràng buộc trách nhiệm, thanh toán chi phí, đảm bảo về pháp lý. Trong hợp đồng có quy định về quyền lợi và nghĩa vụ 2 bên. “BS có đầy đủ hợp đồng, chứng chỉ hành nghề. Trong hợp đồng của chúng tôi ghi rõ, BS có trách nhiệm giải thích cho BN về kỹ thuật, nguy cơ, chi phí, đảm bảo đúng quy trình phẫu thuật, có trách nhiệm theo dõi BN sau mổ cùng với BV, giải quyết và bồi thường những sai sót do chuyên môn BS gây ra. Sai sót của ai thì người đó chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong nghề y có rất nhiều tai biến, có những tai biến không ai biết được thì làm sao đền và đền theo cơ sở nào?”, BS Ánh cho hay.
Về vật liệu (túi ngực, sụn nhân tạo – PV) cung cấp cho BN phẫu thuật thẩm mỹ, theo BS Ánh, hiện BV 1A ký hợp đồng với 2 công ty và sẵn sàng hỗ trợ BN mua chứ BV không cung cấp. Đối với BN Nh., trong tờ cam kết có nói BN cung cấp túi ngực, cam kết có nguồn gốc đảm bảo an toàn, nhưng BS phải có trách nhiệm kiểm tra túi ngực có đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn và được phép lưu hành hay không, sau đó mới được cho sử dụng.
“Tất cả những gì gây ra tử vong là rất đau xót, thiệt thòi nhất là BN, người thân và gây nặng nề lên chính BS phẫu thuật, giám đốc BV. Do đó, để khách quan BV 1A đã đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ. Cụ thể là sau khi có kết luận từ cơ quan điều tra, cần thiết BV sẽ đề nghị Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thành lập hội đồng chuyên môn để làm rõ”, TS-BS Ánh nói.
Còn theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Sở cũng đang chờ kết luận từ cơ quan điều tra rồi mới tính tiếp.
Ngày 18.3, qua lời giới thiệu của BS Nguyễn Văn Thiết, chị N.T.T.Nh. đến Bệnh viện 1A trong tình trạng bị thiểu sản ngực (ngực nhỏ) 2 bên, có yêu cầu phẫu thuật tạo hình ngực. Chị Nh. được thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu theo quy trình. Phương pháp điều trị là phẫu thuật tạo hình bằng túi gel. Phương pháp vô cảm là gây mê nội khí quản.
Từ trưa 18.3 đến 15 giờ cùng ngày vẫn chưa thấy chị Nh. ra, người nhà đã đi hỏi BS và được báo là chị Nh. đang được gây mê, chưa tỉnh; người nhà xin vào thăm nhưng chưa được. Tuy nhiên sau đó BS báo chị Nh. bị tụt huyết áp và cũng từ chối cho người nhà vào gặp. Người nhà chị Nh. linh tính có chuyện nên đi đến các phòng tìm và phát hiện chị Nh. đang nằm trên giường trong 1 phòng nhưng đã tử vong.
Theo Bệnh viện 1A, BN ngưng tuần hoàn hô hấp trong quá trình phẫu thuật, đã được xử trí hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi. BS phẫu thuật là Nguyễn Văn Thiết có số chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp, quyết định của Bộ Y tế về bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ và có hợp đồng lao động với BV 1A. BS gây mê hồi sức là Võ Văn Tuấn có số chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế TP.HCM cấp; phạm vi chuyên môn khám chữa bệnh chuyên khoa gây mê hồi sức, có hợp đồng lao động với BV 1A. Trên cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế thì bác sĩ Thiết làm việc tại 2 BV khác nhau.
Nguồn: thanhnien.vn