Các số liệu về số lượng người đang sử dụng tiền điện tử và những người để ngỏ khả năng sử dụng đồng tiền này đang có xu hướng gia tăng.
Công ty giao dịch tiền kỹ thuật số Gemini (đặt tại Mỹ) đã thực hiện khảo sát từ tháng 11/2021 – tháng 2/2022 đối với gần 30.000 người ở 20 quốc gia. Khảo sát cho thấy năm 2021 là một năm bùng nổ đối với tiền điện tử, với gần 50% chủ sở hữu tiền điện tử ở Mỹ, Mỹ Latin và châu Á – Thái Bình Dương đã mua tài sản kỹ thuật số lần đầu tiên vào năm 2021.
Brazil và Indonesia dẫn đầu thế giới về sử dụng tiền điện tử, với 41% người tham gia khảo sát ở hai nước này thông báo sở hữu tiền điện tử, tỷ lệ này ở Mỹ là 20% trong khi ở Vương quốc Anh là 18%. Khảo sát cũng ghi nhận 79% số người sở hữu tiền kỹ thuật số vào năm ngoái cho biết họ lựa chọn các tài sản kỹ thuật số vì tiềm năng đầu tư dài hạn.
Những người hiện không sở hữu tiền điện tử và sống ở các quốc gia chứng kiến đồng nội tệ giảm so với USD, để ngỏ khả năng cao gấp 5 lần đối với việc mua tiền điện tử, coi đó như một biện pháp chống lạm phát tăng.
Tiền kỹ thuật số đã biến động không ngừng trong năm 2021. Tháng 11/2021, giá trị đồng bitcoin đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, tới hơn 68.000 USD, nâng tổng giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu lên 3.000 tỷ USD. Hiện giá bitcoin ở mức khoảng 34.000 USD – 44.000 USD.
Quản lý rủi ro từ tiền điện tử
Hiện nay, không chỉ tiền điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mà các loại tài sản mua bằng tiền điện tử cũng xuất hiện nhiều hơn, được ưa chuộng hơn như tài sản kỹ thuật số NFT, tổng giá trị giao dịch trong năm 2021 đạt tới 17,6 tỷ USD.
Việc sử dụng tiền điện tử, các tài sản tiền điện tử và công nghệ đã cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn và cũng đi kèm với nhiều rủi ro lớn. Xu thế chung của nhiều quốc gia vì thế là thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các công nghệ này, nhưng phải ưu tiên vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Cảnh sát Malaysia năm ngoái đã tiêu hủy hơn 1.000 máy đào bitcoin, bắt giữ 8 đối tượng trong một vụ truy bắt. Nhóm này bị buộc tội câu trộm điện để chạy máy đào bitcoin. Hành động này bị đánh giá là có thể gây hại cho tài sản công và cuộc sống của người dân, vì có nguy cơ gây mất điện ở khu vực. Thiệt hại về tiền điện ước tính 2 triệu USD.
Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi El Salvador thay đổi chính sách và ngừng sử dụng bitcoin như một đồng tiền hợp pháp. IMF nhấn mạnh, việc sử dụng bitcoin và phát hành trái phiếu của đồng tiền kỹ thuật số này sẽ mang lại những rủi ro lớn cho sự toàn vẹn và ổn định tài chính cũng như bảo vệ khách hàng.
Tiền kỹ thuật số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng việc thiếu các quy định pháp lý chặt chẽ để quản lý chính là lỗ hổng làm nảy sinh các rủi ro.
Bà Maxine Waters – Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ: “Không có một khuôn khổ pháp lý chung hoặc riêng nào đối với thị trường tiền điện tử, dẫn tới việc các khoản đầu tư vào tài sản kỹ thuật số dễ bị rơi vào lừa đảo, thao túng hoặc bị lạm dụng”.
Thực tế là nhiều vụ phạm tội liên quan đến tiền kỹ thuật số đã bị triệt phá. Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái đã phát lệnh bắt giữ 78 đối tượng dính líu tới đường dây lừa đảo tiền kỹ thuật số có quy mô lớn nhất lịch sử nước này. Cuộc điều tra được cảnh sát tiến hành sau khi nhà sáng lập nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số Thodex là Fatih Ozer tạm dừng giao dịch và ra nước ngoài ngày 20/4/2021. Ozer được cho là đã biến mất với 2 tỷ USD tài sản tiền kỹ thuật số thu được từ hơn 390 nghìn nhà đầu tư, khối lượng giao dịch hằng tháng của nền tảng này lên tới khoảng 12 tỷ USD.
Sau vụ việc này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh, bổ sung các nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số vào danh sách các công ty phải tuân thủ quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cấm sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán với lý do đây là các giao dịch rủi ro.
Các thành viên của Nghị viên châu Âu tháng trước đã đồng ý về các quy tắc dự thảo đối với việc giám sát, bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính bền vững của các tài sản kỹ thuật số, bao gồm các loại tiền kỹ thuật số.
Đầu năm nay, Thái Lan lên kế hoạch cấm các nhà khai thác tài sản kỹ thuật số tạo điều kiện sử dụng tiền điện tử như một phương tiện thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ. Mục đích là nhằm hạn chế các rủi ro đối với các hoạt động thanh toán tiền kỹ thuật số, trong đó có việc ổn định thị trường tài chính và hệ thống kinh tế tổng thể.
Nguồn: vtv.vn