Monday, November 25, 2024

Ca sĩ Mỹ Linh hát “Hoa sữa” tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng



Trong giây phút tiễn biệt, ca sĩ Mỹ Linh nghẹn ngào hát lại ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ.

 

Trưa 26/3, lễ tang nhạc sĩ Hồng Đăng diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời vào 5h57 ngày 21/3. Sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến các sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng. Lễ truy điệu diễn ra vào 13h45 cùng ngày.

 Nhạc sĩ Hồng Đăng sinh ngày 1/1/1936 tại Yên Thành, Nghệ An. Ông học lớp sáng tác khóa đầu tiên của trường âm nhạc Việt Nam cùng với lứa nhạc sĩ “vàng” của âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Vĩnh Cát… Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng có kho tàng đồ sộ các sáng tác trải dài ở nhiều thể loại như khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu, ca khúc. Đặc biệt mảng ca khúc có số lượng tác phẩm lên đến hơn 700 bài, trong đó có nhiều bài nổi tiếng như: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, ‘Lênh đênh”, “Ký ức đêm’…

Từng viết trên 70 tác phẩm âm nhạc cho phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình, ông là nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhạc sĩ Hồng Đăng là Nguyên Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, ‘Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng ‘Lửa rực cháy’. Năm 2021, ông được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

Tang lễ nhạc sĩ Hồng Đăng được tổ chức giản dị, gia đình nhạc sĩ không nhận vòng hoa viếng mà đã chuẩn bị sẵn những vòng hoa, bông hoa cúc vàng để bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ tài hoa về cõi vĩnh hằng. Bên linh cữu, người thân đã đặt một số bức ảnh của ông thời trẻ. NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đệm piano những giai điệu quen thuộc đối với bao thế hệ công chúng yêu nhạc như “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”,… 

Trong dòng người đến tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, NSƯT Trung Đức, NSƯT Chiều Xuân, ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Minh Thu, nhà báo Hồ Quang Lợi, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ,….

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ nhạc sĩ Hồng Đăng là người sống chan hòa, luôn quan tâm đến thế hệ đàn em. “Dù không trực tiếp học ông về lý luận âm nhạc, tôi học được từ ông nhiều về cách đối nhân xử thế. Ông là tấm gương tài hoa, đức độ, luôn nỗ lực cống hiến đến cuối đời. Những năm tháng bị bệnh, nhạc sĩ vẫn đau đáu với âm nhạc, không ngừng sáng tác”, nhạc sĩ Đức Trịnh nói.

Trong ký ức của ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ Hồng Đăng là người uyên bác, một người lịch duyệt, mềm mỏng và rất hiền. “Tôi chưa được gặp nhạc sĩ Hồng Đăng nhiều, nhưng cũng hát nhạc của ông, bài Biển hát chiều nay, Hoa sữa… đó là những bài hát bất hủ của nhạc sĩ Hồng Đăng. Tôi tin rằng, ông đã có một cuộc sống rất trọn vẹn khi nhận được sự tiếc thương của nhiều người khi ra đi…”, ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tiếc thương viết trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc Anh – nhạc sĩ Hồng Đăng. Người sẽ sống mãi trong lòng công chúng với những bài ca bất hủ về tình yêu đất nước, con người và cuộc sống. Người nhạc sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Việt Nam. “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Lênh đênh”,… và nhiều bài hát sẽ còn mãi trong tâm hồn người yêu âm nhạc. Xin vĩnh biệt Anh yêu quý! Còn mãi, còn mãi. Anh với nụ cười lạc quan với cuộc đời này”. 

Nhạc sĩ Thụy Kha viết những dòng thơ tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa: “Vĩnh biệt hiền nhân tâm Bồ Tát/ Vùi sâu chôn chặt mọi đau buồn/Lênh đênh một khiếp đầy phiêu bạt/Thanh thản xa xăm không vấn vương”.

Trong điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định ngay từ rất sớm, nhạc sĩ Hồng Đăng đã hình thành một cá tính sáng tạo âm nhạc riêng biệt. Viết ca khúc thì rất ngắn. Nhưng viết hợp xướng thì rất đồ sộ ở tầm vóc tổ khúc. Trong khi đang tu nghiệp, Hồng Đăng đã thành danh bởi những tác phẩm khí nhạc như “Ước mơ tuổi trẻ” viết năm 1958 cho violin, cello và piano, tứ tầu đàn dây “Nắng quê hương” và “Rừng Tây Nguyên” viết năm 1960.

