Theo các ngư dân, Nghị định 67/2014 khởi đầu là những hy vọng, mơ ước về một đội tàu cá vững chắc với trang thiết bị hiện đại, nhưng sau đó lại hứng chịu bao nỗi thất vọng trong khốn khó. Vì sao những ngư dân giỏi của miền Trung đều “mắc cạn” với “tàu cá 67”?
Lỗi thiết kế
Đầu tiên là thiết kế tàu vỏ thép do các cơ quan chức năng đưa ra không phù hợp với hoạt động đánh bắt trên biển. Chất lượng tàu quá kém, tàu vỏ thép hạ thủy được một thời gian đã gỉ sét, nhiều tàu liên tục bị hỏng máy do dùng máy dỏm mà trước đó ngư dân không thể ngờ tới…
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (Bình Định) kể về các sự cố của tàu vỏ thép |
Năm 2015, ngư dân Nguyễn Văn Lý (ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định) vay hơn 13,2 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) chi nhánh Phú Tài (Bình Định) để đóng mới tàu cá vỏ thép. Cuối năm 2016, tàu được đưa vào hoạt động thì nhiều lần gặp sự cố hư hỏng, gỉ sét phải nằm bờ sửa chữa. Tháng 3.2018, công ty đóng tàu hoàn thành việc bảo hành, bàn giao tàu lại cho ông Lý, nhưng việc đánh bắt cũng không thuận lợi do máy móc tiếp tục bị sự cố, không mua được bảo hiểm tàu cá…
Ngư dân Đỗ Ngọc Tín (ở P.Hòa Hiệp Nam, TX.Đông Hòa, Phú Yên) thì cho biết có nhiều bất cập khi đóng mới “tàu cá 67” nhưng khi ngư dân chỉ ra thì chưa được ngành chức năng giải quyết triệt để.
“Đó là, ngư dân không được lựa chọn cơ sở đóng tàu để tiết kiệm chi phí, phù hợp với nghề đánh bắt. Tàu của tôi được ngân hàng hợp đồng với một cơ sở đóng tàu tại Hải Phòng đóng. Theo tiêu chuẩn mạn tàu vỏ thép phải cao 3,5 m để chịu được sóng gió cấp 6 – 7. Tuy nhiên, chiều cao mạn tàu của tôi chỉ được đóng cao 3,15 m, trong khi hệ thống khung sắt làm nghề lưới chụp rất nặng, tàu không chịu được sóng cấp 5, nên mỗi lần sóng lớn, tàu phải quay về bờ”, ông Tín nói.
5 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định gặp sự cố, phải sửa chữa |
Ông chua chát chia sẻ thêm: “Chi phí để duy trì tàu vỏ thép quá lớn, trung bình một chuyến biển 20 ngày tốn gần 400 triệu đồng tiền dầu và công lao động, khiến nhiều chuyến biển đánh bắt bị thua lỗ. Chúng tôi muốn được chuyển đổi nghề nhưng vướng vào các điều khoản hợp đồng vay tín chấp trước đó, không chuyển đổi nghề được”.
Vốn vay quá lớn
Về năng lực, hầu hết chủ tàu trong đội “tàu cá 67” Đà Nẵng đều là những ngư dân nhiều năm được T.Ư Hội Nông dân VN, Hội Nghề cá, Chủ tịch UBND TP.Ðà Nẵng tặng bằng khen. Điển hình như ông Trần Văn Mười được tặng danh hiệu Nông dân VN xuất sắc 2016, được Thủ tướng tặng bằng khen; ngư dân Lê Văn Sang được tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu VN 2014…
Ngư dân Lê Văn Sang (ở P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) cho biết “tàu cá 67” rất tốt cho chiến lược hiện đại hóa nghề cá, phát triển kinh tế biển nhưng vốn vay quá lớn, thực tế khai thác có thời điểm bất lợi (sự cố, thiên tai, giá hải sản thấp) nên không trả lãi đúng hạn thì bị mất lãi suất ưu đãi, chuyển sang lãi suất thương mại và nợ xấu. Ngư dân Trần Văn Mười (ở P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) cũng dẫn chứng: “Lãi vay ưu đãi 1%/năm, nhưng chỉ cần 1 quý không trả được thì nợ dồn nợ, mất khả năng chi trả, biến thành lãi thương mại 7%/năm”.
Bên cạnh đó, “tàu cá 67” đã thế chấp 95%, không thể vay thêm ngân hàng chi phí cho chuyến biển, buộc phải vay ngoài, chi phí vận hành tàu lớn, nên dù cố gắng vẫn không trả nổi.
