Ngày 3.4, nông dân Bình Định đồng loạt ra đồng thu hoạch lúa đã chín và lúa bị ngã đổ do đợt mưa gió bất thường những ngày qua, nhằm tránh đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ ngày 4 – 6.4.
Ngày 3.4, nông dân tỉnh Bình Định đồng loạt ra đồng thu hoạch lúa đã ngã đổ trước khi có thêm đợt mưa gió bất thường dự báo xảy ra trong những ngày sắp đến.
Xanh nhà hơn già đồng
Những ngày qua, nhiều nông dân ở TX.An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát của tỉnh Bình Định đứng ngồi không yên, chỉ mong trời nắng ráo để thu hoạch lúa về nhà. Sau đợt mưa gió bất thường vào các ngày 31.3 và 1.4, nhiều diện tích lúa chờ thu hoạch tại các địa phương này bị ngã đổ, ngập nước nên nguy cơ bị hư thối, nảy mầm ngoài đồng.
Nhiều cánh đồng ở Bình Định có lúa chín và sắp chín đều bị ngã đổ |
Trong ngày 3.4, tranh thủ trời tạnh mưa, nước trên ruộng đã ráo, nông dân ở TX.An Nhơn cùng ra đồng gặt lúa. Tại cánh đồng An Ngãi (KV.Phò An, P.Nhơn Hưng, TX.An Nhơn), hơn 70% lúa sắp thu hoạch bị ngã đổ. Ngoài sử dụng máy gặt đập liên hợp, nông dân hỗ trợ nhau dùng liềm để cắt phần diện tích lúa bị ngã, ngập trong nước.
Nông dân TX.An Nhơn tranh thủ thu hoạch lúa bị ngã đổ do đợt mưa vào ngày 31.3 và 1.4 |
Theo nông dân Thái Đình Hổ (61 tuổi, ở KV.Phò An), lúa ở cánh đồng An Ngãi chưa chín rộ đã bị ngã do đợt mưa gió bất thường vào các ngày 31.3 và 1.4. Do vậy, nông dân phải gặt để tránh lúa bị ngập nước dẫn đến nảy mầm trên bông hoặc bị hư hỏng do ngâm nước.
“Chỉ còn vài ngày nữa là gặt lúa vụ đông xuân rồi, ai ngờ lại trúng đợt mưa gió như vậy, các năm có như vậy đâu. Lúa ngã đổ gặt rất khó, tốn thêm chi phí nhưng lại giảm năng suất, chất lượng. Gia đình tôi có 3,5 sào lúa (tương đương 1.750 m2) máy gặt rất nhanh nhưng giờ ngã hết xuống nước thế này thì cắt bằng tay không biết khi nào xong. Tôi chỉ lo gặt chưa xong thì lại gặp mưa lớn. Chúng tôi mỗi năm làm 2 vụ lúa, mà vụ này như vậy là mất mùa rồi”, ông Hổ nói.
Nông dân Thái Đình Hổ ngồi nhìn đám lúa bị ngã đổ |
Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh (47 tuổi, ở P.Nhơn Hưng) đợt mưa gió khiến lúa ngã đổ vừa qua rất bất thường khiến nông dân không kịp trở tay. Những diện tích lúa bị ngã, nằm sát ruộng nên máy có cắt được cũng bị sót nhiều và bị rụng hạt. Vì vậy, nông dân phải bỏ công dùng liềm để cắt lúa ở những chỗ ngã đổ nặng.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh dùng liềm cắt phần lúa bị ngã đổ |
Nông dân ở xã Nhơn Thọ (TX.An Nhơn) cũng tranh thủ gặt lúa trong ngày 3.4 để tránh đợt mưa lớn sắp đến. Nhiều người cho rằng “xanh nhà hơn già đồng” nên chấp nhận gặt lúa chưa chín rộ về nhà vẫn hơn để lúa chín ngoài đồng có nguy cơ bị ngập lụt, ngã đổ.
Các lực lượng vũ trang sẵn sàng ứng phó
Trong ngày 3.4, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định phát nhiều thông báo cảnh báo mưa lớn trong những ngày sắp đến.
Cụ thể, do ảnh hưởng của đới gió đông của rìa áp cao cận nhiệt đới lấn về phía tây kết hợp với rìa tây nam áp cao lạnh lục địa, từ gần sáng 4.4 đến ngày 6.4, khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Máy gặt tại cánh đồng Phò An |
Phần lúa bị ngã dùng máy gặt bị sót nhiều, nông dân phải đi cắt mót lại |
Ngày 3.4, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở ngành, đơn vị triển khai các giải pháp ứng phó với mưa gió bất thường. Đối với công tác ứng phó trên biển, phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động cảnh báo cho các tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động kế hoạch sản xuất và các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; giữ thông tin liên lạc 24/24 giờ để ứng phó với các tình huống xấu.
Lực lượng quân đội, công an, dân quân… ở Bình Định được yêu cầu sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ trong những ngày sắp đến |
Đối với khu vực trên đất liền, diễn biến thời tiết trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục có mưa, các diện tích lúa sẽ tiếp tục bị ngập nước. Do đó, chính quyền các địa phương trong tỉnh huy động lực lượng vũ trang giúp người dân thu hoạch lúa, đặc biệt là các diện tích lúa đã bị ngã đổ.
Đối với diện tích lúa ngã đổ, hướng dẫn người dân dựng lúa lên buộc thành chùm để tránh hạt lúa nảy mầm trên bông.
Đồng thời, lực lượng quân đội, công an… trên địa bàn tỉnh Bình Định phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Nguồn: thanhnien.vn