Wednesday, January 8, 2025

Tình hình Covid-19 hôm nay 2.4: Người lớn cần luôn bên trẻ 3 ngày sau tiêm vắc xin



Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay: Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin Covid-19 trong tháng 4 này. Các chuyên gia lưu ý người lớn luôn bên trẻ 24/24, ít nhất 3 ngày sau tiêm, để phát hiện sớm các phản ứng nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, hiệu quả.

Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Ghi nhận 65.616 ca mắc Covid-19 trong nước,không còn bệnh nhân nguy kịch phải điều trị ECMO. Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ hôm qua 1.4 đến 16 giờ hôm nay, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 65.619 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 65.616 ca trong nước (giảm 6.939 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Trong các ca mắc mới có 42.193 ca trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca mắc mới: Hà Nội 7.423, Đắk Lắk 3.999, Nghệ An 2.911, Yên Bái 2.883, Phú Thọ 2.770, Bắc Giang 2.439, Quảng Ninh 2.378, Lào Cai 2.283, Hà Giang 2.016, Thái Bình 1.911, Quảng Bình 1.857, Bắc Ninh 1.758, Vĩnh Phúc 1.706, Lạng Sơn 1.668, Tuyên Quang 1.497, Bắc Kạn 1.479, Sơn La 1.319, Hà Nam 1.158, Thái Nguyên 1.134, Cao Bằng 1.111, Hải Dương 1.088.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lào Cai giảm 521 ca, Vĩnh Phúc giảm 496 ca, Hòa Bình giảm 435 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk tăng 900 ca, Bắc Ninh tăng 383 ca, Bình Phước tăng 61 ca. Theo công bố của các sở y tế, hôm nay có 106.878 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện, 2.276 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó 224 ca thở máy xâm lấn, không có ca nguy kịch điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua, ghi nhận 37 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Trong đó, Hà Nội 4 ca, Quảng Ninh 3 ca, Trà Vinh 3 ca, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng mỗi nơi ghi nhận 2 ca, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Tây Ninh, TP.HCM và Vĩnh Long mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Tình hình Covid-19 hôm nay 2.4: Người lớn cần luôn bên trẻ 3 ngày sau tiêm vắc xin

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm vắc xin Pfizer và Moderna từ tháng 4.2022

Phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế cho biết, từ tháng 4 này, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi triển khai trên cả nước. Vắc xin Covid-19 được phê duyệt tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna. Theo PGS – TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), đối với vắc xin Pfizer, các phản ứng thường gặp khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm (trên 80%), mệt mỏi (trên 50%), đau đầu (trên 30%), tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm (trên 20%), đau cơ và ớn lạnh (trên 10%). Các phản ứng rất thường gặp ở nhóm tuổi này là: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm. Ngoài ra, một số ít trẻ có phản ứng: nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ hoặc ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi; mệt mỏi khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm…

Đối với vắc xin Moderna, các phản ứng thường gặp là: sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm. Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau các mũi tiêm cơ bản là: đau tại vị trí tiêm (98,4%); mệt mỏi (73,1%); đau đầu (62,1%); đau cơ (35,3%); ớn lạnh (34,6%); buồn nôn, nôn mửa (29,3%); sưng, đau ở nách (27.0%); sốt (25,7%); ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%); sưng tại vị trí tiêm và đau khớp. Phản ứng thường gặp là: tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là: chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Những điều cần lưu ý sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ. Sau tiêm, trẻ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Qua đó, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả. Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc cần lưu ý sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19. Theo đó, luôn bên cạnh trẻ 24/24, ít nhất trong 3 ngày sau tiêm. Hạn chế gửi trẻ ở nhà trẻ vì một vài cô giáo không thể theo dõi hết các trẻ. Trong trường hợp cần gửi trẻ, phải dặn cô giáo lưu ý những triệu chứng nặng cần đưa bé đi bệnh viện càng sớm càng tốt. Dặn dò và hạn chế để trẻ đùa nghịch hay chơi những môn thể thao có cường độ mạnh như: đá bóng, chạy bộ hay bóng rổ…; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi; nếu sưng to nhanh, đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Thường xuyên đo thân nhiệt trẻ. Nếu trẻ có sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Trẻ em cần được theo dõi kỹ 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19. Liên quan các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19, TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết thông qua kết quả thực nghiệm và triển khai trên thế giới, tình trạng này ở nhóm trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi không khác biệt nhiều với trẻ lớn và người trưởng thành. Cụ thể, trẻ có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại điểm tiêm nhưng biểu hiện thoáng qua và rất nhanh. Một số phản ứng toàn thân cũng được ghi nhận như mệt mỏi tương tự cúm hay sốt nhẹ trong vài ngày. Ngoài ra, tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin ở nhóm trẻ 5 đến 12 tuổi khá thấp.