Cũng năm ấy, hợp xướng “Lửa rực cháy” phỏng thơ Tố Hữu của Hồng Đăng đã làm hừng hực bao con tim thanh xuân nhất là ở Thủ đô. Sự nghiệp âm nhạc Hồng Đăng được xây lên từ nền móng âm nhạc vững chắc của ông thể hiện qua những cuốn sách giáo khoa âm nhạc khúc triết về hòa thanh, điệu thức, tính năng nhạc khí, xướng âm… mà ông đã viết để lại cho muôn đời.

Không chỉ điểm lại sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Hồng Đăng đối với nền âm nhạc và nghệ thuật nước nhà. Đóng góp lớn nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng chính là việc tạo nên một không khí đoàn kết, cởi mở, dắt tay nhau cùng bước đến những thành tựu của âm nhạc Việt Nam…

Từ những năm 1990, ông tích cực xin kinh phí Nhà nước, giúp đỡ các nhạc sĩ nghèo không đủ điều kiện được xuất bản băng cassette, tuyển tập nhạc. Ông là người chỉ đạo chương trình ca nhạc “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, năm 2014, một dấu ấn đẹp về thời kỳ âm nhạc gắn với những thăng trầm đất nước. Nhiều người trong nghề kính trọng, gọi Hồng Đăng là “nhạc sĩ có tâm Bồ Tát”. 

“Nhạc sĩ Hồng Đăng yêu mến của chúng ta đã lặng lẽ “tạ mùa đi” ở tuổi 88, để lại bao tiếc thương cho đồng nghiệp, cho biết bao người mến mộ âm nhạc trong nước và trên khắp hành tinh, nơi những người Việt Nam đang sinh sống. Trước anh linh ông, thay mặt cho những đồng nghiệp của ông, những thế hệ nhạc sĩ hôm nay xin được luôn luôn tận lòng dâng hiên cho sự nghiệp âm nhạc như ông đã từng dâng hiến, tự tin vươn tới một tầm vóc sánh vai cùng tất cả các nền âm nhạc trên hành tinh chúng ta bằng chính sự độc đáo, riêng biệt, không hòa tan của dân tộc Việt Nam….”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Bà Anh Thúy nghẹn ngào nói lời tiễn biệt chồng: “Vẫn biết việc chia tay chỉ là sớm muộn nhưng em và các con, cháu vẫn đau đớn, xót xa. Cả một đời gian truân, vất vả nhưng anh đã sống đúng như ba – cụ Phan Đăng Tài – người luôn tâm niệm: ‘Thế gian vạn sự giai bào ảnh. Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình’. Anh, người đàn ông nhân hậu, bao dung và chân tình. Em và các con, cháu hạnh phúc khi được làm vợ, con, cháu anh. Suốt đời anh, một nghệ sĩ chân chính, danh lợi, chức tước, vật chất chỉ là phù du.

Với anh, được sống, được làm việc, được yêu thương, được nếm trải buồn, vui, cay đắng, đã là hạnh phúc. Những tác phẩm của anh ra đời được giới nghệ sĩ, công chúng đón nhận. Và âm nhạc là con người anh, hồn hậu, tinh tế và trong sáng, hiện rõ trong từng giai điệu, sự chiêm nghiệm từ những lênh đênh, cay đắng, vấp ngã, chia ly, đã cho mỗi lời ca thấm đẫm triết lý cuộc đời, để khi hát lên ai cũng thấy mình trong mỗi câu chữ. Đấy cũng là hạnh phúc. Cả một đời miệt mài lao động với kho tàng tác phẩm như vậy, cũng là hạnh phúc”.

Sau lời cảm ơn của gia đình, ca sĩ Mỹ Linh nghẹn ngào hát ca khúc “Hoa sữa” tiễn biệt nhạc sĩ Hồng Đăng. Giây phút chia ly, nhiều người không kìm được nước mắt. Sau tang lễ, linh cữu nhạc sĩ Hồng Đăng được an táng tại nghĩa trang Thiên Đức, Phù Ninh, Phú Thọ./.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img