Khi Quảng Nam đã hướng toàn tỉnh tới du lịch Xanh thì Quảng Ngãi rất nên hướng tới du lịch gắn với OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
Du lịch gắn với OCOP
Tết Nhâm Dần vừa rồi tôi được huyện Mộ Đức tặng một hộp quà mang tên “OCOP Mộ Đức”. Tôi rất tự hào vì quê tôi đã có những sản phẩm truyền thống cấp xã được chính thức đưa vào danh mục quà tặng, quà bán, quà du lịch. Bắt đầu hãy chọn lọc và định danh những món quà du lịch OCOP như thế đã. Vì đó đều là những món quà xuất phát từ nông thôn, chủ yếu ở vùng trồng lúa nước, do những người nông dân làm ra.
Bờ biển tươi đẹp của Quảng Ngãi |
Hồi xưa chỉ là quà ăn vặt vào dịp Tết, hay quà làm để biếu tặng, chưa có quà làm để bán ra thị trường. Vậy thì khởi đầu hãy là những hộp quà OCOP biếu tặng đã, rồi tiến tới, sẽ là những hộp quà bày trên giá những ngôi nhà du lịch nông thôn dành bán cho khách du lịch. Nếu một khi được du khách “OK”, một số món quà trong “hộp quà OCOP” sẽ có thể tiến ra thị trường một cách chính danh.
Con đường để một sản phẩm nông thôn ra tới thị trường thương mại chắc chắn là không dễ dàng, nhưng có thể làm được.
Vấn đề là lãnh đạo địa phương phải hết sức ủng hộ, các ban ngành địa phương có trách nhiệm phải nhiệt huyết với những sản phẩm của địa phương mình, tìm nhiều cách để tiếp cận thị trường, và tốt nhất, là tiếp cận thông qua con đường du lịch.
Từ hệ thống du lịch ven biển, những sản phẩm OCOP – Biển sẽ khiến du khách rất vui vì có quà lưu niệm mang về |
Đó là con đường “2 trong 1”, khi nông thôn mình tìm được hướng để phát triển du lịch nông thôn, thì sản phẩm OCOP của làng xã mình sẽ trở thành những món quà mà du khách luôn chủ ý mua mỗi khi tới du lịch ở nông thôn đó, làng xã đó.
Du lịch Xanh – Sạch – Đẹp
Không phải toàn bộ nông thôn chúng ta đều có thể biến thành những điểm du lịch. Vấn đề là phải khảo sát với tiêu chí chuyên môn, với đầu óc của những nhà thiết kế du lịch nông thôn hẳn hoi, rồi sẽ tới việc thiết kế để nông thôn ấy phù hợp thành những điểm du lịch. Có thiên nhiên đẹp không có nghĩa đã có ngay du lịch thiên nhiên. Có nông thôn phù hợp với những tiêu chí du lịch cũng chưa thể trở thành ngay là nông thôn du lịch. Công việc này phải được làm một cách có suy nghĩ, có sáng tạo, có cấu trúc, và nhất là, có tâm huyết, để có thể hình thành những điểm du lịch ở nông thôn phù hợp với thị hiếu của du khách, từ du khách nội địa tới du khách quốc tế.
Đó là những dự án du lịch đi từ tổng thể tới chi tiết, rồi lại từ chi tiết tới tổng thể, từ huyện tới xã, và từ xã ngược lên tới tỉnh.
Người nông dân thu hoạch củ kiệu tại H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) |
Mấy năm nay, Mộ Đức quê tôi đã bắt đầu có những điểm đầu tư sản xuất rau xanh và chăn nuôi theo công nghệ sạch. Đó là những điểm khởi đầu để có du lịch nông thôn. Khi xã giáp núi Đức Phú của Mộ Đức đã tiếp nhận một trang trại nuôi bò sữa của Vinamilk – một trang trại đứng hàng đầu Việt Nam về công nghệ cao, thì tại sao chúng ta không dựa vào trang trại lớn và rất hiện đại này để thiết kế một hệ thống du lịch về chăn nuôi bò sữa, từ những bãi sông trồng bắp sinh khối làm thức ăn cho bò do nông dân đảm nhiệm, tới việc chế biến thức ăn cho bò, các kỹ thuật chăn nuôi bò sữa do các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao thực hiện, để đi tới thành quả cuối cùng là những hộp sữa Xanh – Sạch – Đẹp mang thương hiệu Vinamilk. Đức Phú hoàn toàn có thể trở thành một điểm du lịch nông nghiệp Sạch, khi huyện Mộ Đức kết hợp với Vinamilk thiết kế không gian du lịch này.
Dọc bờ biển tươi đẹp Quảng Ngãi cũng hoàn toàn có thể trở thành những điểm du lịch thiên nhiên biển, kết hợp với những món ẩm thực hải sản tuyệt vời của biển Quảng Ngãi.
Du lịch bây giờ phải gắn chặt với làm ăn, với thu nhập, với môi trường. Một khi chúng ta thiết kế được những điểm du lịch ven biển Quảng Ngãi, biến những điểm này trở thành những khu vực Xanh – Sạch – Đẹp và hạn chế bê tông sắt thép, chúng ta sẽ có một hệ thống làng du lịch ven biển mà ở đó ngư dân vừa làm nghề biển vừa làm du lịch, vừa tự giác bảo vệ môi trường sống của chính mình vừa khiến du khách hài lòng về độ an toàn nói không với ô nhiễm. Và từ hệ thống du lịch ven biển đó, những sản phẩm OCOP – Biển sẽ khiến du khách rất vui vì có quà lưu niệm mang về.
Xanh – Sạch – Đẹp phải trở thành tiêu chí chính thức của nông thôn mới. Và đó cũng là cơ hội để làng mình làm du lịch nông thôn cho chính làng mình trở nên xanh sạch đẹp.
Nguồn: thanhnien.vn