Theo TS Hải, việc theo dõi sau tiêm vắc xin cần được chú trọng và thực hiện sát sao hơn với trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh không để trẻ một mình sau khi tiêm. “Cha mẹ, người thân phải thường xuyên bên cạnh trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm để nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như: phát ban, tổn thương niêm mạc. Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác”, TS Đỗ Thiện Hải lưu ý.

Hà Nội thừa nhận còn “bị động, lúng túng chống dịch, gây bức xúc cho người dân”. UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, năm 2021, Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của T.Ư. Dù vậy, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số hạn chế khuyết điểm như bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan để phát sinh các chuỗi lây nhiễm phức tạp. Có thời điểm còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; quy định đi lại của người dân. Bên cạnh đó, năng lực của hệ thống y tế, nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế; công tác truyền thông, thông tin có lúc chưa kịp thời. Sau hội nghị kiểm điểm năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên.

Mục đích của kế hoạch là bảo đảm kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác. Cụ thể, 5 nội dung cần khắc phục gồm: Sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc cho người dân. Công tác thông tin, truyền thông của thành phố có lúc còn chưa kịp thời.

TP.HCM còn 4.299 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19. Ngày 2.4, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 30.3, thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập danh sách 440.497 người 65 tuổi có nguy cơ cao, kèm bệnh nền. TP.HCM đã xét nghiệm cho 344.907 người nguy cơ trên 65 tuổi kèm bệnh nền, phát hiện 5.935 người nhiễm Covid-19. Trong đó, có 2.857 người được sử dụng thuốc Molnupiravir. Đã có 5.287 người khỏi bệnh, 570 người đang cách ly điều trị và 96 ca đang điều trị tại bệnh viện.

Đến thời điểm này, TP.HCM còn 4.299 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi kèm bệnh nền chưa tiêm vắc xin Covid-19. Trong đợt cao điểm của chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, có 3 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, có 2 ca tử vong tại bệnh viện và 1 ca tử vong tại nhà. Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của TP.HCM vẫn tiếp tục với mục tiêu chính là phòng ngừa người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Phát hiện sớm người nhiễm để điều trị bằng thuốc kháng vi rút, tiêm vắc xin cho người chưa tiêm.

Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, phát hiện biến thể SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm mạnh hơn BA.2. Theo India Today ngày 2.4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể mới của SARS-CoV-2 có tên XE dường như có mức lây nhiễm cao hơn 10% so với biến thể phụ BA.2 của Omicron, dù điều này cần xác nhận thêm. Cho đến nay, BA.2 được xem có mức lây nhiễm cao nhất trong các biến thể gây Covid-19. BA.2 đang lây lan tại nhiều khu vực trên thế giới, chiếm tỷ lệ đa số các ca nhiễm mới tại Mỹ. Nếu được xác nhận, XE trở thành biến thể lây nhiễm cao nhất. XE được cho là biến thể lai giữa 2 biến thể phụ của Omicron là BA.1 và BA.2, hiện chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các ca trên toàn cầu. “Tái tổ hợp XE (BA.1-BA.2) được phát hiện đầu tiên tại Anh vào ngày 19.1 và chưa đến 600 trình tự được báo cáo và xác nhận cho đến nay. Ước tính ban đầu cho thấy tỷ lệ gia tăng trong cộng đồng cao hơn 10% so với BA.2, nhưng kết quả này cần xác nhận thêm”, theo WHO. WHO cho biết XE được xem là một phần của biến thể Omicron, cho đến khi xác định được khác biệt lớn về đặc tính, bao gồm mức độ lây lan và gây bệnh.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img