Ông Nguyễn Cao Phong, Giám đốc chi nhánh Nam Đà Nẵng – Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), cho rằng về chủ trương “tàu cá 67” hoàn toàn đúng đắn, nhưng thực tế không thành do không lường đến việc cần vốn lưu động để vận hành, trong khi vốn vay ban đầu đã quá lớn…
Khổ ải muôn trùng
Theo ngư dân Đỗ Văn Tiến (58 tuổi, ở xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), nguyên nhân khiến “tàu cá 67” mới hoạt động nhưng phải “đắp chiếu” nằm bờ là do ngư trường đánh bắt hạn hẹp, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi quá lớn. Việc đánh bắt không hiệu quả, dần dà cũng khiến chủ tàu mất hết bạn thuyền.
Chia sẻ liên quan vấn đề này, Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho rằng tình hình khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là từ năm 2019 đến nay sản lượng khai thác thấp, lao động đi biển khan hiếm, chi phí mỗi chuyến biển tăng cao và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hiệu quả kinh tế của chuyến biển thấp. Vì vậy, nhiều tàu có doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng, một số tàu cá phải nằm bờ và đã bị các ngân hàng thương mại kiện ra tòa.
Với góc nhìn tương tự, ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá nguyên nhân làm cho “tàu cá 67” làm ăn kém hiệu quả là do nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt mà cường lực khai thác trong những năm gần đây rất lớn, số lượng tàu đông cho nên hiệu quả khai thác giảm.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng “thẻ vàng” Ủy ban Châu Âu (cảnh báo đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu vào châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định – IUU) nên hàng xuất đi ít, chủ yếu là tiêu thụ trong nước nên giá bị giảm sút. Ngoài ra, còn có các yếu tố như ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhiên liệu tăng, lực lượng tham gia lao động trên biển ngày càng thiếu hụt. Trong khi đó, một số chủ tàu khi tiếp nhận tàu mới thì vận hành con tàu chưa được tốt, đặc biệt là những tàu vỏ thép, khi hoạt động có những trục trặc về trang thiết bị khai thác, bảo dưỡng tàu không đảm bảo theo quy định cho nên hiệu quả khai thác thấp.
Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cũng nhận định nguyên nhân khiến tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 nằm bờ là do sức ép của thị trường, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Ngoài ra, sức ép chi phí để vận hành tàu thép cao. Theo ông Tấn, còn có một lý do khác nữa, đó là sau khi vay vốn ngân hàng để đóng tàu, nhiều ngư dân không có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, chỉ trả nợ theo kiểu “nhỏ giọt”. Chính vì vậy, sau 5 năm khoản nợ trả không được bao nhiêu, buộc ngân hàng kiện ra tòa nhằm thanh lý tàu, thu hồi vốn.
Như thế, từ một chủ trương đúng đắn nhưng từ chính sách đến thực tế có nhiều khoảng cách, dẫn đến nhiều “tàu cá 67” thất bại. (còn tiếp)
Tạo nhiều điều kiện nhưng vẫn thất bại
Theo ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam, đánh giá “tàu cá 67” hoạt động hiệu quả hay không là tùy thuộc vào nhóm nghề. Riêng nghề lưới rê tổng hợp thì dường như không phát huy được hiệu quả, nghề lưới vây và chụp mực cũng phát triển cầm chừng.
“Nói chung, “tàu 67” mà tàu gỗ thì ổn định hơn tàu vỏ thép. Hiện các tàu vỏ thép nằm bờ đã bị ngân hàng thanh lý để thu hồi vốn. Trước đây, những tàu làm ăn thua lỗ tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân cải hoán, chuyển đổi nghề khai thác nhưng vẫn thất bại”, ông Kiến nói.
Ông Trần Văn Trí, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN – chi nhánh Phú Yên, phân tích: Nguyên nhân dư nợ xấu trong cho vay đóng “tàu cá 67” là do ngư trường khai thác không thuận lợi. Các chủ tàu còn thiếu sự gắn kết giữa nghiệp đoàn khai thác tại địa phương và các tàu cá các tỉnh, thông tin hỗ trợ về ngư trường khai thác chưa đầy đủ, đồng thời nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm sút đã làm giảm hiệu quả của việc khai thác.
Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng làm thị trường tiêu thụ giảm mạnh nên ảnh hưởng đến hoạt động khai thác gặp khó khăn. Có những chuyến khai thác thu nhập không bù đắp chi phí, nhất là các chuyến biển dài ngày nên tác động rất lớn đến nguồn tài chính để trả nợ vay cho ngân hàng.
Nguồn: thanhnien.vn